'Slowbalisation': Xu thế mới đáng lo ngại của nền kinh tế thế giới

30/01/2019 08:18 AM | Xã hội

Có nhiều dấu hiệu cho thấy "Toàn cầu hóa chậm lại" (Slowbalisation) đang len lỏi vào các nền kinh tế thế giới.

Trong suốt 30 năm qua, sự giao thương mạnh mẽ về nguồn lực giữa các thị trường đã giúp nền kinh tế phát triển. Từ nguồn vốn, tài chính, nhân lực cho đến các ý tưởng. Nói ngắn gọn hơn, toàn cầu hóa (Globalisation) chính là động lực cho tăng trưởng toàn cầu suốt vài thập niên qua.

Tuy nhiên, sự giảm tốc gần đây của nhiều nền kinh tế chủ chốt đã tạo nên một khái niệm mới: "Toàn cầu hóa chậm lại" (Slowbalisation). Khái niệm này đã được chuyên gia Adjiedj Bakas người Hà Lan sử dụng lần đầu vào năm 2015.

Theo đánh giá của các chuyên gia, toàn cầu hóa đã có những thăng trầm trong lịch sử. Tuy vậy kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ và Chiến tranh lạnh kết thúc, tiến trình này đã bùng nổ mạnh mẽ cùng với hàng loạt hiệp định thương mại tự do, tổ chức hợp tác kinh tế.

Như một hệ quả tất yếu, thương mại thế giới tăng chóng mặt từ 39% GDP năm 1990 lên 58% GDP toàn cầu hiện nay. Tổng tài sản trên thế giới cũng tăng từ 128% GDP lên 401% GDP toàn cầu trong cùng kỳ. Lượng người di cư cũng tăng mạnh từ 2,9% lên 3,3% tổng dân số.

Dẫu vậy, toàn cầu hóa vẫn chưa vươn hết ra toàn thế giới khi còn khoảng 1 tỷ người trên thế giới vẫn phải sống trong nền kinh tế mà thương mại chỉ chiếm chưa đến 25% GDP. Tệ hơn, khoảng ¼ những hiệp định thương mại tự do song phương được ký kết xong và để đó, nghĩa là hầu như không có sự tăng trưởng nào về giao thương giữa 2 nền kinh tế dù đã ký kết xong thỏa thuận.

Vậy những dấu hiệu nào cho thấy "Toàn cầu hóa chậm lại" bắt đầu len lỏi vào các nền kinh tế thế giới?

Hãy nhìn vào bảng dưới đây, có đến 8 chỉ số suy giảm hoặc dậm chân tại chỗ. Có 7 trong số đó đã mất đà tăng trưởng từ năm 2008. Đặc biệt, thương mại toàn cầu đã giảm từ 61% GDP năm 2008 xuống chỉ còn 58% hiện nay.

Slowbalisation: Xu thế mới đáng lo ngại của nền kinh tế thế giới - Ảnh 1.

Nhập khẩu của các thị trường trên toàn thế giới đã tăng nhanh trong suốt 20 năm tính đến năm 2008, để rồi giảm từ 19% GDP xuống còn 17% GDP hiện nay. Đầu tư trực tiếp nước ngoài dài hạn của các tập đoàn quốc tế cũng giảm từ 3,5% GDP năm 2007 xuống chỉ còn 1,3% năm 2018.

Khi các doanh nghiệp ít đầu tư ra nước ngoài hơn, các khoản tín dụng nước ngoài cũng giảm từ 60% GDP năm 2006 xuống 36% GDP hiện nay. Dòng chảy nguồn vốn ròng trên toàn cầu đã giảm từ mức đỉnh 7% đầu năm 2007 xuống chỉ còn 1,5% hiện nay.

Số liệu duy nhất cho thấy tăng trưởng là lượng người di cư khi hãng tư vấn McKinsey nhận định lượng người di cư trên thế giới đã tăng 64 lần trong 10 năm qua do chiến tranh, thiên tai hay biến động địa chính trị.

Sự hình thành của xu thế mới

Kể từ thập niên 1980, giao thương đã không thể tiếp tục rẻ thêm được nữa, nhất là khi các hàng rào thuế quan và chi phí vận chuyển vẫn còn đó. Kể từ đây, thương mại và toàn cầu hóa phải tự chuyển mình để tìm đường ra và những thị trường mới nổi như Trung Quốc trở thành trọng tâm của quá trình này.

Trớ trêu thay cuộc khủng hoảng 2008 khiến ngành tài chính thiệt hại nặng. Các nhà đầu tư kỹ tính hơn khi chi tiền trong khi lợi nhuận của các khoản đầu tư nước ngoài không cao như kỳ vọng. Tỷ suất lợi suất của các khoản đầu tư nước ngoài từ những tập đoàn lớn chỉ vào khoảng trung bình 10% từ 2005 đến 2007, và chỉ đạt gần 6% trong năm 2017.

Những cuộc mua bán, sáp nhập xuyên biên giới không đem lại lợi ích như kỳ vọng trong khi các ông lớn nước ngoài nhận ra những công ty bản địa khó nhằn không kém.

Ngoài ra, những nền kinh tế mới nổi giờ đây đã giàu có hơn và chuyển dần sang mảng dịch vụ, vốn là một ngành khó giao thương hơn so với sản xuất. Một luật sư Trung Quốc khó lòng biện hộ cho thân chủ tại Berlin trong khi một nha sĩ tại Texas sẽ khó hành nghề ở Philippines nếu không có giấy phép.

Slowbalisation: Xu thế mới đáng lo ngại của nền kinh tế thế giới - Ảnh 2.

Những nền kinh tế mới nổi ngày càng phát triển và họ càng tự lập hơn, tự sản xuất được cho mình những sản phẩm cần thiết. Ví dụ như Trung Quốc hiện nay đang sản xuất phần lớn các bộ phận cho iPhone. Thuật ngữ "Made in China" trước đây là chỉ những nhà máy chỉ lắp ráp tại Trung Quốc nhưng giờ đây, các sản phẩm thật sự được sản xuất tại quốc gia này chứ không chỉ lắp ráp đơn thuần.

Tệ hơn, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gây chiến tranh thương mại càng làm toàn cầu hóa trở nên mờ nhạt. Năm 2015, tổng mức lợi ích mà Mỹ thu được nhờ thuế quan là 1,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Con số này tăng lên 2,7% tính vào tháng 10/2018 và nếu Mỹ-Trung không đạt được thỏa thuận thương mại, nó sẽ lên 3,4% tính đến tháng 4/2019, mức cao nhất kể từ năm 1978.

Không riêng gì chiến tranh thương mại, các chính trị gia ngày này cũng chú trọng chỉ trích những công ty để tiền ở nước ngoài hơn là mang về nước. Bộ luật ban hành tháng 12/2017 khuyến khích các công ty Mỹ mang tiền về nước hơn là để nước ngoài và kể từ đó đến nay, khoảng 650 tỷ USD đã được đem về.

Tháng 8/2018, Nghị viện Mỹ cũng thông qua dự luật bảo vệ các công ty công nghệ của Mỹ nhằm tránh tiết lộ kỹ thuật ra bên ngoài. Thế rồi hàng loạt công ty như ZTE, Huawei của Trung Quốc trở thành đích ngắm từ Mỹ cho hàng loạt các lệnh cấm lẫn cáo buộc.

Sự tức giận của Tổng thống Trump và một bộ phận người Mỹ là có cơ sở khi nền kinh tế này chỉ còn đóng góp ¼ vào tổng GDP toàn cầu, thấp hơn so với 1/3 của năm 1985. Nhiều chuyên gia nhận định toàn cầu hóa sẽ không còn được Mỹ dẫn dắt cũng như không còn là trào lưu chủ đạo của Phương Tây trong tương lai gần nữa.

Ở phía ngược lại, Trung Quốc cũng không kém cạnh khi gia tăng rào cản cho một loạt công ty nước ngoài đang kinh doanh tại đây.

Hầu hết các tập đoàn năm 2018 đều cố gắng thuyết phục cổ đông rằng chiến tranh thương mại sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kinh doanh. Nghe thật phi lý khi suốt 20 năm qua những công ty này đã vận động hành lang tích cực cho toàn cầu hóa để rồi giờ đây bất ngờ không kịp trở tay khi tiến trình này chuyển sang "Toàn cầu hóa chậm lại" và tệ hơn là những cuộc chiến thương mại khốc liệt.

Một cuộc khảo sát với 80 tập đoàn lớn tại Mỹ cho thấy họ chỉ mất 60 tỷ USD lợi nhuận cho chiến tranh thương mại, tương đương 3% và các giám đốc điều hành đều tự tin rằng thị trường có tính độc lập của nó. Trớ trêu thay, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn trong 8 tuần vừa qua khi những con số chỉ ra sai lầm của các tập đoàn này.

Câu chuyện không phải chỉ riêng chiến tranh thương mại mà còn liên quan đến đầu tư cũng như sự tự tin của người tiêu dùng, cổ đông…

Ngày 18/12/2018, một trong những hãng logistic lớn nhất thế giới là Federal Express thông báo doanh thu giảm tốc và lợi nhuận sụt giảm 1/6. Ngày 2/1/2019, Apple tuyên bố chiến tranh thương mại gây ảnh hưởng kinh doanh tại thị trường Trung Quốc và chỉ 5 ngày sau, Samsung cũng theo sát với nội dung tương tự.

Slowbalisation: Xu thế mới đáng lo ngại của nền kinh tế thế giới - Ảnh 3.

Tỷ lệ đầu vào của chuỗi cung ứng từ những nước cùng khu vực ở các Châu lục (%)

Những cuộc cứu chữa muộn màng

Trong khi nhiều doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất để tránh chiến tranh thương mại thì nhiều công ty cũng tích hàng trở lại Mỹ. giá vận tải container từ Thượng Hải sang Los Angeles đã tăng mạnh trong nửa cuối năm 2018 so với những chuyến hàng vận chuyển sang Rotterdam-Hà Lan.

Mặc dù vậy, sự dịch chuyển này chẳng thể nhanh được. Ví dụ tại Việt Nam, thị trường được hưởng lợi lớn nhất từ chiến tranh thương mại có 2 cảng chính là Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), nhưng cả 2 cảng này chỉ có quy mô bằng 1/6 so với Thượng Hải.

Nhiều công ty cũng đã đầu tư quá lớn ở Trung Quốc và không thể nói rút là rút. Ví dụ như Apple đã cam kết khoản giao dịch 42 tỷ USD với các nhà máy Trung Quốc trong năm 2019 và không thể dễ dàng hủy hợp đồng. Nếu Apple muốn dịch chuyển, họ sẽ phải tiêu tốn khoảng 25-90 tỷ USD, đó là nếu rút lui được nhanh chóng.

Ở chiều hướng ngược lại, phía Trung Quốc cũng hạn chế đầu tư dần sang các nước Phương Tây khi họ không còn được chào đón. Tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm nay, Chủ tịch Ning Gaoning của Sinochem nhận định lượng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc sẽ suy giảm khi họ đang bị bối rối. Ban đầu các nhà đầu tư Trung Quốc tưởng rằng mình sẽ được chào đón tại những thị trường đổ tiền vào nhưng giờ họ nhận ra mình không được chào đón như kỳ vọng.

Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ và Châu Âu đã giảm 73% năm 2018. Số liệu của UNCTAD thì cho thấy nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu cũng giảm 20% trong năm ngoái.

Trong khi đó, một số dự đoán cho rằng xuất khẩu thậm chí có thể giảm từ mức 28% GDP xuống chỉ còn 23% GDP trong 10 năm tới, tương đương 1/3 mức giảm trong khoảng 1929-1946, giai đoạn toàn cầu hóa gặp khủng hoảng do Thế chiến II.

Có lẽ, các doanh nghiệp đang dần thích nghi với xu thế "Toàn cầu hóa chậm lại" ngày nay khi chuyển từ giao thương hàng hóa vật thể sang phi vật thể.

Trong thế kỷ 20, thương mại đã có 3 lần dịch chuyển, từ những chiếc thuyền chở đầy sắt, thịt và gỗ sang những mặt hàng xe hơi, thiết bị bán dẫn rồi lại chuyển sang những thiết bị cần thiết cho chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Cho đến hiện tại, có lẽ thương mại lại dịch chuyển lần thứ 4.

Lần này không còn những con thuyền chở hàng nữa mà là dịch vụ, ý tưởng. Báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy sự dịch chuyển của dòng chảy kiến thức đã đóng góp hơn 40% tăng trưởng sản lượng cho các nền kinh tế mới nổi trong giai đoạn 2004-2014.

Nói tóm lại, ngành dịch vụ chỉ chiếm 6-7% GDP toàn cầu hiện nay sẽ trở thành loại hàng hóa mới trong tương lai. Hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc là Alibaba dự đoán người dân nước này sẽ chi tiêu ít nhất 40 tỷ USD cho năm 2023 tại nước ngoài. Hãng Netflix và Facebook hiện cũng đang có doanh thu hàng tỷ USD từ các khách hàng quốc tế.

Slowbalisation: Xu thế mới đáng lo ngại của nền kinh tế thế giới - Ảnh 4.

Tuy nhiên một thực tại rõ ràng rằng ngay cả các công ty công nghệ, dịch vụ cũng chẳng thế cứu nổi toàn cầu hóa. Những người dùng Facebook hiện nay tại Mỹ chỉ có 4% bạn bè là người nước ngoài nhưng lại có tới 70% bạn bè nằm trong khoảng 200 dặm anh quanh nơi họ sống.

Trong khi chính quyền Washington dè chừng với những doanh nghiệp Trung Quốc, sợ họ ăn cắp công nghệ hoặc do thám thì phía ngược lại, công ty Mỹ cũng chẳng được chào đón, hay thậm chí còn bị xua đuổi ở Trung Quốc.

Sự lo ngại của Mỹ về toàn cầu hóa trong công nghệ là có cơ sở. Ví dụ như việc nhập khẩu lao động nước ngoài hay thuê ngoài (outsourcing) các dự án công nghệ cho Ấn Độ. Nếu mỗi lao động có tay nghề kỹ thuật tại Ấn Độ có thể làm việc thay thế nhân công nước ngoài trong mảng công nghệ thì khoảng 1,5 triệu người Phương Tây sẽ mất việc làm. Với lý do này, toàn cầu hóa chẳng thể trông chờ vào công nghệ.

Ngày càng địa phương hóa

Cách đây 10 năm, khoảng 1/3 FDI đầu tư vào Châu Á đến từ các nước trong khu vực thì hiện nay tỷ lệ này đã chiếm 50%. Tại Châu Âu, 60% FDI đến từ các nước trong khu vực trong 10 năm qua.

Rõ ràng, ngày nay các khu vực kinh tế đang bị địa phương hóa mạnh mẽ. Họ chú trọng đến lợi ích bản thân hơn là hướng đến một nền kinh tế mở toàn cầu. Trong khi Tổng thống Trump xác lập lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico và Canada thì Châu Âu thông qua luật siết chặt kiểm tra các dòng vốn đầu tư nước ngoài từ ngày 20/11/2018.

Trung Quốc cũng không chịu kém cạnh khi thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng Châu Á (AIIB) cũng Hiệp định tự do thương mại RCEP.

Trong khi các công ty công nghệ Châu Âu có tiêu chuẩn và quy định của riêng mình về bảo mật, thuế, số liệu… được biết dưới tên GDPR thì các hãng công nghệ Trung Quốc lại có cuộc chơi riêng của mình tại Châu Á. Chẳng có quốc gia Châu Á nào cấm Huawei hay có tuyên bố đề phòng các công nghệ của Trung Quốc. Alibaba và Tencent thì đầu tư mạnh vào Đông Nam Á mà chẳng có tiếng nói bày tỏ sự lo ngại nào.

Rõ ràng, nhiều doanh nghiệp và quốc gia đã nhận ra xu thế "Toàn cầu hóa chậm lại" đang dần mở rộng nhưng những biện pháp của họ lại quá yếu và không hiệu quả. Nhiều nền kinh tế cũng như công ty sẽ bị bỏ rơi lại phía sau. Ví dụ như Đài Loan, chuyên sản xuất bán dẫn cho cả Mỹ và Trung Quốc, hay Apple, một công ty Mỹ nhưng bán khá nhiều hàng ở Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế Arvnd Subramanian và là cựu cố vấn của chính phủ Ấn Độ cảnh báo rằng sự suy giảm của toàn cầu hóa sẽ kéo theo sự giảm tốc về tự động hóa, sút giảm hệ thống giáo dục cùng hàng loạt hệ lụy khác. Cùng với những hiểm họa từ sự biến đổi khí hậu, nền kinh tế thế giới có thể sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Tất nhiên, sự xâm chiếm của "Toàn cầu hóa chậm lại" sẽ còn kéo dài hàng thế kỷ tương tự như khi toàn cầu hóa phát triển trước đây. Dẫu vậy, rõ ràng rằng nền kinh tế toàn cầu đang bước sang một xu thế mới và theo dòng lịch sử, mỗi khi có xu thế mới là một lần nhiều nền kinh tế, doanh nghiệp sẽ bị đào thải hoặc trỗi dậy.

Slowbalisation: Xu thế mới đáng lo ngại của nền kinh tế thế giới - Ảnh 5.

AB

Cùng chuyên mục
XEM