Tại sao không phải người Trung Quốc nhưng bạn vẫn nên mong nền kinh tế này giữ được tăng trưởng?
Ngân hàng Deustch Bank ước tính Trung Quốc xuất khẩu 45 tỷ USD hàng điện thoại sang Mỹ nhưng hơn 80% giá trị của chúng đến từ những mặt hàng nhập khẩu của các nước láng giềng Châu Á hay các nhà máy có sở hữu bản quyền của Mỹ cho đầu vào.
Bất kể quan điểm của mọi người về Trung Quốc là thế nào, thị trường này vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng cho kinh tế toàn cầu. Việc các chuyên gia dự đoán tăng trưởng Trung Quốc năm nay chỉ đạt 6,2%, thấp hơn mức 6,8% của năm 2018 và là mức thấp nhất trong gần 30 năm qua là một điều đáng lo cho nền kinh tế toàn cầu.
Khi kinh tế Trung Quốc "hắt hơi", hàng loạt xí nghiệp da giày, hàng không, du lịch, nông sản… sẽ "cảm lạnh".
1.Vì sao nên nỗi
Thị trường 13 nghìn tỷ USD của Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ và đóng góp 1/3 tăng trưởng toàn cầu mỗi năm. Trung Quốc là nguyên nhân gián tiếp tạo việc làm cũng như nâng cao chất lượng sống cho nhiều nước.
Thêm vào đó, việc tăng trưởng của Mỹ đã qua thời hoàng kim cũng như tình trạng giảm tốc ở Châu Âu càng khiến nhiều người coi trọng sự phát triển của Trung Quốc. Nếu ngay cả nền kinh tế này cũng giảm tốc, hãng tin Bloomberg nhận định chúng có thể ảnh hưởng nặng đến sự hồi phục của kinh tế toàn cầu kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008.
2.Tại sao tăng trưởng hơn 6% vẫn lo?
Trên thực tế, mức tăng trưởng 6% vẫn cao gấp đôi so với bình quân toàn cầu nhưng kinh tế Trung Quốc lại đang ngập trong nợ và chính đà tăng trưởng nóng là nguyên nhân khiến thị trường này duy trì được khoản nợ lớn đến vậy. Việc giảm tốc sẽ khiến hàng loạt doanh nghiệp hay thậm chí chính phủ gặp khó để giải quyết tín dụng.
Theo ước tính của Bloomberg, tổng nợ tại Trung Quốc sẽ lên đến hơn 300% GDP vào năm 2022 và nếu tăng trưởng không đủ chống đỡ khoản nợ này, toàn nền kinh tế sẽ lâm vào khủng hoảng, qua đó tác động sâu rộng đến các đối tác thương mại cũng như kinh tế toàn cầu.
3.Dấu hiệu giảm tốc
Ngoài những con số, việc một số công ty lớn như Apple cắt giảm dự báo lợi nhuận lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua do nhu cầu yếu ở Trung Quốc cũng là một dấu hiệu. Một doanh nghiệp khác là Starbucks, vốn mở liên tục các chi nhánh mới ở Trung Quốc mỗi vài giờ cũng thấy tăng trưởng doanh số chậm lại năm 2018.
Tiếp đó là hàng loạt những cái tên khác dự báo suy giảm về kết quả kinh doanh. Khách hàng Trung Quốc chiếm tới 1/3 trong tổng số 121 tỷ USD hàng xa xỉ toàn cầu năm 2017. Đó là chưa kể những mặt hàng nhập khẩu từ những nước khác. Việc Trung Quốc suy giảm nhu cầu sẽ khiến chuỗi cung ứng tại nhiều quốc gia phụ thuộc vào Trung Quốc tổn hại nặng nề.
Ngành du lịch cũng vô cùng lo sợ khi du khách Trung Quốc là nguyên nhân khiến du lịch của nhiều nước làm ra ăn nên trong những năm qua. Khoảng ¼ số máy bay hãng Boeing bán được trong năm qua là cho thị trường Trung Quốc. Người dân nước này cũng chiếm hơn 1/5 tổng số tiền du khách chi tiêu hàng năm khi du lịch tại nước ngoài, cao gấp đôi so với du khách Mỹ.
Vậy bạn có nghĩ kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ không ảnh hưởng đến bạn?
Tỷ lệ thị trường Trung Quốc trong kim ngạch xuất khẩu của các nước
4.Tình hình có thể tệ hại hơn
Số liệu của Bloomberg Economics cho thấy kinh tế Trung Quốc giảm tốc có thể khiến tăng trưởng GDP của Mỹ mất 1,5 điểm phần trăm trong vòng 2 năm tới. Một số chuyên gia khác thì bi quan hơn với mức giảm 2,4% hoặc thậm chí là chìm vào khủng hoảng tương tự cùng Trung Quốc.
Trong khi đó, Nga sẽ là nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nhất trong số những quốc gia chuyên xuất khẩu hàng hóa nguyên vật liệu, dầu mỏ… khi Trung Quốc "hắt hơi". Những thị trường tài chính như Singapore, Hong Kong cũng chịu tổn thương không kém.
Những nền kinh tế như Đài Loan, Thái Lan, nơi phụ thuộc nhiều vào ngành sản xuất của Trung Quốc cũng sẽ chịu rủi ro.
Ngân hàng Deustch Bank ước tính Trung Quốc xuất khẩu 45 tỷ USD hàng điện thoại sang Mỹ nhưng hơn 80% giá trị của chúng đến từ những mặt hàng nhập khẩu của các nước láng giềng Châu Á hay các nhà máy có sở hữu bản quyền của Mỹ cho đầu vào.
Top những mặt hàng Mỹ xuất nhiều nhất sang Trung Quốc (tỷ USD)
5.Nguyên nhân giảm tốc
Tốc độ tăng trưởng nóng thường không thể kéo dài quá lâu. Khi dân số của một nước chuyển sang giai đoạn lão hóa nhanh, nền kinh tế sẽ dần thiếu hụt lao động giá rẻ. Những cơ hội kinh doanh, đầu tư ngon ăn cũng dần qua đi khi các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng dần hoàn thiện.
Tuy vậy, khoản nợ ngân hàng to đùng lại buộc các doanh nghiệp phải tìm hướng hoạt động nhằm trả nợ và sinh tồn. Hệ quả là hàng loạt những dự án đầu tư không mấy hiệu quả được thực hiện với kỳ vọng sẽ đem lại lợi nhuận trả cho ngân hàng.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại với Mỹ hay chủ trương giảm tỷ lệ tín dụng, thanh lọc ô nhiễm môi trường… cũng khiến nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều biến động. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong vài năm trở lại đây đã không tăng trưởng mạnh như trước. Ngành ô tô của Trung Quốc năm 2018 thậm chí đã công bố doanh số sụt giảm lần đầu tiên trong gần 30 năm qua.
6.Hành động của chính phủ
Dù dấu hiệu không sáng sủa nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn dành những lời lẽ tốt đẹp cho nền kinh tế. Chính quyền Bắc Kinh nhận ra họ đã nợ quá nhiều và quyết định vẫn tung các gói hỗ trợ nhưng với mức độ vừa phải để tránh một cuộc đổ vỡ trong dài hạn.
Song song với các gói hỗ trợ ngành bán lẻ xe hơi hay vay bất động sản, Trung Quốc cũng thực hiện chiến dịch thanh lọc ngân hàng, giảm thuế và nới lỏng chính sách tiền tệ. Sau 4 lần hạ mức dự trữ bắt buộc (RRR-ngân hàng thương mại phải gửi 1 khoản tiền nhất định ở ngân hàng trung ương) cho một số ngân hàng năm 2018, Trung Quốc quyết định cắt giảm RRR cho tất cả các ngân hàng thương mại kể từ tháng 1/2019, một động thái chưa từng diễn ra kể từ tháng 3/2016 nhằm thúc đẩy ngân hàng cho vay.