Sinh viên trước "bão sa thải" đang hoành hành: Người lo sợ, kẻ tự tin vì "sẽ không ai đuổi một nhân tố xuất sắc"
Vừa qua, tin tức về các đợt sa thải của các "ông lớn" công nghệ như: Google, Microsoft... khiến thị trường lao động chao đảo. Trước làn sóng sa thải đó, nhiều người cảm thấy vô cùng hoang mang, trong đó có cả các bạn sinh viên tại Việt Nam.
Sinh viên trước "bão sa thải"
Nguyễn Việt Hoàng là sinh viên năm cuối ngành Công nghệ Thông tin của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Dù chưa ra trường, nhưng Việt Hoàng có thể áng chừng bản thân được xếp loại học lực Giỏi sau 4 năm "dùi mài kinh sử". Không chỉ có thành tích học tập tốt, Hoàng cũng vô cùng năng nổ khi tham gia vào rất nhiều câu lạc bộ (CLB) và "chinh chiến" ở vô vàn cuộc thi chuyên môn lớn nhỏ khác nhau.
Nhìn vào hồ sơ xin việc của anh chàng, ai cũng phải trầm trồ vì CV quá đẹp, thậm chí nhiều người còn tin rằng kiểu gì Hoàng cũng có thể kiếm được công việc xịn cho bản thân. Tuy nhiên, khi chứng kiến cơn bão sa thải đang "quét" qua các công ty công nghệ trên toàn thế giới, Việt Hoàng lại cảm thấy hoang mang tột cùng vì nam sinh biết rằng bản thân đang thiếu sót một điều: kinh nghiệm làm việc thực tế.
"Trái ngược với nhiều bạn trong lớp, trong suốt quãng thời gian học đại học, mình lựa chọn tham gia CLB thay vì đi làm thêm để nâng cao kiến thức chuyên môn. Thế nên hiện nay, bản CV xin việc của mình đang thiếu đi kinh nghiệm làm việc thực tế. Mình e rằng đó sẽ là rào cản trong hành trình tìm kiếm việc làm. Đặc biệt là khi các công ty công nghệ trên toàn thế giới đang trong làn sóng sa thải nhân viên hàng hoạt, điều đó khiến mình hoang mang hơn. Mình rất sợ làn sóng đó sẽ lan đến Việt Nam và khiến cho các công ty sẽ khắt khe hơn trong khâu tuyển chọn ứng viên đầu vào", Việt Hoàng chia sẻ.
(Ảnh minh họa)
Không chỉ Việt Hoàng, mà Phạm Tùng Lâm (sinh viên năm 4, khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghệ, ĐHQGHN) cũng cảm thấy lo lắng trước làn sóng sa thải nhân viên của các công ty công nghệ trên thế giới.
Được biết, Tùng Lâm định hướng bản thân trở thành một lập trình viên Full-Stack (Full-Stack Developer) sau khi ra trường. Lập trình viên Full-Stack là những nhân sự có nền tảng kiến thức, sự hiểu biết về FrontEnd và BackEnd, viết code và bảo trì phần mềm...
Lý giải về nguyên nhân lựa chọn đi theo con đường này, anh chàng cho hay lập trình viên Full-Stack là một ngành nghề được dự đoán là xu thế trong tương lai. Ngoài ra, khi nhắc đến một Full-Stack Developer người ta sẽ nghĩ đến ngay sự "đa-zi-năng", biến hóa khôn lường. Đó là một yếu tố quan trọng trong thị trường lao động khắc nghiệt hiện nay, bởi không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tìm kiếm công việc theo đúng dự định ban đầu. Do đó, sự "đa-zi-năng" lúc này là cần thiết hơn cả để "vứt đâu cũng có thể sống".
Cũng theo Tùng Lâm, muốn trụ vững trong thị trường lao động hiện nay thì giỏi chuyên môn thôi là chưa đủ, chúng ta phải phát triển cả những kỹ năng khác nữa. Do đó, bên cạnh việc học thêm về lập trình bên ngoài, nam sinh còn trau dồi thêm cả tiếng Anh, tiếng Trung và đặc biệt tìm kiếm các khóa học phát triển kỹ năng mềm như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo... để tối ưu hóa khả năng tìm kiếm việc làm của bản thân, đặc biệt trong làn sóng sa thải cực khắc nghiệt.
Muốn trụ vững trong thị trường lao động hiện nay thì giỏi chuyên thôi là chưa đủ, chúng ta phải phát triển cả những kỹ năng khác (Ảnh minh họa)
Ở một diễn biến khác, có những người lại không cảm thấy lo lắng trước làn sóng này. Đó là câu chuyện của Lê Hoàng Anh - sinh viên chuyên ngành Khoa học máy tính mới ra trường. Theo đó, chỉ vừa mới ra trường nhưng Hoàng Anh đã có một công việc "trong mơ" tại một tập đoàn công nghệ vô cùng nổi tiếng tại Việt Nam. Để làm được điều đó, ngay từ khi còn là sinh viên năm 3, anh chàng đã xin thực tập ở nhiều công ty công nghệ khác nhau và kết quả là sau khi tốt nghiệp, Hoàng Anh đã có cho mình vô vàn kinh nghiệm làm việc thực tế.
"Sếp mình từng nói, những nhân viên có chuyên môn không tốt, khả năng làng nhàng sẽ tự đào thải bản thân ra khỏi thị trường lao động. Mình nghĩ câu nói đó cũng rất đúng trong trường hợp của các 'ông lớn' hiện nay. Bởi họ chỉ sa thải những nhân viên mà họ thấy là làm việc chưa hiệu quả, chứ là một nhân tố xuất sắc trong công ty, chẳng có ai tự dưng lại đuổi việc bạn cả. Do đó thay vì 'lo bò trắng răng', mình nghĩ các bạn nên tập trung phát triển kỹ năng cứng và kỹ năng mềm thật tốt", Hoàng Anh chia sẻ.
Cách "nâng cấp" bản thân để không bị "chìm" trước làn sóng sa thải
Trước nỗi lo của sinh viên với làn sóng sa thải hàng loạt, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Nguyễn Thị Phương Thảo - người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự tại các tập đoàn lớn về công nghệ. Cô hiện tại là Trưởng phòng nhân sự tại VNG ZingPlay Studios, đồng thời là một Chuyên gia khai vấn thuộc Liên đoàn khai vấn quốc tế, để làm rõ hơn về vấn đề này.
Cô chia sẻ, làn sóng sa thải nhân viên của các “ông lớn trong lĩnh vực công nghệ” đã diễn ra vào cuối 2022 và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Từ các công ty về Tech (công nghệ), thương mại điện tử, fintech (công nghệ tài chính) cho đến phát triển sản phẩm; Từ các công ty đa quốc gia cho đến những doanh nghiệp thuần Việt.... tất cả đều chịu ảnh hưởng từ làn sóng này.
"Làn sóng sa thải hàng loạt tác động rõ rệt qua giai đoạn quý IV/2022, khi các doanh nghiệp là những công ty lớn về Tech, Product thông báo cắt giảm nhân sự từ 10 - 30%. Và nếu lướt 1 vòng trên Linkedin - một trang mạng xã hội chuyên nghiệp chia sẻ kiến thức và kết nối các cơ hội việc làm, mọi người sẽ thấy mỗi ngày số lượng profile 'open to work' (mở cửa để tìm kiếm việc) càng nhiều với đa dạng các cấp từ nhân viên đến cả những nhân viên thâm niên, các 'sếp cấp cao'… của các công ty, tập đoàn", Phương Thảo nói.
Nguyễn Thị Phương Thảo (Ảnh: NVCC)
Tuy nhiên, chúng ta quan tâm đến "làn sóng" này không phải là để lo sợ, bất an mà coi nó như một cách cập nhật thông tin để đánh giá tình hình thị trường, từ đó có thể chủ động cho kế hoạch của bản thân và trang bị cho mình những hành trang cần thiết khi gia nhập thị trường lao động. Theo Phương Thảo, đối với sinh viên chuẩn bị ra trường, các bạn cần "nâng cấp" bản thân hơn để trở thành số % nguồn lực ổn định tại mỗi công ty, hay muốn tìm những cơ hội mới phù hợp hơn.
Trước khi quyết định "nâng cấp" bản thân chúng ta cần làm rõ những câu hỏi để định vị bản thân:
- Đâu là những giá trị bản thân có được ở thời điểm hiện tại hoặc trong quá trình chúng ta làm việc?
- Đâu là điều khiến chúng ta trở nên khác biệt và lợi thế hơn so với những người cùng trang lứa, cùng công việc?
- Chúng ta muốn nâng cấp bản thân hơn để phù hợp với điều gì?
- Chúng ta cần làm gì để nâng cấp bản thân và nguồn lực nào có thể hỗ trợ?
Trước khi quyết định "nâng cấp" bản thân chúng ta cần làm rõ những câu hỏi để định vị bản thân (Ảnh: NVCC)
Sau khi làm rõ được những câu hỏi trên, bạn có thể tập trung vào các khía cạnh sau đây:
- Mindset (tư duy): Cách bạn nhìn và nhận thức về thế giới xung quanh, bao gồm những niềm tin và suy nghĩ sẽ quyết định hành vi và quan điểm sống của bạn, cũng như cách bạn diễn giải và phản ứng với các tình huống trong đời sống.
- Skillset (kỹ năng): Cách bạn hành động và cư xử dựa trên năng lực, kiến thức và hiểu biết của bạn, cũng như động lực để sử dụng khả năng của bạn.
- Toolset (công cụ): Những cơ chế giúp bạn phát triển kỹ năng và đạt được mục tiêu. Đây có thể là bất kỳ công cụ, phương pháp, kỹ thuật, mô hình, hướng tiếp cận nào tạo ra giá trị trong lĩnh vực bạn chọn.
Không chỉ có vậy, ngoài các kỹ năng chuyên môn, thì các bạn sinh viên có thể hoàn thiện các kỹ năng về tư duy vì trong lĩnh vực công nghệ, tốc độ thay đổi và phát triển nhanh chóng nên nếu bạn rèn luyện cho mình 1 tư duy logic, nhạy bén, rõ ràng thì có thể dễ dàng thích nghi với những công nghệ mới, bài toán mới.
Ngoài ra, việc tự học và nghiên cứu những kiến thức, công nghệ mới là một trong những lợi thế cạnh tranh được nhà tuyển dụng coi trọng và tìm kiếm ở các ứng viên đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.
Và như một lẽ đương nhiên, một khi nâng tầm được giá trị của bản thân và trang bị đầy đủ kinh nghiệm, kỹ năng, sẽ không "cơn bão" nào có thể xô ngã được bạn.