"Sinh viên ra trường không phải là những người thợ"
Sự hài lòng của nhà tuyển dụng là cực quan trọng nhưng không phải là tất cả. Sinh viên ra trường làm được ngay một cách thành thục nghề được đào tạo là cần, nhưng họ không phải là những người thợ.
PGS. TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN đã khẳng định như vậy trong bài phát biểu “GS Nguyễn Văn Đạo – người mở đường tự chủ đại học” tại hội thảo được tổ chức sáng nay, nhân 10 năm ngày mất của cố GS Nguyễn Văn Đạo.
Tự chủ đại học là giá trị giống như tự do, bình đẳng
Dành cho vị giám đốc sáng nghiệp của ĐHQGHN những lời tri ân tốt đẹp nhất, ông Nguyễn Kim Sơn dẫn lại đánh giá của một viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Ukraina, khẳng định: GS Nguyễn Văn Đạo không chỉ tiêu biểu cho nền khoa học Việt Nam mà còn là đại diện chân chính cho đất nước mình trong nền khoa học thế giới.
Theo ông Sơn việc đặt vấn đề thảo luận về quản trị đại học , trong đó trung tâm là tự chủ đại học để kỷ niệm GS Nguyễn Văn Đạo là bởi đây là vấn đề hết sức hệ trọng, bởi đó chính là lý do ra đời của VNU, là đóng góp của GS VS Nguyễn Văn Đạo, là vấn đề mà Ông khởi động nó từ 20 năm về trước, nhưng tới ngày hôm nay nó vẫn đang là vấn đề nóng.
“Nó hiện đang là tâm điểm của vấn đề thảo luận cho sự đổi mới và phát triển giáo dục đại học hôm nay và tương lai. Cả sự tồn tại trước mắt cũng như tương lai của VNU cũng đang gắn liền với vấn đề này” – ông Sơn nói.
“Bản thân tự chủ đại học là một giá trị, cũng giống như tự do, bình đẳng là những giá trị. Mà giá trị thì tự nó sức sống mạnh mẽ”.
Theo ông Sơn, những gì mà ĐHQGHN có được ngày hôm nay, phần quan trọng do các quyền tự chủ đem lại. Tuy nhiên, những gì mà chúng ta còn vướng hôm nay, cũng liên quan tới những cách hiểu và đối đãi khác nhau của các nhà quản lý, của xã hội, của đồng nghiệp đối với mô hình đại học tự chủ vnu của chúng ta.
Tự chủ đại học là tính độc lập và quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm trước xã hội của một đại học trên các phương diện về học thuật (gồm cả nghiên cứu và đào tạo), về phương diện quản trị điều hành và về tài chính. Nó gắn với tự do học thuật, phát triển học thuật, gắn với đào tạo để phát triển con người, phát triển năng lực sáng tạo, để cung cấp nhân lực chất lượng cao, tạo dựng tầng lớp trí thức .
“Tự chủ đại học = Tự do học thuật + quản trị ưu việt+ tài chính làm nền cho tri thức và phát triển” – ông Sơn khẳng định.
Theo ông Sơn, vấn đề tự chủ đại học , không phải là mới trên thế giới, GS Nguyễn Văn Đạo cũng không phải người phát kiến ra nó, nhưng ông là người dũng cảm và sáng suốt lựa chọn, tâm đắc, tiên phong triển khai hiện thực hóa ở Việt Nam.
Tự chủ đại học chỉ phát huy được giá trị, chỉ đưa đại học đi đúng hướng khi nó có được những lực lượng điều hành, những người chủ nhân của các đại học đó phù hợp và nhận thức rõ được trách nhiệm của mình. “Tự chủ phải đi với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm xã hội và hơn hết là tinh thần tự nhiệm của bậc sĩ phu”.
Sinh viên ra trường không phải là những người thợ
Ông Sơn cho biết, hội thảo “GS Nguyễn Văn Đạo với quản trị đại học” là dịp để làm sống lại và mạnh mẽ thêm những quan điểm chỉ đạo, những giá trị và tinh thần của tự chủ đại học chân chính.
Ngày nay, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn, những thách thức phi truyền thống. Với ĐHQGHN, xã hội hóa giáo dục và nghiên cứu khoa học là hết sức cần thiết, đưa sản phẩm đào tạo gia nhập thị trường lao động là tất yếu, nhưng cần đề phòng khả năng học cung ĐHQGHN thành một trường nghề, hay mall thương mại lớn có đủ hàng hóa liên ngành…
Theo ông Sơn, ĐHQGHN có thể đào tạo các ngành nghề có thể thu học phí cao, đủ bù đắp cho các chi phí đào tạo, nhưng lại không được lãng quên phát triển các ngành cơ bản, những lĩnh vực cần vun đắp cho sáng tạo.
“Sự hài lòng của nhà tuyển dụng là cực quan trọng nhưng không phải là tất cả. Sinh viên ra trường làm được ngay một cách thành thục nghề được đào tạo là cần, nhưng họ không phải là những người thợ” – ông Sơn khẳng định.
Cần phát triển bằng nền giáo dục khai phóng, bằng tự do học thuật và môi trường giáo dục mang tính nhân văn và thẩm mỹ cao đẹp. “Đó mới là giá trị đích thực của đại học, mục tiêu chân chính của tự chủ đại học ”.
Từ đó, ông Sơn nhận định, thời kỳ nhận đường và dấn thân của GS Nguyễn Văn Đạo có những khó khăn của thời kiến tạo, thời ấy cần cương quyết, quả cảm và trí tuệ. Thời phát triển bứt phát, đổi mới và vượt qua thách thức mới cũng cần bản lĩnh không kém.