Sinh viên Anh giỏi kỹ năng mềm nhưng học Toán - KHCN - Kỹ Thuật lại không bằng sinh viên Việt Nam

22/08/2016 19:21 PM | Xã hội

Bà Cherry Gough - Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho rằng mặc dù học sinh, sinh viên Anh được đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp rất phát triển nhưng kiến thức nền tảng về các môn học như Toán - Khoa học - Công nghệ - Kỹ Thuật lại không xuất sắc bằng sinh viên Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, quý 2 năm 2016 cả nước có hơn 1 triệu lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. So với quý 1, thất nghiệp tăng cả về số lượng và tỷ lệ.

Đáng chú ý, trong số những người bị thất nghiệp có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật, cụ thể có 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp.

Nhằm hỗ trợ sinh viên Việt Nam có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các đơn vị tuyển dụng lớn; giúp các bạn trẻ tìm được con đường nghề nghiệp phù hợp, mới đây, Hội đồng Anh cùng Hiệp hội Cựu du học sinh Anh tại Việt Nam tổ chức chương trình Connect the Dots.

Sự kiện thu hút gần 30 doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực tài chính, bán lẻ, bất động sản, khách sạn, kỹ thuật, điện lực, truyền thông, hàng không… và hàng nghìn bạn trẻ là sinh viên, cử nhân, học sinh tham gia.

PV đã có cuộc trao đổi bên lề với bà Cherry Gough - Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam.

Mỗi năm có đến nửa triệu sinh viên ra trường thất nghiệp. Là một người đang công tác tại Việt Nam, bà nghĩ về con số này? Hội đồng Anh có thể giúp đỡ chính phủ VN giải quyết vấn đề này như thế nào?

Tôi nghĩ là chính phủ Việt Nam đã nhận ra được vấn đề này.

Chúng tôi đã tổ chức một vài hoạt động để giúp đỡ Chính phủ Việt Nam thông qua việc giúp các cựu du học sinh khi quay trở lại Việt Nam kiếm được việc làm. Chúng tôi cũng hỗ trợ việc đào tạo ngôn ngữ tiếng Anh, điều mà chúng tôi nghĩ là rất quan trọng. Mọi người cần có kỹ năng tiếng Anh tốt để có thể tìm được việc trong tương lai và nhất là khi khối ASEAN đang hội nhập thì tiếng Anh trở thành ngôn ngữ giao tiếp chính.

Học sinh, sinh viên tại Việt Nam có kiến thức về các môn học rất tốt nhưng lại thiếu một vài kỹ năng như làm việc nhóm, giao tiếp, tư duy phản biện, sáng tạo,...Vì thế, chúng tôi có rất nhiều các hoạt động đào tạo cho giáo viên để họ có thể dạy thêm những kỹ năng đó cho học sinh và sinh viên.

Ở Anh, chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm trong việc này. Chúng tôi đã làm việc với chính phủ Việt Nam về khung trình độ để đảm bảo bằng cấp tại Việt Nam có thể chuyển đổi được tại các nước khác.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giúp cải thiện chất lượng giảng dạy tại các trường đại học qua việc phát triển mối hợp tác với các trường tại Anh và Việt Nam....

Theo bà, giáo dục tại Việt Nam và Anh có điểm gì khác biệt?

Việt Nam có rất nhiều thành tựu trong giáo dục. Học sinh Việt Nam có kiến thức nền tảng về các môn học rất tốt. Nhưng ở Anh, chúng tôi chú trọng hơn đến việc phát triển kỹ năng mềm cho học sinh và sinh viên.

Vậy nên, ở Anh, học sinh và sinh viên làm việc nhóm với nhau rất nhiều. Giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh, và học sinh sẽ cùng giải quyết vấn đề đó cùng với nhau. Tôi thấy đây là một kỹ năng rất cần thiết khi đi làm sau này. Học sinh và sinh viên cần có khả năng tự giải quyết vấn đề.

Hội đồng Anh cũng đã mời một số chuyên gia từ Anh làm việc với Việt Nam về phương pháp giáo dục STEM (Viết tắt cho 4 từ: Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật – Toán). Đây là 4 môn học mà các học sinh và sinh viên VN rất giỏi.

Nhưng ở Anh, chúng tôi dạy các môn học này theo phương pháp tích hợp. Chúng tôi giao cho học sinh, sinh viên những dự án cộng đồng mà ở đó, họ cần kết hợp tất cả các kỹ năng của mình để đưa ra phương án giải quyết. Chúng tôi đã áp dụng phương pháp STEM này ở một số trường và đã thành công. Họ đã áp dụng rất tốt.

Nhìn chung, chúng tôi chú trọng kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp,.. nhưng lại không giỏi bằng Việt Nam trong việc giảng dạy kiến thức các môn học như Toán, Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật.

Tôi nghĩ nếu có sự kết hợp của việc giảng dạy môn học tại VN và đào tạo kỹ năng mềm tại Anh thì thật hoàn hảo.

Theo thống kê của nhóm công tác Giáo dục và văn hoá, Diễn đàn kinh tế thường niên, hàng năm, Việt Nam chi khoảng 3 tỷ USD cho du học. Có ý kiến cho rằng chính phủ Việt Nam đang mất trắng cho nền giáo dục quốc tế? Bà có nghĩ thế không?

Đầu tư học tại nước ngoài là một sự phí phạm tiền bạc ư, không hề. Một trong những ngành sinh viên Việt Nam theo học khi đi học tại nước ngoài, tôi lấy ví dụ như nghiên cứu trong chương trình học tiến sỹ. Có rất nhiều dự án nghiên cứu chung thành công giữa Việt Nam và Anh.

Những nghiên cứu của các trường đại học thực sự có ích đối với mỗi quốc gia. Khi các sinh viên đi học tại nước ngoài, họ có thể học được cách làm thế nào để làm nghiên cứu tốt hơn, từ đó đem lại những đóng góp cho Việt Nam. Nếu từng cá nhân đi học tại nước ngoài rồi quay trở lại nước làm thì cũng tốt.

Nhưng chúng ta nên nhìn rộng hơn, vào những dự án nghiên cứu hợp tác giữa hai nước khi gửi sinh viên đi học thạc sỹ, tiến sỹ tại nước ngoài. Nó thật sự đem lại lợi ích cho Việt Nam.

Chúng tôi có một dự án nghiên cứu biến một số nông sản thành chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe tại các vùng khó khăn. Đây là dự án mà chính phủ Việt Nam đầu tư và VN thật sụ nhận được lơi ích lớn từ nghiên cứu đó. Tôi thật sự ủng hộ các dự án hợp tác nghiên cứu giữa hai nước và mỗi nước nên đầu tư vào các dự án nghiên cứu này.

Vậy theo bà, thay vì chi tiền cho du học, Chính phủ Việt Nam nên có cách nào để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào nền giáo dục Việt Nam, để người Việt Nam vẫn được tiếp thu giáo dục quốc tế với giá rẻ tại nước?

Tôi nghĩ VN hoàn toàn có thể thu hút đầu tư nước ngoài vào nền giáo dục. Có rất nhiều trường đại học nước ngoài đã hợp tác để cấp song bằng với các trường tại VN. Tôi nghĩ chính phủ VN đang cố gắng để việc hợp tác với các trường đại học tại nước ngoài trở nên đon giản hơn. Điều này rất quan trọng bởi vì việc học ở VN đang phức tạp và khó khăn hơn so với việc học ở một số nước khác như Singapore,...

Có rất nhiều trường đại học nước ngoài đã nhờ Hội đồng Anh kết nối hợp tác với các trường đại học VN. Vì vậy, VN hoàn toàn có thể làm được điều này bằng cách hợp tác với các trường đại học tại nước ngoài.

Xin càm ơn bà!

Dư Hoài

Cùng chuyên mục
XEM