SIM rác vẫn bán công khai dù đã có gần 18 triệu số bị "trảm"

09/02/2017 09:12 AM | Xã hội

Nguồn tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, tình trạng mua bán SIM di động đã kích hoạt sẵn trên kênh phân phối vẫn khá dễ dàng dù đã có gần 18 triệu SIM bị "trảm."

Một lần nữa, cơ quan quản lý đưa ra thông điệp quyết tâm "dẹp loạn" SIM rác trong thời gian tới. Bên cạnh đó, dấu hỏi về trách nhiệm của doanh nghiệp lại được đặt ra.

Mua SIM rác dễ như… ăn kẹo

Tháng 10/2016, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất ký cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện việc thu hồi SIM di động kích hoạt sẵn trên kênh phân phối.

Nguồn tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tới hết tháng 1, với sự giám sát của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp viễn thông đã khóa gần 18 triệu SIM đã kích hoạt sẵn. Và thực tế, vấn nạn tin nhắn rác cũng đã giảm đi khá nhiều trong thời gian gần đây.

Cuối năm 2016, Cục Viễn thông đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính hơn 1 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp viễn thông di động có hành vi vi phạm các quy định có liên quan về khuyến mại, quản lý thông tin thuê bao…

Những tưởng việc mạnh tay của cơ quan quản lý đã "dẹp yên" thị trường vốn rất sôi động này nhưng ngay từ đầu năm, tình trạng mua bán SIM kích hoạt sẵn vẫn tái diễn.

Theo đại diện Cục Viễn thông, dịp Tết Nguyên đán 2017 đã phát hiện trên mạng xã hội Facebook quảng cáo mua bán SIM kích hoạt sẵn của các doanh nghiệp di động, trong đó ghi rõ sẵn sàng bán số lượng lớn SIM kích hoạt sẵn của Viettel với mức giá chỉ từ 9.500 đồng-12.000 đồng/SIM, ngay trên địa bàn Hà Nội.

Vô tư rao bán SIM kích hoạt sẵn trên Facebook. (Ảnh chụp màn hình)
Vô tư rao bán SIM kích hoạt sẵn trên Facebook. (Ảnh chụp màn hình)

Không chỉ thế, các cán bộ của Cục Viễn thông đã đến trực tiếp một số đại lý, điểm bán SIM và phát hiện việc mua bán dễ dàng SIM đã kích hoạt sẵn của các doanh nghiệp viễn thông. Trong chiều ngày hôm qua (8/2), chỉ tại vài đại lý, họ đã có thể mua được số lượng lớn tới vài trăm SIM kích hoạt sẵn.

Cơ quan quản lý quyết tâm, doanh nghiệp thờ ơ?

Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định cơ quan này sẽ tăng cường chỉ đạo các Sở địa phương cùng cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai thanh tra, xử lý nghiêm doanh nghiệp và đại lý cố tình vi phạm.

Gần đây nhất, cơ quan chức năng cũng "bêu" một số vi phạm của doanh nghiệp viễn thông như: chi nhánh của doanh nghiệp không phối hợp khi kiểm tra thông tin thuê bao từ hệ thống với lý do bị treo máy; một tổ chức ủy quyền cho nhiều đại diện đăng ký hàng trăm thuê bao; hộ kinh doanh cá thể đứng tên cho hàng trăm thuê bao; đăng ký hòa mạng mới mặc dù tài khoản chính là 0 đồng nhưng tài khoản phụ là 180.000 đồng; sử dụng chứng minh nhân dân giả để đăng ký lại thông tin thuê bao…

Tại hội thảo chuyên đề về "Quản lý báo chí, thông tin điện tử và viễn thông trong tình hình mới," Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định: “Về quản lý SIM rác, tin rác Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất sẽ phải xử lý kiên quyết, trong đó doanh nghiệp di động phải chịu trách nhiệm chính bởi Nhà nước cấp đầu số cho doanh nghiệp kinh doanh thì doanh nghiệp phải có biện pháp quản lý."

Nhà chức trách cũng cũng yêu cầu doanh nghiệp viễn thông nghiêm túc thực hiện các nội dung thu hồi SIM rác cam kết, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật…

Lãnh đạo 5 nhà mạng đã ký kết cùng cơ quan quản lý cũng như tuyên bố siết chặt vấn nạn Sim rác hồi cuối tháng 10/2016. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Lãnh đạo 5 nhà mạng đã ký kết cùng cơ quan quản lý cũng như tuyên bố siết chặt vấn nạn Sim rác hồi cuối tháng 10/2016. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Thông điệp của Bộ Thông tin và Truyền thông là rõ ràng và đơn vị này đã có hành động rất cụ thể. Thế nhưng, với việc SIM rác vẫn dễ dàng bán mua, dư luận đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của nhà mạng với xã hội.

Còn nhớ, ngày ký kết giữa 5 nhà mạng (Viettel, VNPT, MobiFone, Gtel, Vietnamobile) và cơ quan quản lý về "trảm" SIM rác, lãnh đạo của họ ngoài việc đặt bút đã có những phát biểu thể hiện quyết tâm làm lành mạnh hóa thị trường. Khi đó, người viết có đặt tiêu đề cho bài viết của mình là “Đợi nhà mạng mạnh tay trên thực tế .” Và, có lẽ bên cạnh sự quyết liệt của cơ quan quản lý, dư luận sẽ tiếp tục chờ đợi doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội một cách tự tâm…

Theo Yến Thủy

Cùng chuyên mục
XEM