'Siêu ủy ban' bắt đầu quản lý vốn ra sao?

22/10/2018 09:27 AM | Kinh tế vĩ mô

Sau khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt là UB) ra đời, các chuyên gia kinh tế cho rằng, UB nên tập trung vào nhiệm vụ cổ phần hoá các doanh nghiệp (DN) trực thuộc. Bởi có cổ phần hoá DN hiệu quả, UB mới có thể hướng tới phát triển nguồn vốn nhà nước tốt hơn.

Nên tập trung cổ phần hoá

Ngày 29/9, Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được ban hành. Trong vòng 45 ngày kể từ khi nghị định này có hiệu lực, 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ chuyển về UB với tổng tài sản 2,3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước gần 1 triệu tỷ đồng. UB dù được quy định chức năng, nhiệm vụ rõ ràng trong nghị định nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, trước mắt UB nên tập trung làm tốt nhiệm vụ cổ phần các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trực thuộc.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, trong năm 2018, UB cần cố gắng hoàn thành việc tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty. Khi đã nhận bàn giao các DN xong xuôi, UB nên tập trung làm tốt nhiệm vụ cổ phần hoá.

“Tôi kỳ vọng nhất ở UB là thực hiện cổ phần hoá các DNNN dù việc này từ trước đến nay gặp nhiều vướng mắc. DNNN của chúng ta như “cô gái lỡ thì”, nếu cứ đòi giá cao mãi thì không ai mua. Để thúc đẩy việc cổ phần hoá, có thể xem xét kỹ việc định giá, thậm chí bán giá thấp hơn giá lâu nay, bởi giá trị tài sản nhà nước thực tế đang thua xa giá trị trên sổ sách”, ông Bích Hồ kiến nghị.

PGS.TS Phạm Thế Anh (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, việc thành lập UB sẽ có một đầu mối về cổ phần hoá các DNNN. Nhiệm vụ đầu tiên và trước mắt của UB là hoàn thành tốt và khắc phục nhược điểm của quá trình cổ phần hoá đang tồn tại lâu nay ở các DNNN. “Chúng ta đừng quá kỳ vọng vào việc cải thiện hiệu quả DNNN, mà trước mắt cần làm tốt việc cổ phần hoá”, ông Thế Anh nói.

Ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia, cho rằng, để UB giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trở thành tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn là thách thức rất khó vượt qua. “Việc theo dõi, đôn đốc vốn nhà nước để đạt hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào cán bộ và bộ máy. Tuy nhiên, nhìn vào nhân sự của UB hiện nay, tôi chỉ thấy chủ yếu chuyển từ cán bộ nhà nước sang chứ chưa thấy bóng dáng doanh nhân”, ông Ân đánh giá.

2018, liệu có tiếp nhận hết DN?

Sau khi được thành lập ngày 12/10, UB họp giao ban đầu tiên triển khai công việc chuyển giao hồ sơ quyền đại diện chủ sở hữu với 19 doanh nghiệp trực thuộc. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UB, nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần chú ý 3 vấn đề trọng tâm (gồm: chuẩn bị hồ sơ chuyển giao; đánh giá thuận lợi khó khăn khi chuyển giao và dự kiến thời gian chuyển giao). Theo đó, năm 2019, UB sẽ cùng các doanh nghiệp xây dựng chiến lược hoạt động đến 2020, 2021 và tầm nhìn 10 - 20 năm tiếp theo.

Về các công tác khác như cổ phần hóa, sắp xếp bộ máy, những việc tồn đọng của doanh nghiệp, ông Hoàng Anh cho biết, UB đang chuẩn bị một số công việc liên quan chuyển giao, như số lượng doanh nghiệp, quy chế dự thảo bàn giao do Bộ Tài chính soạn thảo trình Thủ tướng ban hành, các bước thực hiện chuyển giao. “Việc chuyển giao sẽ theo nguyên tắc nguyên trạng trên cơ sở báo cáo tài chính gần nhất. Quá trình chuyển giao sẽ phải được thực hiện nhanh gọn, tiết kiệm và hiệu quả. Nội dung chuyển giao sẽ được thể hiện bằng hồ sơ chuyển giao. Trong hồ sơ phải làm rõ những vấn đề tồn đọng, trách nhiệm của từng bên liên quan…”, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch UB, nhấn mạnh.

Chiều 2/10, Bộ GTVT làm việc với 5 tổng công ty trực thuộc (Tổng Công ty Hàng không Việt Nam , Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) về công tác chuyển giao các doanh nghiệp về UB. Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, theo quy định, trong 45 ngày phải bàn giao xong. Bộ GTVT sẽ tiên phong bàn giao trước.

Quỳnh Nga

Theo Quỳnh Nga

Cùng chuyên mục
XEM