Siêu uỷ ban 5 triệu tỷ liệu có đủ năng lực để "thống trị" các ông lớn nhà nước?
Với việc sẽ quản lý tới 30 tập đoàn, tổng công ty lớn nhất nước, liệu “siêu ủy ban” được thành lập theo đề xuất của của Bộ Kế hoạch – đầu tư có quản lý tốt hơn vốn tại các doanh nghiệp nhà nước?
Điểm mặt hàng loạt "ông lớn" rơi vào vào tầm kiểm soát
Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa chính thức công bố dự thảo Nghị định quy định thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý doanh nghiệp nhà nước với quy mô vốn và tài sản lên tới 5 triệu tỷ đồng.
Dự thảo đã công bố danh sách dự kiến 30 doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý. Trong danh sách này, chiếm chủ đạo là các doanh nghiệp của Bộ Công thương với 6 tập đoàn và 6 tổng công ty.
Cụ thể: Bộ Công Thương có 12 Tập đoàn, Tổng công ty là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
Và các Tổng công ty là Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapago), Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL).
Bộ Giao thông vận tải với 5 Tổng công ty là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Arilines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC).
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với 5 Tập đoàn, Tổng công ty là Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor).
Bộ Xây dựng với 3 Tổng công ty: Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp (Idico), Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD).
Bộ Tài chính với Tập đoàn Bảo Việt (Baoviet Holdings). Đáng chú ý là Ủy ban mới này cũng sẽ quản lý cả Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – doanh nghiệp được thành lập với chức năng tương tự như của Ủy ban.
Bộ Thông tin truyền thông với 2 Tập đoàn, Tổng công ty là Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC).
Bộ Y tế chỉ có một Tổng công ty là Tổng công ty Dược Việt Nam.
Tại sao phải thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước?
Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ KH-ĐT cho rằng “hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu”.
Hiện Nhà nước đang đầu tư một khối lượng rất lớn vốn và tài sản sở hữu toàn dân vào sản xuất kinh doanh tại các DN.
Theo số liệu của 781 DN 100% sở hữu nhà nước năm 2014 có tổng tài sản 3.105.453 tỷ đồng, tương đương 147 tỷ USD. Trong đó, các Tập đoàn, Tổng công ty và công ty mẹ - con chiếm 90%. Vốn chủ sở hữu 1.233.723 tỷ đồng, tương đương 58 tỷ USD.
Nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp có 100% và trên 50% sở hữu nhà nước thì tổng nguồn vốn kinh doanh hay tổng tài sản lên đến 5,4 triệu tỷ đồng, tương đương 257 tỷ USD.
Thế nhưng, việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước hiện chia tách, phân tán làm cho Nhà nước, với tư cách là chủ sở hữu, chưa thực hiện đầy đủ, hiệu quả và hiệu lực…
Thực tế chỉ ra: Thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả, thậm chí tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật là do quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước không tốt, không rõ trách nhiệm. Điều này đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý-giám sát DNNN.
Việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước hiện chia tách, phân tán làm cho Nhà nước, với tư cách là chủ sở hữu, chưa thực hiện đầy đủ, hiệu quả và hiệu lực…
Theo kế hoạch, Bộ KH-ĐT sẽ đưa dự thảo ra lấy ý kiến người dân, các DN, tập đoàn kinh tế cũng như các bộ ngành trong 30 ngày và dự kiến sẽ trình Chính phủ để xem xét thông qua ngay trong quý 3/2016.
Vậy siêu uỷ ban 5 triệu tỷ liệu có đủ năng lực để "thống trị" các ông lớn nhà nước không?
Trả lời câu hỏi liệu “siêu bộ” này có đủ năng lực quản lý các “ông lớn” trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau? TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), người trực tiếp tham gia soạn thảo Dự thảo Nghị định trên cho hay, nhà nước cứ đưa ra bài toán, mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể, xã hội Việt Nam còn có nhiều người tài giỏi.
Nếu không, chúng ta có cơ chế huy động chuyên gia nước ngoài vào quản lý. Mô hình sử dụng, quản lý con người của các tập đoàn xuyên quốc gia còn lớn hơn Việt Nam nhưng họ vẫn làm được, chặt chẽ và có cạnh tranh.
Đương nhiên, quản lý một "siêu uỷ ban" không thể đưa cán bộ công chức, viên chức cỡ Vụ trưởng, Cục trưởng vào. Nếu tuyển 1 cách cơ học, thuần túy, hành chính của các Vụ trưởng thì nhìn trước khả năng thất bại. Phải chọn những người là chuyên viên đầu tư, những người CEO có năng lực, trình độ theo yêu cầu.
Cũng theo ông Cung, trước đây có SCIC nhưng thu hẹp vấn đề nhỏ, chưa làm được nhiều và cũng chưa có mô hình nào đúng nghĩa quản lý vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty.
"Chúng ta phải học tập kinh nghiệm của các mô hình quản lý DNNN như Sasac (Trung Quốc), Temasek (Singapore) và Bộ Quản lý DNNN (Indonesia). Nói chung, Việt Nam có rất nhiều mô hình, có rất nhiều bài học nhưng chúng ta có thực hiện được hay không, áp dụng cho Việt Nam hay không là chuyện khác", TS Cung khẳng định.
Chính vì vậy, siêu ủy ban có thể thành hoặc bại đều do việc xây dựng cơ chế hoạt động, quản lý, giám sát nhưng chúng ta phải dũng cảm làm.
Các chính sách mà Ủy ban này lập ra sẽ không tác động đến những ngành nghề đang phát triển tốt mà tác động đến những ngành nghề, lĩnh vực phát triển méo mó. Điều quan trọng là chúng ta tập trung quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm vào những người đứng đầu, để họ đưa ra các chính sách tốt, có hiệu quả thực hiện được.
"Còn nếu cứ để như hiện nay, DNNN sẽ thất bại. Nếu chúng ta cứ bán cổ phần, tài sản của DNNN để bỏ vào ngân sách dùng để chi thường xuyên thì chỉ 5 năm nữa sẽ mất khu vực DNNN", TS Cung nhấn mạnh.
Cũng có ý kiến lo ngại một Ủy ban được thành lập có thể làm tăng thêm cơ quan quản lý mà lại không hiệu quả do Bộ chuyên ngành có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn hơn, chưa kể đến người đứng đầu của Ủy ban này sẽ ra sao khi họ quản lý trong tay cả đống tài sản của Nhà nước và có rủi ro thâu tóm quyền lực, báo cáo sai?
Viện trưởng CIEM chỉ ra 2 cách kiểm soát từ nội bộ và bên ngoài.
Theo đó, Chính phủ phải đặt ra được 1 mục tiêu rõ ràng, từ mục tiêu đó đặt ra các chỉ tiêu để đo lường. Muốn làm được như vậy thì phải thiết lập cơ chế công khai hóa các hệ thống thông tin đầy đủ về cơ cấu, giá trị tài sản, kết quả kinh doanh và việc công khai này phải thường xuyên và liên tục.
Giám sát bên ngoài là giám sát của thị trường, chuyên gia, báo chí và đánh giá từ các tổ chức nước ngoài liên tục và theo chuẩn mực.
Hai thiết chế, lằn ranh pháp luật này vừa phải đảm bảo cạnh tranh vừa chống độc quyền.