Siêu bão "quái vật" Hạ Long, mạnh bậc nhất lịch sử vệ tinh thời tiết
Vào thứ bảy (2.11), "Hạ Long" vẫn chỉ là một áp thấp nhiệt đới với rất ít dự báo sẽ phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, đến hôm qua (6.11), áp thấp nhiệt đới này đã mạnh thành siêu bão Hạ Long với sức mạnh được so sánh ngang hàng siêu bão Dorian.
Siêu bão Hạ Long đang hoành hành trong vùng nhiệt đới phía tây Thái Bình Dương, với hình ảnh vệ tinh ước tính sức gió cực đại của nó ở mức gần 190 dặm/giờ. Sức mạnh cực đại của nó đến ba ngày sau khi nó chỉ ở mức độ một áp thấp nhiệt đới.
Điều may mắn là siêu bão Hạ Long 2019 là nó có khả năng không di chuyển về phía đất liền. Tuy nhiên, sự dữ dội và đáng sợ của nó đang thu hút sự chú ý của các nhà khí tượng học trên toàn thế giới. Sở dĩ nói bão Hạ Long di căn, lột xác thành một con quái vật bởi nó bắt nguồn có vẻ vô hại.
Ảnh vệ tinh của siêu bão Hạ Long. Ảnh: Trung tâm dự báo Thời tiết nguy hiểm châu Âu (Severe Weather Europe).
Vào trưa thứ ba (5.11), Trung tâm Cảnh báo Bão ước tính cường độ của siêu bão Hạ Long ở mức 160 dặm/giờ. Nhưng có rất nhiều lý do để nhận định rằng siêu bão Hạ Long vẫn đang tiếp tục mạnh lên.
Tiến sĩ Philip Klotzbach, Chuyên gia bão thuộc Đại học bang Colorado (Mỹ) cho biết, nhờ sử dụng phương pháp Dvorak cải tiến (ADT) - phương pháp đo sức mạnh của bão nhiệt đới từ xa bằng vệ tinh chuyên dụng - giới khí tượng nhận định: Siêu bão Hạ Long 2019 là một trong những trận bão mạnh nhất trong lịch sử quan sát của vệ tinh - kể từ khi có công nghệ này vào năm 1979.
Các nhà khí tượng còn sử dụng phương pháp phân tích Bản đồ Nhiệt Đại dương, và nhận thấy, hệ thống siêu bão Hạ Long đang di chuyển qua vùng nước biển ấm lên đến 29 độ C. Sức nóng của đại dương ảnh hưởng đến việc bão hút hơi nước ấm, ẩm hơn vào hệ thống của nó.
Thiết bị đo quang phổ hình ảnh MODIS của vệ tinh Terra (thuộc NASA) cũng cung cấp hình ảnh vùng trung tâm siêu bão không chỉ xuất hiện nhiều trận sét lớn, mà nhiệt độ đỉnh mây của Hạ Long xuống đến âm 62,2 độ C.
Điều đó làm cho siêu bão Hạ Long trở thành cơn bão cấp 5 thứ ba ở Thái Bình Dương trong năm nay, theo bước chân của siêu bão Hagibis chết chóc vào tháng 10 và Wutip vào tháng 2 năm 2019.
Những bức ảnh vệ tinh kinh hoàng từ trên cao cho thấy đôi mắt bão thật sự dữ dội. Đây là một năm mà các cơn bão ở phía tây Thái Bình Dương hoạt động liên tục.
Gần một tháng trước, Hagibis đã nhảy từ một cơn bão nhiệt đới lên siêu bão tương đương cấp 5 chỉ trong vòng 18 giờ - tăng cường ở tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận.
Vào tháng 2, một siêu bão khác đã đạt đến trạng thái cấp 5 có tên Wutip đã quét qua đảo Guam - một hải đảo nằm ở miền tây Thái Bình Dương.
Siêu bão Hạ Long là siêu bão thứ bảy ở phía tây Thái Bình Dương trong năm nay. Tốc độ tăng cường nhanh chóng của cơn bão phù hợp với những dự đoán và nhận định của các nhà khoa học khí hậu trong bối cảnh trái đất nóng lên. Có nhiều bằng chứng cho thấy các cơn bão tăng cường nhanh chóng đã trở nên phổ biến hơn ở phía bắc Đại Tây Dương.
Siêu bão Hạ Long được dự báo sẽ hoàn toàn hướng ra biển và bắt đầu suy yếu trong ba ngày tới. Tuy nhiên, trong thời gian đó, sóng gần tâm bão sẽ lên rất cao.