Shopee bỏ xa Tiki, Sendo, Lazada về lượng truy cập, nhưng "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", mối đe dọa có thể đến từ những đối thủ nặng kí ít ai ngờ

12/11/2020 13:30 PM | Kinh doanh

Tổng lượng truy cập của Shopee trong quý 3/2020 cao hơn cả 3 sàn kề sau cộng lại. Nhưng đừng quên những đối thủ lớn thực sự vẫn đang tiếp tục mạnh lên sẽ là mối nguy cận kề trong tương lai không xa.

Chúng ta vừa đi qua “cơn bão” Ngày lễ độc thân 11/11 với hàng triệu mặt hàng được sale thả phanh, và đây cũng là dịp các sàn thương mại điện tử cho thấy sức mạnh của mình. Theo các báo cáo trên thị trường cho thấy Shopee đang có thế đứng vượt trội so với các đối thủ còn lại.

Cụ thể, theo số liệu bản đồ thương mại điện tử Việt Nam mới được iPrice Group công bố, lượng truy cập web của Shopee trong quý 3/2020 vừa qua đạt 62,7 triệu lượt, tăng tới hơn 10 triệu lượt so với quý 2/2020 và là quý tăng mạnh nhất từ trước tới nay. 

Đứng thứ 2 và thứ 3 là Tiki và Lazada: Lazada đạt 20,2 triệu lượt truy cập, tăng 9% so với tháng trước. Sendo của FPT đạt 14,1 triệu lượt, ghi nhận sự sụt giảm quý thứ 4 liên tiếp. Như vậy tổng lượng truy cập của Shopee trong quý 3/2020 cao hơn cả 3 sàn kề sau cộng lại.

Tuy nhiên, thương trường thì không có điều gì là không thể. Từ câu chuyện IBM gã khổng lồ thành công về máy tính phải bán cả mảng máy tính cho Lenovo, hay Nokia - gã khổng lồ điện thoại Phần Lan chết chìm và bán mình từ mối đe doạ của đối thủ bất ngờ như Apple hay Samsung. Thì giờ, Shopee cũng đang đối mặt với những đối thủ tiềm tàng không thể xem thường.


Grab

Năm nay là 1 năm khó khăn với Grab, khi siêu ứng dụng này gặp phải cảnh giảm số lượng đơn hàng do Covid. Đây là một hiện thực dễ lí giải, bởi trong bối cảnh dịch bệnh khiến lượng người đi lại trong thành phố trở nên ít hơn, người mê xê dịch cũng ít bay nhảy du lịch hơn. Thậm chí ở thời điểm hiện tại, khi Việt Nam đã khống chế dịch được hơn 1 tháng trong cộng đồng, nhưng nhiều tài xế vẫn than phiền rằng số cuốc xe hằng ngày của họ chỉ đạt 60 – 70% so với trước dịch. Vì thị trường suy giảm, Grab thậm chí còn chịu cảnh các nhà đầu tư nôn nóng "ép duyên" để sáp nhập với Gojek.

Thế nhưng, chính áp lực từ việc giảm nhu cầu mảng đi lại đã thúc đẩy Grab vươn tới với nhiều dịch vụ mới, từ GrabMart tới GrabAssistant (dịch vụ "mua hộ" hàng hóa từ các cửa hàng, siêu thị). Grab đã cho "lên sóng" được khá nhiều siêu thị như Co.opMart, Lotte, BigC, với đa dạng chủng loại sản phẩm từ thực phẩm tươi sống đến đồ khô, đồ hộp, đồ dùng gia đình hay mỹ phẩm... 

Shopee bỏ xa Tiki, Sendo, Lazada về lượng truy cập, nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, mối đe dọa có thể đến từ những đối thủ nặng kí ít ai ngờ - Ảnh 1.

Trong dài hạn, nếu Grab tiếp tục tiến theo hướng giao hàng hoá grocery (đồ tạp hoá) thì sẽ tiến tới việc cạnh tranh một phần với Shopee. Ngoài mặt hàng đồ tươi sống ít có áp lực cạnh tranh với Shopee, thì đa phần các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) hay đồ dùng gia đình đều là đối thủ trực tiếp với Shopee.

Trên thực tế, ngành hàng FMCG đang được Shopee Mall đẩy mạnh khá nhiều với việc quảng bá những gian hàng chính hãng của Unilever, Nestle... Trong cuộc chiến "ngách" này, Shopee không có quá nhiều khác biệt cạnh tranh so với Grab. Grab thì lại có lợi thế về việc khách hàng sử dụng app thường xuyên hơn, và các nhu cầu ngoài mua sắm như đi lại, giao đồ ăn, giao hàng hay thanh toán, cũng đẩy khách hàng mở app Grab với tần suất lớn hơn so với Shopee.

Nếu cứ tiếp tục tiến tới các phân khúc hàng hoá khác, Grab sẽ dần biến thành 1 nền tảng thương mại di động và nhắm thẳng đối thủ mục tiêu chính là Shopee - kẻ đang dẫn đầu ngành thương mại điện tử Đông Nam Á. Điểm bất lợi của Grab là ở tương lai bất định đang chờ phía trước và sức mạnh toàn công ty bị suy giảm do Covid, trong khi Shopee thì vẫn đang vươn lên và quá khó cản phá.


MoMo

Vài năm gần đây, ví điện tử đang dần trở nên quen thuộc với người dùng trong nước. Việc thanh toán không tiền mặt đem đến nhiều tiện lợi cho người sử dụng như tốc độ thanh toán nhanh và dễ dàng thao tác. Đặt trong bối cảnh sau khi dịch Covid-19 bùng phát, thanh toán phi tiền mặt càng được ưa chuộng và phổ biến hơn nữa.

Tại Việt Nam, 3 ví điện tử phổ biến nhất là ZaloPay, Momo và Moca, hiện chiếm tới 90% thị phần (số liệu năm 2019 từ công ty nghiên cứu thị trường Cimigo) và MoMo hiện là ví điện tử lớn nhất với 20 triệu người dùng (theo công bố của hãng). Nhưng chỉ có MoMo gần như là ví độc lập duy nhất, trong khi các đối thủ còn lại thì đều có các "ông bố, bà mẹ" lớn, như Moca gắn với Grab, ZaloPay thừa hưởng tệp người dùng Zalo… Ngay cả sự tăng trưởng vượt trội của Shopee cũng đang hỗ trợ nhiều cho AirPay - ví điện tử đặt trong trong hệ sinh thái của SEA (Shopee, Now). 

Chính những áp lực này đang thúc đẩy MoMo phải năng động và nhanh chóng tạo ra các luồng để tạo nên giao dịch mới. Như điều mà CEO MoMo Nguyễn Mạnh Tường chia sẻ với CafeBiz, MoMo sẽ định hướng để phát triển lên Siêu ứng dụng. Và động lực khá lớn ở mảng này là các giao dịch thương mại. Áp lực gia tăng từ các đối thủ, MoMo sẽ buộc phải tìm được những nguồn giao dịch mới, để tiếp tục giữ vững tăng trưởng và khai thác tệp người dùng lớn của mình.

Shopee bỏ xa Tiki, Sendo, Lazada về lượng truy cập, nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, mối đe dọa có thể đến từ những đối thủ nặng kí ít ai ngờ - Ảnh 2.

Hiện MoMo đang đi tiếp xúc với khá nhiều tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ, siêu thị và đã ra mắt nhiều dịch vụ bán hàng hoá cho Co.opMart và các đơn vị thuộc hệ thống này (Co.op Smile, Co.op Food, Cheers).

Dòng chảy thương mại là thứ mà các ví khó có thể chối từ. Do TMĐT đang phát triển và người dùng ngày càng có nhu cầu mua sắm online nhiều hơn, dẫn tới các ví bắt đầu từ việc trở thành công cụ thanh toán cho các siêu thị online như Lazada, Shopee, Tiki. Dần tới việc với một lượng lớn người dùng, MoMo đăng bán các mặt hàng nhờ sự kết hợp với các đối tác bán lẻ.

Ở sự hợp tác này, MoMo gần như trở thành 1 công ty giúp các siêu thị, vốn có cách hoạt động khá truyền thống và "offline" được chuyển đổi số hiện đại hơn. Hợp tác với MoMo, các đơn vị này vừa tận dụng được lượng người dùng lớn và thường xuyên của ví này, mà còn có sẵn công cụ thanh toán qua MoMo, giúp siêu thị nhận được tiền luôn.


Amazon và Alibaba

Có vẻ như 2 gã khổng lồ TMĐT toàn cầu có cái bóng khá mờ nhạt ở Việt Nam. Amazon sau vài năm "có mặt" tại Việt Nam dường như vẫn dừng ở việc hỗ trợ người bán Việt bán hàng ra toàn cầu và tổ chức một số buổi hướng dẫn người bán cách bán hàng trên Amazon. Alibaba vẫn đang sở hữu Lazada và chưa cho thấy động thái tự nhảy vào tham chiến trực tiếp ở các quốc gia Đông Nam Á.

Tuy nhiên, Covid đã và đang làm thị trường có nhiều thay đổi mạnh mẽ và rất có thể điều này sẽ khiến 2 gã khổng lồ thực sự nghiêm túc đánh giá thị trường Việt, để khai thác thị trường 100 triệu dân và thị trường TMĐT có giá trị 29 tỷ USD trong vài năm tới.

Hoàng Sửu

Cùng chuyên mục
XEM