“Sheconomy” - “Nền kinh tế phụ nữ” trị giá 670 tỷ USD của Trung Quốc đang phát triển một cách mạnh mẽ

11/05/2019 15:00 PM | Xã hội

“Sheconomy” là một thuật ngữ mới ám chỉ sự phát triển của nền kinh tế do sự tham gia của phụ nữ về cả nội bộ (phụ nữ tích cực tham gia kinh doanh và thu nhập của họ đã gia tăng đáng kể) và bên ngoài (phụ nữ là người tiêu dùng). Sheconomy đang bùng nổ ở Trung Quốc nhờ sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của phụ nữ trẻ ở quốc gia này.

“Doanh nghiệp nào chiếm được cảm tình của phụ nữ sẽ đạt được thành công” hiện đang là khẩu hiệu kinh doanh của các công ty ở Trung Quốc. Theo Guotai Junan – một trong những ngân hàng đầu tư và công ty chứng khoán lớn nhất Trung Quốc, tổng chi tiêu của phụ nữ quốc gia này ước tính đã tăng 81%, đạt tới 670 tỷ USD trong vòng 5 năm qua.

Bất chấp tình trạng mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc – theo số liệu chính thức của chính phủ, vào cuối năm ngoái số nam giới nhiều hơn nữ giới là 31,6 triệu người nhưng phụ nữ chiếm tới 55% chi tiêu trực tuyến.

Một loạt các sự kiện mua sắm với các tên gọi khác nhau như “queen festival”, “goddess festival” hay “butter festival” cung cấp hàng loạt các coupon và các sản phẩm giảm giá khi các nhà bán lẻ cạnh tranh để chiếm được cảm tình của những nữ khách hàng. Các chương trình khuyến mãi như vậy dường như đã hiệu quả.

Ngày quốc tế phụ nữ, ngày để tôn vinh quyền của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới, cũng đã trở thành một cái cớ để chi nhiều tiền mua sắm ở Trung Quốc. Trong giai đoạn 2015 – 2017, chi tiêu của phụ nữ đã tăng 64% vào Ngày quốc tế phụ nữ trên Taobao của Alibaba, trang thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc.

Khoảng 35% doanh số bán lẻ của Trung Quốc tới từ các nền tảng trực tuyến, và theo eMarketer – một công ty nghiên cứu có trụ sở tại New York, thì đây cũng là tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Để so sánh thì thương mại điện tử chỉ chiếm 10,9% doanh số bán lẻ ở Mỹ. Vào năm 2013, doanh số bán lẻ trực tuyến ở Trung Quốc là 280 tỷ USD, nhưng con số đó đã vọt lên 1,34 nghìn tỷ USD trong năm 2018, theo thống kê của Bộ Thương mại nước này.

Qiu Xiaodong, giáo sư kinh tế tại Đại học Giao thông ở Bắc Kinh, tin rằng các xu hướng văn hóa tới từ bên ngoài đã cơ bản làm thay đổi thói quen chi tiêu của phụ nữ Trung Quốc: “Thế hệ mới, những cô gái sinh ra trong thập niên 80 và 90, sống trong thời đại nơi nền kinh tế của đất nước đang phát triển, thu nhập tăng lên, đồng thời sức mạnh tiêu dùng và khái niệm tiêu dùng của cha mẹ họ đã thay đổi.”

Wei Sijia, một blogger và influencer thời trang của Trung Quốc, sở hữu số lượng 2 triệu người theo dõi trên các nền tảng truyền thông xã hội. Các bài đăng của cô nhằm mục đích thuyết phục người hâm mộ mua các sản phẩm mà cô sử dụng, từ đồ trang điểm, chăm sóc da cho đến quần áo.

Wei cho biết 92% số người theo dõi cô là phụ nữ, và phụ nữ cũng chính là đối tượng khách hàng chính của các nhà bán lẻ Trung Quốc. Wei nhận xét về phụ nữ trong độ tuổi 20 và 30: “Họ được giáo dục tốt, có gu thẩm mỹ tốt và khả năng tiêu thụ mạnh, và hiện đang dần trở thành tầng lớp trung lưu mới trong xã hội Trung Quốc.”

Tuy nhiên, cũng có một số người bày tỏ quan ngại về sheconomy. Đối với Lu Pin, một nhà nữ quyền Trung Quốc hiện đang sống ở Mỹ, các lễ hội mua sắm nhắm tới phụ nữ là một các bẫy thương mại ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của phụ nữ. Cô tin rằng ám ảnh về mua sắm khiến phụ nữ “không có gì ngoài hàng loạt các đồ dùng hàng ngày; không có nhiều giá trị cho bản thân họ nhưng đem lại rất nhiều tiền cho Taobao.”

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM