Shark Thủy chi 120 tỷ đồng mua lại cổ phần của nhóm quỹ Hàn Quốc: Nằm trong kế hoạch từ trước đại dịch Covid-19?

29/05/2020 09:22 AM | Kinh doanh

Trước thông tin ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Apax Holdings mua lại 5,1 triệu cổ phiếu IBC (6,3%) của CTCP Đầu tư Apax Holdings từ nhóm quỹ đầu tư Valuesystem Investment Management – Hàn Quốc muốn thoái vốn, có nhiều nhà đầu tư chưa hiểu rõ ngọn ngành. Để giúp nhà đầu tư hiểu rõ vấn đề này, Apax Holdings đã có lý giải cụ thể.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy đã có ý định mua lại lượng cổ phần này từ lâu

Việc mua và bán cổ phiếu IBC từ quỹ Valuesystem đã được ông Thủy trao đổi với Ông Jung Sang Ho - đại diện quỹ Valuesystem, đồng thời là thành viên HĐQT của Apax Holdings tại Đại hội cổ đông bất thường của Apax Holdings ngày 6/9/2019. Sau đó hai bên đã có rất nhiều cuộc đàm phán để tiến tới thống nhất ký kết thỏa thuận mua bán cổ phiếu/ trái phiếu giữa Valuesystem và cá nhân ông Thủy vào ngày 4/10/2019.

Ông Thủy thực tế muốn tăng sở hữu trực tiếp cổ phần của cá nhân tại IBC và giảm việc sở hữu trực tiếp cổ phần tại Công ty anh ngữ Apax. Đây là xu thế tất yếu của các doanh nhân, họ thường đầu tư vào các công ty Holdings hơn là đầu tư trực tiếp vào các công ty con thuộc Holdings.

Do thủ tục chuyển đổi từ trái phiếu sang cổ phiếu của Valuesystem mất một thời gian vì phải qua một đơn vị trung gian là Ngân hàng Shinhan Việt Nam - (đại diện được ủy quyền), cho nên tới ngày 20/5/2020, HOSE mới chấp thuận cho số lượng cổ phiếu chuyển đổi của Valuesystem chính thức được giao dịch. Tạm tính theo mức giá cổ phiếu IBC trên sàn chứng khoán, thương vụ này có giá trị khoảng 120 tỷ đồng.

Mặc dù dịch Covid-19 diễn ra làm cho hoạt động kinh doanh của toàn bộ hệ thống các công ty của ông Thủy phải dừng hoạt động bắt buộc vì lý do an toàn của xã hội. Nhưng Ban lãnh đạo, các cổ đông lớn, cùng toàn thể cán bộ nhân viên đã đồng lòng hợp lực để làm tốt hơn các công việc, cũng như đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh của các đơn vị trong hệ thống Apax Holdings. Ông Thủy cũng vẫn giữ đúng cam kết theo thỏa thuận với Valuesystem trong việc mua lại cổ phiếu và tăng sở hữu cá nhân tại IBC đúng như kế hoạch đã có.

Đầu tư giáo dục vẫn đang là "miếng bánh ngon"

Trên thị trường tài chính, việc đầu tư vào giáo dục đang là xu hướng với rất nhiều cơ hội. Các quỹ đầu tư đánh giá cao tiềm năng của thị trường giáo dục Việt Nam thông qua việc chính phủ cam kết dành 20% ngân sách mỗi năm cho giáo dục. Cùng với quy mô dân số lớn thứ 3 tại ASEAN và cơ cấu dân số trẻ (41% dân số thuộc "thế hệ vàng" - dưới 24 tuổi). Trong khi tầng lớp trung lưu và số lượng người giàu tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng kéo theo nhu cầu cho con cái theo một tiêu chuẩn giáo dục chất lượng cao hơn.

Theo báo cáo của Mạng lưới kinh doanh châu Âu – Việt Nam (EVBN), cha mẹ Việt Nam chi trung bình 47% thu nhập cho việc học hành của con, và mỗi năm, người Việt Nam chi khoảng 4 tỉ đô la Mỹ để đi học ở nước ngoài, tạo ra một thị trường giáo dục ngoài công lập lớn để các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.

Theo đánh giá của Kaizen PE, mảng đào tạo tiếng Anh và trường quốc tế phổ thông là mảng giáo dục luôn tăng trưởng nhanh tại Việt Nam vài năm trở lại đây, với tỉ lệ tăng bình quân 20% / năm.

Phân khúc luôn tăng trưởng được các quỹ đầu tư chú ý nhất hiện nay là: Đào tạo tiếng Anh, luyện thi du học, giáo dục mầm non và giáo dục về nghệ thuật/sáng tạo. Đây đều là những mảng chiến lược được Apax Holdings đầu tư phát triển với chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax English/Apax Leaders, hệ thống Anh ngữ quốc tế Englishnow và hệ thống trường mầm non song ngữ STEAMe GARTEN.

Dịch bệnh khiến tất cả trường học đóng cửa để phối hợp cùng Nhà nước chống dịch, bảo vệ sức khoẻ cho người dân. Điều này khiến nhiều trung tâm giáo dục lao đao. Tuy nhiên, theo lãnh đạo của Apax Holdings, cũng trong tình hình dịch bệnh, nhu cầu học tập và đào tạo không những không bị thuyên giảm, mà còn tăng mạnh, nhất là việc học trực tuyến trên nền tảng online. Điều đó càng khiến ông Thủy quyết tâm kiên định đầu tư mạnh mẽ hơn vào các hệ thống giáo dục đào tạo ứng dụng công nghệ cao vốn đã là điểm mạnh của IBC, thể hiện rõ quyết tâm chinh phục thị trường đầy màu mỡ này.

Cho đến thời điểm hiện tại, mọi thứ đang dần trở lại bình thường, các chuỗi trường trong hệ thống của Apax Holdings cũng đã quay trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Khó khăn vẫn hiện hữu nhưng các công ty trong hệ thống Apax Holdings đang nỗ lực và vững vàng vượt qua. Trong suốt quá trình dịch bệnh, các thương hiệu thuộc Apax Holdings đã làm tốt việc triển khai học online, đặc biệt là Apax Leaders. Ngoài lớp học miễn phí cho học viên hiện hữu, đơn vị này còn triển khai lớp học miễn phí cho tất cả các trẻ em nhiều độ tuổi trên toàn quốc để học sinh không bị gián đoạn việc học trong mùa dịch Covid-19.

Theo khảo sát, Apax Leaders nằm trong top 5 thương hiệu được nhắc đến và thảo luận nhiều nhất trong nửa đầu năm 2020. Apax Leaders dẫn đầu và thu hút lượt thảo luận nhiều nhất khi lần lượt ra mắt ứng dụng học trực tuyến ESL-LIVE, Apax Story Time và Apax Virtual School.

Shark Thủy chi 120 tỷ đồng mua lại cổ phần của nhóm quỹ Hàn Quốc: Nằm trong kế hoạch từ trước đại dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Apax Leaders dẫn đầu các thương hiệu dạy tiếng Anh trực tuyến về lượng bàn luận trên mạng xã hội.

Bên cạnh Apax Leaders, hệ thống trường mầm non STEAMe GARTEN ngay sau dịch cũng đã khai trương thêm 2 cơ sở mới tại Hà Nội. Apax Holdings đang chứng minh mình đủ nguồn lực về nhân sự, công nghệ, chương trình học và quyết tâm để vượt qua khó khăn do đại dịch để lại.

My Hà

Cùng chuyên mục
XEM