Shark Phú lần đầu tiết lộ chuyện suýt ‘bán mình’ cho Electrolux: Thương vụ chốt 250 triệu USD, đến khâu DD thì may mắn có cớ để ‘hủy kèo’
Thương vụ Electrolux mua Sunhouse diễn ra 3 năm trước, đã thỏa thuận xong với mức giá 250 triệu USD. 31/12/2017 là hạn chót kết thúc DD, nhưng đơn vị thẩm định thực hiện chậm. "Đâu đó có thể là may mắn, hoặc là một kiểu tâm linh", Shark Phú chiêm nghiệm…
Shark Phú lần đầu mở lòng câu chuyện M&A với đại gia Thụy Điển Electrolux.
Chia sẻ tại tọa đàm Định vị & Nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập, ông Nguyễn Xuân Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Hà Nội kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Sunhouse – đã nhắc tới câu chuyện suýt bán Sunhouse 3 năm về trước.
Sunhouse được thành lập từ năm 2000 với tên gọi công ty TNHH Phú Thắng, vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Vài năm về trước, Electrolux đã đặt lên bàn thỏa thuận mua lại Sunhouse. Thương vụ đã thỏa thuận xong về cơ bản, định giá 250 triệu USD.
"Đến phút cuối cùng, đơn vị tư vấn DD (Due diligence - thẩm định doanh nghiệp - PV) chậm, đáng lẽ kết thúc DD 31/12/2017. Nhưng họ chưa xong, mà Electrolux quên gửi thư xin gia hạn. Đấy cũng là cái cớ để mình hủy bỏ thỏa thuận".
"Đâu đó có thể là may mắn, hoặc là một kiểu tâm linh", Shark Phú ngẫm lại.
Cùng là chiếc áo sơ mi An Phước may cho Pierre Cardin nhưng vì sao Pierre Cardin có thể bán với giá gấp rưỡi dù cùng chất liệu, kiểu dáng?
Thời điểm lựa chọn "bán mình", Shark Phú muốn chuyển nghề. Ông cho biết bản thân rất đam mê đầu tư và thích đầu tư.
"Nhưng sau đó, tôi suy nghĩ: Ngày xưa sở dĩ mình đầu tư vào sản xuất vì đau đáu câu chuyện làm thương mại món hàng gì cũng phải đi nhập. Những năm 90s-2000, Việt Nam chưa có hàng hóa gì".
"Gia công cho nhà máy nước ngoài không phải quá phức tạp. Tôi là dân kinh tế, lại lao vào lập nhà máy, và cũng đau đáu muốn làm gì đó từ tay của mình. Câu chuyện "Make in Vietnam", bản thân trong mỗi doanh nghiệp, mỗi chủ doanh nghiệp cũng có khát khao đó", ông Phú kể.
Câu chuyện cao hơn trong việc hủy thỏa thuận M&A đó là thương hiệu.
"Cùng là chiếc áo sơ mi An Phước may cho Pierre Cardin nhưng vì sao Pierre Cardin có thể bán với giá gấp rưỡi dù cùng chất liệu, kiểu dáng? Vì sao họ vẫn bán được và chính người Việt mình lại mua? Khi hiểu được giá trị thương hiệu, tôi đã đăng ký Sunhouse ở Việt Nam".
"Khi nhìn thấy một loạt thương hiệu nổi tiếng Việt Nam đều bán cho nước ngoài, tôi muốn giữ lại thương hiệu này", Shark Phú chia sẻ.
Ông cũng kiến nghị Chính phủ cũng như cơ quan Nhà nước quan tâm đến chuỗi giá trị và phần giá trị để lại ở quốc gia mình, để lại cho người dân mình.
Bên cạnh đó, ông Phú nhìn nhận thương hiệu được làm nên bởi các trục chính:
1 - Hệ thống quản lý chất lượng
Muốn làm tốt việc này phải có hệ thống chất lượng quốc gia, từ đó định hướng cho các doanh nghiệp xây dựng các hệ thống chất lượng để có được lòng tin người dùng.
2- Truyền thông - Marketing
"Truyền thông quan trọng là tuyên truyền cho người dùng, cho nhà tạo lập chính sách, tạo động lực tinh thần cho chủ doanh nghiệp để họ hướng đến việc dám đầu tư vào khúc giá trị cao nhất trong sản phẩm mà theo tôi trong tương lai chắc chắn nó sẽ là thương hiệu".
"Tất nhiên chuyện đưa thương hiệu ra nước ngoài không phải đơn giản, phải theo từng bước, từng bước, mà mỗi doanh nghiệp phải lần mò. Nhưng dần dần, từ doanh nghiệp, người dân hiểu đúng về thương hiệu, quốc gia tạo lập các chính sách tốt, thì chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều thương hiệu nổi tiếng, nhiều thương hiệu ra toàn cầu, đương nhiên thương hiệu quốc gia cũng sẽ phát triển", Shark Phú chia sẻ.