Shark Liên Đỗ: Phong cách từ thiện “không bố thí” và chuyện “dốt toán, không biết đếm tiền” của bà chủ doanh nghiệp nghìn tỷ

06/09/2019 08:21 AM | Kinh doanh

Vị "cá mập bà ngoại" tâm niệm định hướng cuộc đời là để lại giá trị gì cho thế hệ mai sau, chứ không phải show off tài sản xem mình có bao nhiêu tiền. “Tôi dốt toán, không biết đếm tiền”, Shark Liên Đỗ cười hào sảng. Vì “dốt toán”, startup bà chọn mặt đầu tư đâu cần phải có lãi. Nhiều doanh nhân giờ cũng kiếm tiền vất vả mà, sao bắt bọn trẻ đi kiếm rồi chia chác cho mình? Bởi “không biết đếm tiền”, nên chẳng bao giờ Shark Liên đặt câu hỏi “Nếu thất bại, em có bán nhà trả nợ lại cho tôi?”…

Chúng tôi có cơ duyên gặp lại Shark Liên Đỗ khi vị tân cá mập Shark Tank Việt Nam mùa 3 đang bận rộn cho việc khánh thành Nhà máy Nước mặt Sông Đuống - một dự án có vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, trực thuộc Tập đoàn AquaOne - nơi bà Liên giữ cương vị Chủ tịch HĐQT.

Qua 7 tập Shark Tank, Shark Liên đã đầu tư vào 4 startup với tổng mức đầu tư 21 tỷ đồng, gồm Làng Chài xưa, Revival Waste, Lamita và Be Home - những startup hoặc do nữ/người chuyển giới làm chủ, hoặc mang yếu tố xã hội.

Dưới đây là những tâm sự của Shark Liên về mong muốn làm "bà đỡ" cho startup mà chúng tôi lược ghi lại trong buổi trò chuyện mới đây.


Shark Liên Đỗ: Phong cách từ thiện “không bố thí” và chuyện “dốt toán, không biết đếm tiền” của bà chủ doanh nghiệp nghìn tỷ - Ảnh 2.

Trưa nay, tôi nói chuyện với một bà mẹ có con gái chừng 26 - 27 tuổi. Người con ấy mới cưới chồng hơn 1 năm nay và giờ muốn ly hôn. Nghe được tin này, người bố của gia đình tuyên bố: "Nếu con bỏ chồng, bố sẽ từ con. Nhà bố sẽ bán đi và không để lại cái gì cả".

Bà mẹ khuyên người con hãy tự quyết định cho cuộc đời mình. Không nhất thiết phải vì một cái nhà mà phải hy sinh cả cuộc đời với một người mình không yêu.

Tôi cũng đồng tình với quan điểm của người mẹ đấy. Cuộc đời người con gái hai mươi mấy tuổi còn rất dài. Con đã lựa chọn một người bạn đời sai. Chẳng có gì xấu cả. Chọn sai thì chọn lại. Đừng chỉ vì sự sĩ diện của người lớn mà đánh mất đi hạnh phúc của cuộc đời mình. Con khổ người ta cũng khổ.

Tốt nhất là con hãy tự quyết định. Tinh thần của gia đình rất quan trọng. Startup cũng thế, giống như mình định hướng cho các em là "nên đi hướng này", "đừng đi hướng kia sẽ mất tiền", mà khi mất tiền có thể sẽ mất luôn cả lý trí. Bởi khi thất bại, đâu phải ai cũng vững vàng bước tiếp?

Shark Liên Đỗ: Phong cách từ thiện “không bố thí” và chuyện “dốt toán, không biết đếm tiền” của bà chủ doanh nghiệp nghìn tỷ - Ảnh 3.

Ngay bước đi đầu tiên các em phải được định hướng rõ ràng, nghiên cứu càng kỹ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Không hấp tấp, không vội vàng, thì sự bền vững sẽ được lâu dài hơn. Mong muốn của tôi là các bạn trẻ không bị thất bại ngay lập tức. Nếu không, các bạn sẽ bị mất đi tinh thần rất lớn.

Những cái "tật" của startup hiện nay khi gọi vốn trên chương trình Shark Tank Việt Nam, các Shark nói nhiều rồi nên tôi không muốn nói thêm nữa. Nhưng thực sự các bạn đang bị sống ảo, không xác định được là mình muốn cái gì.

Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao mà các bạn có thể vô cảm với tiền, liều lĩnh khi đưa ra những con số toàn mấy trăm tỷ. Đối với chúng tôi, muốn đưa ra số tiền lớn như thế phải cân nhắc, trăn trở, phải suy nghĩ rất nhiều để tính toán đưa ra một con số phù hợp. Còn giờ các bạn đưa ra mà không suy nghĩ. Rất vô cảm. Tôi sợ cái vô cảm. Và với những người vô cảm ấy, tôi không muốn đi cùng.

Nếu có thể, tôi muốn giúp cho các bạn ấy tỉnh lại. Các bạn mơ nhưng không kiểm soát được giấc mơ của mình. Thực ra mọi người bảo đã mơ thì làm sao kiểm soát? Nhưng nếu chúng ta khát vọng, mơ cái gì đấy đủ lớn, thì cần có cơ sở để một ngày nào đó hiện thực hóa được nó.

Shark Liên Đỗ: Phong cách từ thiện “không bố thí” và chuyện “dốt toán, không biết đếm tiền” của bà chủ doanh nghiệp nghìn tỷ - Ảnh 4.

Năm nay có rất nhiều bạn đang bị ảo tưởng, một điểm nữa là các bạn bị một tác động không nhỏ làm hùa theo đám đông. Cứ đi theo đám đông và đám đông làm gì thì mình làm cái đó. Đấy là nét đặc trưng của người Việt mà cần phải triệt tiêu, nếu không sẽ cực kỳ nguy hiểm. Bởi cứ theo đám đông thì 1 người thất bại, hàng loạt người khác cũng "đi" theo. Xây app chẳng hạn, giờ nhà nhà xây app mà không hiểu rằng cái app chỉ là một công cụ, một phương tiện để quản trị cho doanh nghiệp hay mang lại sự tiện lợi cho khách hàng, chứ bản thân nó không thể nào thay thế những cái khác.

Với chương trình Shark Tank, tôi muốn giúp làm sao để cho các bạn cất cánh lên cái đã. Các bạn cần gì: Tài chính, Tinh thần, Niềm tin. 3 điểm đấy mốc khởi đầu tôi giúp cho các bạn ấy. Còn câu chuyện sau này như tài chính quản lý làm sao, gọi vốn cho các vòng sau, thì đấy là câu chuyện đội ngũ tài chính của tôi sẽ vào giúp.

Tinh thần khi khởi nghiệp rất quan trọng. Startup vừa bước ra một cái mà đã bị "chém", bị "giập te tua" thì mất hết cả lý trí, tinh thần mà khởi nghiệp.

Shark Liên Đỗ: Phong cách từ thiện “không bố thí” và chuyện “dốt toán, không biết đếm tiền” của bà chủ doanh nghiệp nghìn tỷ - Ảnh 5.
Shark Liên Đỗ: Phong cách từ thiện “không bố thí” và chuyện “dốt toán, không biết đếm tiền” của bà chủ doanh nghiệp nghìn tỷ - Ảnh 6.

Không hẳn là tôi đầu tư thiên về các startup xã hội hay startup có founder là nữ, tiêu chí lựa chọn startup của tôi vẫn là người thủ lĩnh. Tôi lựa chọn những người đồng hành với mình. Nếu con người phù hợp với các mảng thế mạnh, định hướng của tôi, để giao hòa vào với hệ sinh thái của tôi thì tôi sẽ giúp được các bạn rất nhiều.

Thực ra, tôi coi trọng hơn tất cả là hậu của bể cá mập là gì. Khi gọi vốn đầu tư, các em đã cần tiền rồi nhưng cũng cần "bà đỡ" - những người được coi như thành trì, bệ phóng vững chắc cho các startup để các bạn có thể cất cánh.

Với tôi, nữ quyền hay nam quyền không quan trọng. Nhưng với bạn Lamita (Thùy Linh - CEO Lamita Dance Fitness - PV) có năng lượng rất tốt. Tôi muốn thông qua bạn ấy để lan tỏa sự mạnh mẽ, hạnh phúc cho chị em phụ nữ. Các em phải nghĩ được rằng không cần phải kiếm tiền bằng mọi giá. Kiếm tiền phải vui, phải hạnh phúc, để lại một cái gì đấy cho nhân loại, để lại cái gì đấy cho chính đồng bào, quê hương, đất nước nơi mình sinh ra. Và mình phải tự hào về điều đó.

Shark Liên Đỗ: Phong cách từ thiện “không bố thí” và chuyện “dốt toán, không biết đếm tiền” của bà chủ doanh nghiệp nghìn tỷ - Ảnh 7.

Tôi muốn hướng các em ấy có thể là kinh doanh không có lợi nhuận, nhưng suy nghĩ và định hướng cho các em về mặt lâu dài thì cứ suy nghĩ đến nó, trăn trở về nó, thì chắc chắn những dự án của các em cũng sẽ thành công một phần nào đó, hoặc ít nhất các em ấy cũng lan tỏa được nhiều năng lượng tích cực đến cho các bạn trẻ đồng lứa với mình.

Những lĩnh vực như an sinh xã hội, hoặc môi trường, không chỉ người Việt Nam mà cả thế giới đang trăn trở về vấn đề dùng rác thải nhựa. Một số bạn có được dự án về những lĩnh vực này tôi rất mừng. Tôi đang là Chủ tịch Quỹ Môi trường Xanh Việt Nam. Tôi muốn thực hiện sứ mệnh của mình để làm sao cho nơi sinh sống của mình trở thành xanh, sạch theo đúng nghĩa.

Nói về sâu xa, tất cả mọi thứ đều liên quan đến nhau. Ví như tôi sản xuất nước sinh hoạt, muốn người dân có một mức giá ưu đãi, hợp lý thì nước đầu nguồn chính bà con xả thải ra phải được sạch, thì quy trình xử lý nước thải mới giảm đi, từ đó người dân mới được hưởng ưu đãi ngược trở lại là mức giá sử dụng nước.

Thứ nữa, nước mà bị ô nhiễm từ đầu nguồn thì chuyện lọc để làm theo quy trình rất vất vả, vì để ra được một giọt nước sạch không đơn giản. Cho nên, những bạn trẻ có những dự án về môi trường tôi rất thích, và muốn giúp đỡ hết mình. Không chỉ với mình bản thân tôi, mà tôi còn thu hút các quỹ, hoặc những tổ chức trên thế giới để giúp các bạn ấy trong vấn đề tiên phong xử lý rác thải ngay từ đầu nguồn, từ nhà.

Shark Liên Đỗ: Phong cách từ thiện “không bố thí” và chuyện “dốt toán, không biết đếm tiền” của bà chủ doanh nghiệp nghìn tỷ - Ảnh 8.

Đấy là định hướng mà tôi nghĩ mình phải cố gắng làm sao không chỉ có bạn Hải Bình về rác hay bạn gái làm ống hút từ cỏ bàng thay vì ống hút nhựa (có xuất hiện trong teaser tập 8), mà có thể nhân rộng để rất nhiều người khác cùng chung tay vì môi trường. Tôi muốn thông qua vài phút trên Shark Tank ấy để nhiều bạn trẻ hiểu được câu chuyện, chứ đừng chỉ chạy theo xu thế nhà nhà làm app…

Đấy là cái mong muốn của tôi, chứ không phải xuất hiện trên Shark Tank để đòi hỏi các bạn kiếm lợi nhuận chia tiền lời, trả lãi, hay gây áp lực cho các bạn làm sao phải bán nhà, bán tất cả tài sản để quay trở lại trả nợ khi thất bại. Đó không phải định hướng của tôi.

Tôi chỉ nghĩ mình cần làm điều gì đó cho thế hệ trẻ. Tiền không phải là tất cả, nhiều khi sự xuất hiện của mình, niềm tin của mình trao cho các em cũng là một tài nguyên, một kho báu, mà những người đi trước đã thực hiện, giờ truyền lại cho các em để các em có đam mê.

Tôi giống như đang đi gieo hạt, nhiều lúc nghĩ cứ gieo đi, và rất vui là các con cũng hào hứng với câu chuyện của bố mẹ, và các con sẽ là người tiếp tục xây những tượng đài, giá trị mình để lại cao lên, cứ thế bồi đắp lên. Ấy cũng là niềm vui, chứ không phải bây giờ mình nói mình có bao nhiêu tiền. Tôi dốt toán, Tôi không biết đếm tiền.

Shark Liên Đỗ: Phong cách từ thiện “không bố thí” và chuyện “dốt toán, không biết đếm tiền” của bà chủ doanh nghiệp nghìn tỷ - Ảnh 9.

Trong Shark Tank Việt Nam tập 6, trả lời chất vấn của các Shark về cách xử lý nguyên liệu không sử dụng hết trong ngày, khi khách hàng không nhận đơn, bạn Founder của "Tối nay ăn gì" (Lê Thị Thùy Linh - PV) có trả lời rằng sẽ lưu kho cho khách trong 72 giờ đồng hồ, sau đó thay vì tiêu hủy sẽ đem số thực phẩm đó đi làm từ thiện.

Shark Liên Đỗ: Phong cách từ thiện “không bố thí” và chuyện “dốt toán, không biết đếm tiền” của bà chủ doanh nghiệp nghìn tỷ - Ảnh 10.

Tôi không thích kiểu "cho" ấy. Làm từ thiện phải làm theo đúng nghĩa của từ thiện. Từ thiện theo kiểu "không ăn thì cho", kiểu "bố thí" là không được.

Tôi làm từ thiện thì sẽ mang đồ ngon, chứ không phải cho đồ dở hay đồ thừa. Tôi không thích tính cách cô bé ấy là vì vậy.

Thức ăn đã ăn vào cơ thể là phải để cho khỏe, sao lại mang cho họ đồ thừa để ăn? Tôi cũng không tán thành cách thức từ thiện của một số bạn khi vào khách sạn, nhà hàng 5 sao lấy đồ thừa đem đi cho bệnh nhân trong bệnh viện. Người ốm đã rất khổ rồi, sao còn lấy đồ thừa cho họ ăn? Tôi làm từ thiện không bao giờ làm điều ấy.

Tôi vào bệnh viện nhiều rồi. Người ta đã khổ rồi, mình còn đi nhặt những của khác để bố thí sao? Ngay cả quần áo cũ tôi cũng không bao giờ đem cho. Đã từ thiện là phải từ thiện bằng đồ mới. Bao giờ tôi cũng yêu cầu may đồ mới để tặng từ thiện. Cái cảm giác của người được nhận quần áo mới chưa ai mặc, sung sướng lắm!

Ngày xưa khi có quần áo mới, cảm giác của tôi cũng rất hạnh phúc. Tôi còn nhớ mình cất giữ chờ đến Tết để mặc. Cảm giác đó đeo đẳng mình. Vì thế, nguyên tắc của tôi là phải cho đồ mới.

Shark Liên Đỗ: Phong cách từ thiện “không bố thí” và chuyện “dốt toán, không biết đếm tiền” của bà chủ doanh nghiệp nghìn tỷ - Ảnh 11.

Tôi cho sản xuất rất nhiều, mỗi năm mấy chục ngàn cái áo cho các em. Nhìn gương mặt các em khi nhận những bộ dồ mới tôi cảm giác sung sướng kinh khủng. Vì thế, quan điểm làm từ thiện của cô bé kia tôi không thể chấp nhận.

Thức ăn đã sơ chế không thể để quá lâu. Để lạnh tới 3 ngày rồi đem đi cho người bệnh, trẻ mồ côi như thế là không được.

Với dự án "từ thiện" của Shark Tank - The Purpose - dự án Sứ mệnh Ươm mầm do tôi làm Chủ tịch, đồ từ thiện chúng tôi lựa chọn là những chiếc máy tính cho các trẻ em vùng sâu vùng xa, những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, với mục tiêu để cho các em mở mang kịp với xu thế của nền công nghiệp 4.0, và các em không phải những người bị bỏ lại phía sau.

Khi được trao sứ mệnh là Chủ tịch thì ngay hôm ra mắt, cá nhân tôi đã tặng 50 bộ máy tính, và chắc chắn tôi còn tặng nữa.

Vừa rồi Shark Tank Purpose có trao 75 bộ máy tính cho các trường ở 2 tỉnh Lai Châu và Lạng Sơn. Sau đợt đi trao này, chúng tôi sẽ có sự giám sát, theo dõi để đánh giá hiệu quả, hiệu ứng về việc các em yêu thích máy tính và hiệu ứng lan tỏa tới đâu, sau đó tôi sẽ đi kêu gọi và bản thân cũng sẽ đóng góp thêm cho quỹ để mang được hàng ngàn máy tính lên vùng cao.

Mang những chiếc máy tính cho các con trên đó, tôi nghĩ các con rất thích. Thế giới ở ngay trong chiếc điện thoại, máy tính. Khi các con nhìn được ra thế giới như vậy, các con sẽ có niềm tin, các con sẽ có động lực, sự khích lệ trong học tập. Và khi học tập tốt, chính các con sẽ là người quay trở lại góp sức cho sự phát triển của bản làng, cho sự phát triển của địa phương mình.

Chiếc máy tính trên ấy là sự xa xỉ, bởi các con ăn còn chưa no, nhưng nó sẽ mang tới tương lai tươi sáng hơn cho các con.

Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM