Sếp ngân hàng Mỹ bị cắt 10 triệu USD tiền thưởng vì bê bối tham nhũng

28/01/2021 08:50 AM | Kinh doanh

Cùng với ông, hàng loạt giám đốc, cựu giám đốc cấp cao của ngân hàng cũng bị thu hồi hoặc cắt giảm tiền thưởng...

Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ đã quyết định giảm 10 triệu USD tiền thưởng (tương đương 36%) dành cho CEO David Solomon. Số tiền này được trừ vào tiền phạt mà ngân hàng phải nộp do có liên quan tới bê bối tham nhũng tại quỹ đầu tư quốc gia 1MDB của Malaysia, theo CNN.

Theo đó, gói thưởng năm 2020 của ông Solomon bị giảm xuống còn 17,5 triệu USD, từ mức 27,5 triệu USD của năm 2019, theo báo cáo nộp Ủy ban Chứng khoán Mỹ ngày 27/1.

Hồi tháng 10/2020, ngân hàng này ra quyết định thu hồi tổng cộng 67 triệu USD tiền thưởng năm 2011 của cựu CEO (Lloyd Blankfein), cựu giám đốc hoạt động, cựu giám đốc tài chính và hai cựu phó chủ tịch. Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ cắt giảm tổng cộng 31 triệu USD tiền thưởng của CEO hiện tại (David Solomon), giám đốc hoạt động (John Waldron), giám đốc tài chính (Stephen Scherr) và CEO phụ trách quốc tế (Richard Gnodde) trong năm 2020.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng thu hồi 76 triệu USD tiền thưởng đã trả cho các cựu nhân viên có liên quan tới hành vi phạm pháp tại 1MDB, gồm Tim Leissner, Ng Chong Hwa và Andrea Vella.

"Dù Messrs, Solomon, Waldron hay Scherr đều biết hay liên quan tới sự tham gia của Goldman Sachs khi ngân hàng đứng ra phát hành trái phiếu cho 1MDB, ban giám đốc vẫn xem vụ việc này như một thất bại của tổ chức, đi ngược lại những kỳ vọng cao dành cho ngân hàng", báo cáo của Goldman Sachs có đoạn viết.

Trước đó, Goldman Sachs đã chấp thuận nộp phạt gần 3 tỷ USD cho chính phủ Mỹ khi thừa nhận vi phạm luật chống tham nhũng của nước này trong vụ việc tại quỹ 1MDB. Khoản phạt khổng lồ khép lại cuộc điều tra kéo dài nhiều năm về vai trò của ngân hàng này trong bê bối tham nhũng tại 1MDB. Đây là khoản phạt lớn nhất từ trước đến nay đối với một ngân hàng Mỹ.

Vụ bê bối liên quan tới các đợt phát hành trái phiếu do Goldman Sachs đứng ra bảo lãnh để huy động 6,5 tỷ USD cho 1MDB vào năm 2012 và 2013.

Trong cuộc điều tra của DoJ, các công tố viên cáo buộc một mạng lưới quốc tế - trong đó có hai cựu nhân viên Goldman Sachs - đã cùng nhau biển thủ số tiền 4,5 tỷ USD từ 1MDB. Phần lớn số tiền này chảy vào túi của nhà tài chính Jho Low, một cố vấn của 1MDB, và các cộng sự. Cơ quan điều tra Malaysia phát hiện số tiền gần 700 triệu USD đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng của cựu Thủ tướng Najib Razak - người sau đó bị cáo buộc lạm dụng quyền lực trong vụ bê bối.

DoJ cũng cáo buộc Goldman Sachs phớt lờ các dấu hiệu gian lận nhằm thu được nhiều tiền phí nhất có thể.

Ngược lại với ông Solomon, James Gorman - CEO của ngân hàng Morgan Stanley, được tăng thêm 20% lương lên 33 triệu USD sau khi ngân hàng này ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục 3 năm liên tiếp. Gorman hiện là CEO ngân hàng được trả lương cao nhất tại Mỹ, vượt qua Jamie Dimon của JPMorgan Chase với mức lương thưởng đều đặn 31,5 triệu USD.

Trang Linh

Cùng chuyên mục
XEM