Sếp DN nuôi trùn quế từ chất thải heo đầu tiên tại Việt Nam: Kinh tế bao trùm đòi hỏi tầm nhìn kinh doanh dài hạn và phát triển bền vững
Greenfeed thành lập từ năm 2003, theo đuổi các giải pháp về nông nghiệp tuần hoàn, trong đó có mô hình nuôi trùn quế từ chất thải heo đầu tiên ở Việt Nam. Greenfeed là một trong những doanh nghiệp cùng đối thoại về phát triển bền vững tại sự kiện mới đây do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam tổ chức.
Một doanh nghiệp theo đuổi mô hình kinh doanh vì lợi nhuận sẽ không tạo đủ giá trị cho cộng đồng, trong khi đó mô hình kinh doanh vì lợi ích xã hội tạo được giá trị trong ngắn hạn nhưng lại thiếu bền vững, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Phát triển bền vững CTCP Greenfeed Việt Nam chia sẻ.
Mô hình kinh tế bao trùm sẽ đảm bảo cả lợi ích kinh tế lẫn lợi ích xã hội.
“Kinh tế bao trùm luôn đòi hỏi nỗ lực, tầm nhìn kinh doanh dài hạn và phát triển bền vững của doanh nghiệp… Các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế bao trùm đều tạo ra tác động xã hội và được đánh giá dự kiến sẽ tăng doanh thu 65% từ 2018 – 2023”, ông Tuấn Anh cho biết tại Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy yếu tố đa dạng và bao trùm trong kinh doanh bền vững thời đại số hóa” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VCCI-VBCSD) tổ chức.
Greenfeed thành lập từ năm 2003, là doanh nghiệp đầu tiên nuôi trùn quế từ chất thải heo ở Việt Nam. Hiện Greenfeed đang cùng nông dân canh tác sinh thái, hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật canh tác, chế biến, bao tiêu nông sản.
“Tại Greenfeed, chúng tôi xác định phát triển bền vững là nhiệm vụ chiến lược của Tập đoàn giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030. Trong đó, thông qua việc không ngừng hoàn thiện chuỗi thực phẩm 3F Plus (Feed- Farm- Food), chúng tôi đã và đang mang giá trị lành từ mô hình này đến với khách hàng, đối tác và cộng đồng, đặc biệt là nhóm đối tượng phụ nữ và trẻ em”, ông Tuấn Anh nói thêm.
Đa dạng và hòa nhập/bao trùm (D&I) là một thành tố quan trọng trong 3 trụ cột phát triển bền vững doanh nghiệp, vốn được tạo nên từ sự cân bằng và hài hòa giữa tăng trưởng lợi ích kinh tế - bảo vệ môi trường – gia tăng lợi ích của nhân viên và cộng đồng, theo Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VCCI-VBCSD).
Về khía cạnh kinh tế, D&I giúp nâng cao khả năng tiếp cận các thị trường mới, hỗ trợ cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp, cũng như giúp thu hút và giữ chân “nhân tài” tốt hơn. Tất cả góp phần tạo ra lợi nhuận trong dài hạn cho doanh nghiệp.
Về khía cạnh môi trường, doanh nghiệp có đặc tính D&I cao thường có nhiều ý tưởng đổi mới, sáng tạo hơn, cũng như có tính linh hoạt cao hơn. Điều này giúp doanh nghiệp có thể vận hành thông minh hơn, linh hoạt hơn, với nhiều giải pháp mới để giảm thiểu “dấu chân” các-bon từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu hiệu quả hơn.
Về khía cạnh xã hội, doanh nghiệp có văn hóa đa dạng, hòa nhập trao quyền cho nhân viên, đặt con người vào trung tâm của mọi chiến lược và quyết định, từ đó đưa ra những quyết định hợp lí và hiệu quả hơn. Đặc biệt, trong thời đại số hóa ngày này, yếu tố đa dạng, hòa nhập, bao trùm càng có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Bà Đoàn Thị Mai Hương, Phó Chủ tịch VBCSD, Tổng Giám đốc CTCP Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất nhận định thúc đẩy yếu tố đa dạng, hòa nhập và bao trùm trong kinh doanh bền vững thời đại số hóa không chỉ là một xu thế mới, rất cần được quan tâm, mà đó còn là đòi hỏi, yêu cầu cấp thiết đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp và lập chiến lược phát triển doanh nghiệp bền vững.
Liên quan đến việc lồng ghép tính đa dạng và hòa nhập vào AND của doanh nghiệp, bà Anjanette Saguisag, Trưởng phòng Chính sách Xã hội và Quản trị, UNICEF Việt Nam chia sẻ, những lợi ích một môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập mang lại có thể kể đến bao gồm thúc đẩy doanh thu nói chung của doanh nghiệp; thu hút và giữ chân nhân tài, và trao quyền và tạo động lực cho người lao động.
Tính đa dạng và hòa nhập có lợi cho doanh nghiệp và nên là một phần không thể thiếu trong ADN của doanh nghiệp, các chính sách thúc đẩy tính đa dạng và hòa nhập cần được ưu tiên, thiết kế có chủ đích và giám sát thực hiện đã đảm bảo triển khai trên thực tế, trong đó cần đặc biệt lưu tâm xem xét, quan tâm đến hoàn cảnh và đặc điểm của trẻ em, lao động trẻ, lao động là cha mẹ và người chăm sóc ở nơi làm việc. Tại Việt Nam, UNICEF hiện đang hợp tác với VCCI trong dự án “Thúc đẩy Quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh trong doanh nghiệp tại Việt Nam”.