img

Trong khuôn khổ Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững tại Việt Nam (PSAV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với công ty TNHH Nestlé Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Nông nghiệp sinh thái: Giải pháp giảm phát thải và phát triển nông nghiệp bền vững" với mục tiêu hướng đến nền nông nghiệp xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Diễn đàn đã thu hút hơn 100 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây cũng là động thái mới nhất của ngành nông nghiệp trong việc hiện thực hóa cam kết giảm phát thải của Việt Nam Tại Hội nghị COP26 năm 2021 và hướng tới COP27.

Tham dự Diễn đàn nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Ông David Rennie, Phó Chủ tịch Điều hành, Giám đốc Các Thương hiệu Cà phê cùng ông Philipp Navratil, Phó Chủ tịch phụ trách ngành hàng Cà phê, Tập đoàn Nestlé đã có một số chia sẻ về định hướng phát triển bền vững, nông nghiệp tái sinh cũng như chương trình NESCAFÉ Plan.

Nông nghiệp tái sinh – cách tiếp cận hữu hiệu giúp Nestlé hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) - Ảnh 1.

Nông nghiệp tái sinh – cách tiếp cận hữu hiệu giúp Nestlé hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) - Ảnh 2.

Ông có thể chia sẻ đôi điều về kế hoạch phát triển tại Việt Nam và những tiềm năng của Việt Nam trong kế hoạch kinh doanh của Nestlé trên toàn cầu là gì?

Ông David: Trước hết, tôi cảm thấy rất hào hứng đối với tiềm năng của ngành cà phê Việt Nam. Như mọi người đã biết, Việt Nam là nước sản xuất cà phê xanh thứ hai trên thế giới nhưng lại là nhà cung ứng nguyên liệu này lớn nhất cho Nestlé.

Với vai trò là công ty cà phê lớn nhất thế giới, chúng tôi thu mua cà phê từ Việt Nam nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Tôi cho rằng đó là minh chứng cho thấy Việt Nam đã làm tốt như thế nào cho đến thời điểm hiện tại.

Như đã công bố vào đầu năm 2022, chúng tôi đã mở rộng gấp đôi quy mô nhà máy ở Trị An với kinh phí 132 triệu USD để gia tăng đáng kể khả năng sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm NESCAFÉ với sản lượng lớn từ Việt Nam sang 26 quốc gia khác trên thế giới, như khu vực EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia,...

Vì vậy, tôi đang rất mong chờ vào một tương lai phát triển hơn nữa của ngành cà phê tại Việt Nam.

Như ông đã nói, nông nghiệp tái sinh có vai trò then chốt trong lộ trình giảm phát thải ròng về "0" của Nestlé. Ông có thể chia sẻ chi tiết thêm được không?

Ông David: Nông nghiệp tái sinh là trọng tâm của chương trình cắt giảm lượng khí thải carbon của toàn bộ hoạt động kinh doanh của Nestlé. Vậy nông nghiệp tái sinh là gì?

Rất đơn giản. Nông nghiệp tái sinh là cách mà chúng ta tư duy về sự thay đổi trong thực hành canh tác nông nghiệp.

Nông nghiệp tái sinh – cách tiếp cận hữu hiệu giúp Nestlé hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) - Ảnh 3.

Trước đây, nói đến thực hành nông nghiệp bền vững là nói đến cách chúng ta giảm thiểu tác hại đối với môi trường. Thực hành nông nghiệp tái sinh là việc bổ sung, nuôi dưỡng và hợp tác với tự nhiên trong thời gian dài để hướng tới một phương pháp canh tác và một nền nông nghiệp bền vững trong dài hạn, một cách thức hoàn toàn đối lập với việc chống lại thiên nhiên để canh tác nông nghiệp. Đây chính là điểm trọng tâm của sự khác biệt giữa nông nghiệp bền vững và nông nghiệp tái sinh.

Đối với cà phê, thực ra chúng tôi biết phải làm gì để phát triển nguồn nguyên liệu hiệu quả hơn nhưng thật không dễ dàng để khiến cả một ngành trồng trọt với hàng trăm nghìn nông dân thay đổi ngay lập tức. Trên thực tế việc lấy được lòng tin của người nông dân là thách thức cũng là thành công lớn nhất của chương trình NESCAFÉ Plan.

Vì vậy, chúng tôi đã bắt đầu bằng cách giúp đỡ, đồng hành cùng nông dân. Tất nhiên để làm được điều này thì công ty phải làm việc trực tiếp với người nông dân cũng như chính quyền địa phương để hiểu được họ cần gì.

Đầu tiên là về nguồn tài nguyên đất. Chúng cần giữ được độ ẩm, chất dinh dưỡng nếu muốn tăng năng suất cà phê. Để làm được điều này thì người nông dân phải bảo vệ cây cà phê khỏi những tác nhân gây hại. Thêm nữa, việc tưới tiêu cũng cần được chú trọng đúng cách, không quá nhiều mà cũng không quá ít.

Tiếp đó là trồng xen canh để bảo vệ cây cà phê cũng như đa dạng hóa, tăng thêm thu nhập cho người dân. Cuối cùng là giảm lượng phân bón và thuốc trừ sâu, qua đó hạn chế phát khí thải carbon ra môi trường.

Nông nghiệp tái sinh – cách tiếp cận hữu hiệu giúp Nestlé hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) - Ảnh 4.

Ông Philipp: Ở Việt Nam, chúng ta có 20% diện tích cây cà phê già cỗi trên 20 năm tuổi và công ty đã hướng dẫn, khuyến khích người nông dân cắt tỉa chúng, vốn là điều không dễ dàng với những người có tư tưởng canh tác cũ.

Một khi được cắt tỉa, cây cà phê sẽ mọc lại từ gốc và tiếp tục cho quả cà phê với năng suất cao hơn nhờ kỹ thuật canh tác mới.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã phân phối hơn 63 triệu cây giống chất lượng cao cho nông dân Việt Nam để tái canh, qua đó tăng sản lượng trên mỗi ha và mang lại thêm thu nhập cho các hộ nông dân. Đồng thời điều này cũng giúp giảm lượng khí thải carbon khi bạn có thể tăng năng suất mà không cần mở rộng diện tích đất canh tác.

Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện hỗ trợ tài chính trong chương trình NESCAFÉ Plan để giúp người nông dân an tâm chuyển đổi, vượt qua được 2-3 năm đầu khó khăn nhất. Đồng thời cũng đảm bảo nguồn tín dụng được cấp kịp thời khi người nông dân cần được hỗ trợ.

Nestlé cũng đang xem xét việc bảo hiểm cây trồng cho các khu vực hạn hán, hoặc các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như bão và mưa gây bất lợi cho trồng trọt.

Sau khi đồng hành, giám sát và thành công, chúng tôi sẽ xem xét đánh giá trên từng khu vực dự án bởi vì trồng cà phê ở Việt Nam không giống với việc trồng cà phê ở Cote d'Ivoire, hay ở Brazil, khí hậu rất khác nhau, nông dân rất khác nhau, thực hành rất khác nhau.

Nông nghiệp tái sinh – cách tiếp cận hữu hiệu giúp Nestlé hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) - Ảnh 5.

Nông nghiệp tái sinh – cách tiếp cận hữu hiệu giúp Nestlé hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) - Ảnh 6.

Việt Nam đặt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu cà phê lên 6 tỷ USD vào năm 2030 đồng thời duy trì vị thế là nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. Vậy vai trò của Nestlé thế nào để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra?

Ông David: Việt Nam là một quốc gia sản xuất cà phê cực kỳ quan trọng và chúng tôi cũng đã có cam kết lâu dài trong việc giúp Việt Nam phát triển ngành cà phê.

Tôi nghĩ rằng chính chương trình NESCAFÉ Plan và những gì chúng ta đang làm về nông nghiệp tái sinh đã thể hiện những cam kết của công ty tại Việt Nam, qua đó giúp hoàn thành những mục tiêu mà chính phủ đã đưa ra trong COP26.

Việc cân bằng giữa tăng trưởng ngành cùng với các hoạt động tái sinh là vô cùng quan trọng nên chúng ta cần làm song song cả hai, tăng trưởng song hành với thực hành nông nghiệp tái sinh.

Điều đáng mừng là Việt Nam đã nhận thức được cách thức để đối phó với phát thải carbon đồng thời tăng năng suất ở các trang trại cà phê. Chúng ta có thể làm được cả hai điều này chứ không phải lựa chọn một trong hai. Tôi nghĩ Việt Nam có cơ hội lớn để dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này.

Một vấn đề nữa muốn phát triển bền vững từ nông nghiệp tái sinh thì phải gắn được với lợi ích kinh tế cho người nông dân. Bạn muốn trồng cà phê thì phải có nông dân. Nếu người nông dân không tham gia vào quá trình thay đổi mà chúng ta muốn hướng đến và nếu họ không thể có nguồn thu nhập cao từ những sự chuyển đổi đó thì đương nhiên sự thay đổi mà chúng ta mong muốn sẽ không thể xảy ra. Vì vậy Nestlé luôn đồng hành cùng người nông dân. Đó chính là cách mà Nestlé đang thực hiện ở Việt Nam để thúc đẩy sự thay đổi trong canh tác cà phê.

Nông nghiệp tái sinh – cách tiếp cận hữu hiệu giúp Nestlé hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) - Ảnh 7.

Tôi xin nhấn mạnh rằng tham vọng đạt 6 tỷ USD xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ không thành hiện thực chỉ bằng cách tăng số lượng trang trại cà phê. Trong vài năm tới, sự gia tăng này sẽ không đến từ sản lượng mà đến từ việc gia tăng giá trị cho cà phê.

Bởi vậy chúng ta càng phát triển nông nghiệp tái sinh thì Việt Nam sẽ càng có nhiều thị trường xuất khẩu hơn. Các thị trường sẽ sẵn sàng trả phí cao hơn cho những sản phẩm chất lượng, được canh tác bền vững. Ví dụ như thị trường EU đang ngày càng kiểm soát chặt hơn đối với hàng nhập khẩu.

Đây là một khía cạnh. Khía cạnh thứ hai là chúng tôi hiện cũng đang làm việc với chính phủ để tìm ra cách thức cải thiện chất lượng của cà phê Robusta tại Việt Nam, tạo nên những hạt cà phê Robusta năng suất hơn, sinh lời hơn so với những hạt cà phê Robusta thông thường.

Và thứ ba, chúng ta cần tạo giá trị gia tăng cho hạt cà phê Việt Nam thông qua việc gia tăng hàm lượng chế biến thay vì chỉ xuất khẩu cà phê xanh, vốn có giá trị hạn chế.

Chúng tôi cam kết đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng nguyên liệu và sản xuất cà phê chất lượng cao không chỉ trong phạm vi khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Nông nghiệp tái sinh – cách tiếp cận hữu hiệu giúp Nestlé hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) - Ảnh 8.

Được biết Nestlé mới công bố kế hoạch NESCAFÉ Plan 2030. Ông có thể giải thích một chút về kế hoạch này không?

Ông Philipp: Ở Việt Nam, chúng tôi đã có 12 năm triển khai chương trình NESCAFÉ Plan với kết quả được ghi nhận. Trên thực tế chúng tôi đã triển khai chương trình này từ lâu với trọng tâm là nông nghiệp tái sinh, nhưng chúng tôi hầu như chưa bao giờ giải thích rõ ràng khái niệm này như hiện nay.

Như David đã đề cập, NESCAFÉ Plan 2030 là một phần của kế hoạch phát triển bền vững trong đó nông nghiệp tái sinh đóng vai trò trung tâm và chủ chốt. Thông qua NESCAFÉ Plan, chúng tôi đào tạo người nông dân thực hành canh tác nông nghiệp tái sinh, phân phối cây giống có năng suất cao và kháng bệnh cho họ, giúp họ có kiến thức tài chính để có thể quản lý nông trại hiệu quả hơn.

Chúng tôi tin rằng thông qua nông nghiệp tái sinh, trọng tâm của chương trình NESCAFÉ Plan, chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe của đất, đảm bảo sự đa dạng sinh học và bảo tồn nguồn nước, bảo vệ tự nhiên và hoàn trả lại cho tự nhiên, từ đó giúp người nông dân gia tăng được thu nhập.

Nông nghiệp tái sinh – cách tiếp cận hữu hiệu giúp Nestlé hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) - Ảnh 9.

Khi ngày càng có nhiều nông dân muốn trồng cà phê, giới trẻ muốn tiếp quản công việc trồng cà phê từ gia đình và thu nhập của hộ nông dân ngày một lên cao, cuộc sống cộng đồng đi lên thì việc tăng sản lượng là điều hiển nhiên.

Đó là những gì chúng tôi cam kết thực hiện. Ngoài ra công ty cũng cần đẩy nhanh tiến độ này bởi vì chúng ta không có thời gian khi cần phải đạt được những mục tiêu tham vọng cả về kinh tế lẫn các cam kết về giảm khí thải nhà kính. Trong khi đó chúng ta lại cần nhiều thời gian để có thể thay đổi tư duy người nông dân và đây là một trong những thách thức của NESCAFÉ Plan.

Điều chúng ta cần chính là sự nhất quán và nỗ lực để có thể chuyển đổi toàn bộ hoạt động canh tác trong lĩnh vực cà phê sang phương thức nông nghiệp tái sinh. Bản thân tôi cũng tin rằng chúng tôi có thể thành công bởi vì chương trình đang xây dựng dựa trên một nền tảng canh tác nông nghiệp vững chắc và bởi vì chương trình NESCAFÉ Plan của chúng tôi đã được triển khai tại Việt Nam cho đến nay đã được 12 năm.

Xin cảm ơn các ông đã chia sẻ.

Nông nghiệp tái sinh – cách tiếp cận hữu hiệu giúp Nestlé hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) - Ảnh 10.

 

Tổ Quốc