Sếp công ty môi giới kể chuyện mua đất nền 'mỗi giờ một giá' và đưa cảnh báo

05/04/2019 10:03 AM | Bất động sản

Trong một thị trường nhiễu loạn thông tin, giá đất tăng theo giờ, đại diện DKRA Việt Nam cho rằng cần tỉnh táo, xác định rủi ro trước khi tính lời.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần DKRA Việt Nam, nói trong một hội thảo rằng ông thường xuyên đi khảo sát giá đất nền các khu vực TP HCM và tỉnh lân cận để có được những trải nghiệm thực tế.

Tuần trước, ông đến Bình Thuận, tập trung khảo sát hai khu vực Mũi Né - Phan Thiết và Hàm Tiến. Khi tới đây, ông thấy cảnh người ta xếp hàng mua đất với quy mô cả hecta, ôtô nối dài khiến đường kẹt cứng. Ông kể, cảm giác khi ấy là "vô cùng ngạc nhiên" vì hôm đó là thứ hai, thông thường không ai đi mua bất động sản ngày đó cả. Điểm khác khiến ông cảm thấy đặc biệt là có rất nhiều xe mang biển số TP HCM.

Môi giới tập trung đông, lực lượng đầu cơ tụ hội gây ra cảnh tượng hỗn loạn ở các khu vực đất nền mà ông đi thăm dò. Ông thấy giá đất thay đổi từng giờ, nói lúc trước giá khác mà khi sau giá khác. "Người ra thương lượng với nhau đồng ý đưa tiền thì làm luôn chứ không có đợi được tới đoạn hỏi ý kiến người thân. Nhiều nhà đầu cơ chớp thời cơ trong nháy mắt", ông nói.

 Sếp công ty môi giới kể chuyện mua đất nền mỗi giờ một giá và đưa cảnh báo  - Ảnh 1.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam. Ảnh: KC.

Trong cơn “hỗn loạn” của giá đất nền, ông nhận thấy một điều rất bất thường. Đó là không ai biết một chút gì về quy hoạch hay nắm được thông tin cụ thể. Khi ông hỏi đường này quy hoạch rộng bao nhiêu, môi giới gạt đi. Ông hỏi khu đất này cách sân bay bao nhiêu xa, họ nói hình như 2 - 3 km.

Với họ, cái gì cũng "hình như", cũng "đại loại thế", không ai đưa ra được bản đồ quy hoạch. Mọi thứ là thông tin nghe được từ đâu đó, thậm chí chỉ truyền tai có dự án sân bay rồi mua. Vì nhiễu loạn thông tin nên một miếng đất có thể được rao ra thị trường cho khoảng 7 - 15 môi giới, mỗi lần người mua muốn tiếp cận giao dịch thì phải qua nhiều lớp nang, không có thông tin minh bạch.

Theo ông Lâm, Bình Thuận chỉ là một trong nhiều điểm nóng về đất nền xung quanh TP HCM thời gian qua. Điểm nóng đất nền có thể cách TP HCM trong phạm vi 20 km như Nhơn Trạch (Đồng Nai), Cần Giuộc, Bến Lứt, Đức Hòa (Long An), Thuận An, Dĩ An (Bình Dương)... đều đang thu hút giới đầu tư. Xa hơn, khoảng 30 km, các khu vực như Long Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có nhiều yếu tố lợi thế về hạ tầng giao thông, các dự án lớn.

Ngoài vùng TP HCM, một số địa phương xa khác có lợi thế như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Quốc... cũng có những dự án làm điên đảo các nhà đầu tư, đầu cơ.

Ông Lâm lấy ví dụ phía Tây Bắc Đà Nẵng có dự án tăng giá từ 20 đến 22 triệu đồng/m2 lên 30 - 32 triệu đồng/m2, làm "rối loạn thị trường". Sau giai đoạn giá lên cao đột biến thì thị trường chuyển sang giai đoạn dè chừng. Từ việc người người nhà nhà đi công chứng, mua bán sang tay, xe cộ môi giới ra vào nườm nượp trong khu đô thị chưa thành hình, toàn là đất trống, sau 20 ngày, trở lại ông thấy tình hình vắng vẻ rất nhiều.

Nguyên nhân sốt đất nền, theo ông Lâm có khá nhiều như hạ tầng giao thông, quỹ đất lớn từ các chủ đầu tư, quỹ đất TP HCM khan hiếm giá cao... Nhưng yếu tố ông Lâm nhận thấy chính là tâm lý nặng về sở hữu nhà đất của người dân, coi đất là tài sản lâu dài còn mãi với sổ đỏ riêng biệt.

Vì vậy, đại diện DKRA Việt Nam nhấn mạnh thị trường đang có nhiều điểm hút nhà đầu tư, kể cả đầu cơ, nhưng khi có nhiều thông tin nhiễu loạn thì người mua cần bình tĩnh đưa ra quyết định hợp lý. “Quan trọng nhất là phải tự hỏi mình rằng đầu tư có an toàn không, có mất vốn không, sau đó mới tới lãi bao nhiêu”.

Tại TP HCM trong quý đầu năm, thị trường có 2 dự án đất nền mới đáng chú ý, cung cấp khoảng 259 nền. Con số này giảm 76% so với quý trước. Nguồn cung tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc (Củ Chi, Hóc Môn, quận 12) với tỷ lệ 61%.

Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 86% (224 nền), giảm 75% quý trước. Nơi tiêu thụ chủ yếu của thị trường là khu Bắc (59%) và khu Đông (quận 2, 9, Thủ Đức) với 41%.

Theo Khổng Chiêm

Cùng chuyên mục
XEM