Seoul muốn bỏ nhà bán hầm, nhiều người lo "không biết chuyển dân đi đâu"
Chính quyền Seoul lên kế hoạch loại bỏ các căn nhà bán hầm (còn gọi là 'banjiha' trong tiếng Hàn Quốc), sau khi ít nhất 3 người của một gia đình mắc kẹt và chết đuối trong ngôi nhà kiểu này ở trận mưa lịch sử vừa qua. Nhưng điều này có dễ?
Tuần này thủ đô Seoul của Hàn Quốc trải qua trận mưa lớn nhất trong 80 năm.
Sau khi đến thăm căn nhà bán hầm (nửa chìm nửa nổi) ở quận Gwanak, nơi có ba người trong cùng một gia đình thiệt mạng hôm 9-8, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố trước nội các: "Chúng ta sẽ không bao giờ để xảy ra một lần nữa các thảm kịch vốn có thể ngăn chặn được".
Nhà bán hầm đã "lạc hậu"
Theo đó, chính quyền Seoul sẽ loại bỏ các nhà hầm và bán hầm "để chúng không thể có người ở, bất kể là tại khu vực thường xuyên ngập lụt hay dễ bị ngập lụt".
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thăm một căn nhà bán hầm bị ngập nước ở quận Gwanak, Seoul hôm 9-8 - Ảnh: Văn phòng tổng thống Hàn Quốc
Thị trưởng Seoul, ông Oh Se Hoon, cho biết banjiha là "loại hình nhà ở lạc hậu, đe dọa những người dễ bị tổn thương xét về mọi mặt, bao gồm cả sự an toàn và môi trường sinh sống, do đó lúc này nên bị loại bỏ".
Chính quyền cho biết quá trình loại bỏ sẽ bao gồm "thời gian ân hạn" từ 10 - 20 năm dành cho các banjiha hiện có giấy phép xây dựng.
Người dân sẽ được hỗ trợ chuyển vào nhà thuê công cộng. Sau khi banjiha không còn dùng làm nơi sinh sống, chúng sẽ được chuyển đổi cho mục đích khác.
Quyết định của Seoul đưa ra trong bối cảnh banjiha đã trở thành biểu tượng cho tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng trong xã hội Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á.
Kiểu nhà này không phải điểm độc đáo của kiến trúc Seoul hiện đại, mà là sản phẩm của lịch sử, vào thời điểm căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Theo Hãng tin Yonhap, vào năm 1970, Chính phủ Hàn Quốc bắt buộc xây tầng hầm trong các dự án xây dựng để làm nơi tránh không kích.
Ban đầu việc cho thuê các hầm này làm nơi sinh sống là trái luật, nhưng qua thời gian điều đó thay đổi.
Năm 1984, chính phủ nới lỏng quy định, cho phép các tầng hầm được xây cao hơn, với một nửa hầm dưới lòng đất và một nửa trên mặt đất, và thuật ngữ "banjiha" ra đời.
Động thái này được coi là hợp pháp hóa các nhà bán hầm, và nhiều người có thu nhập thấp sẵn sàng sống trong banjiha bất chấp sự bí bách hay mùi ẩm mốc.
Cam kết khó thực hiện
Theo Đài CNN, giá trung bình của một căn hộ ở Seoul đã tăng hơn gấp đôi trong 5 năm qua, lên tới 1,26 tỉ won (963.000 USD) vào tháng 1-2022. Nếu xét về thu nhập, mức giá này khá cao so với nhiều người dân Seoul.
Những lo ngại về độ an toàn của nhà bán hầm đã từng được đặt ra khi ngập lụt nghiêm trọng xảy ra vào các năm 2010 và 2011 cũng đã khiến hàng chục người thiệt mạng.
Vào năm 2012, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện luật mới, cấm xây thêm banjiha tại "các khu vực thường xuyên bị ngập lụt". Nhưng nỗ lực cải cách đó đã không thành công. Ngược lại, đã có thêm 40.000 nhà bán hầm được xây mới sau đó do những lỗ hổng trong giám sát.
Các quan chức một lần nữa tuyên bố sẽ xử lý vấn đề banjiha sau khi phim Parasite (Ký sinh trùng) - phim Hàn Quốc đoạt giải Oscar năm 2020, trong phim cũng có cảnh ngập nước tại nhà bán hầm - khiến kiểu nhà này được quan tâm trở lại.
Tuy nhiên, theo bà Choi Eun Yeong - giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu thành phố và môi trường Hàn Quốc, những căn nhà bán hầm này sau đó sớm bị lãng quên khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Tuần này, chính quyền Seoul tuyên bố sẽ loại bỏ banjiha, nhưng bà Choi bày tỏ hoài nghi về cam kết này. Bà cho rằng đề xuất này quá tham vọng và thiếu cụ thể, chẳng hạn các thông tin chi tiết về thời gian và bồi thường. "Trên thực tế, tôi nghĩ khả năng rất cao đó sẽ chỉ là một tuyên bố và không được thực hiện", bà nói.
Một nhóm dân sự ở Seoul tên "People Power 21" bình luận: "Các trường hợp thiệt mạng do ngập lụt gần đây là một thảm họa tương tự mà lẽ ra đã có thể được ngăn chặn nếu Seoul thực hiện các biện pháp từng đề xuất trong quá khứ".
Giáo sư xã hội học Chang Duk Jin tại Đại học Quốc gia Seoul nhận định việc loại bỏ banjiha là "bước đi đúng hướng, theo đó chúng ta đang nâng tiêu chuẩn sống tối thiểu". Tuy nhiên, thách thức sẽ là vấn đề tính toán ngân sách hỗ trợ người dân di dời khỏi banjiha và cung cấp cho họ chỗ ở thay thế.
200.000
Theo báo The Guardian, số liệu chính thức cho thấy Seoul có khoảng 200.000 banjiha vào năm 2020, chiếm 5% tổng số ngôi nhà trong thành phố. Hơn một nửa số banjiha của Hàn Quốc nằm ở thủ đô Seoul, nơi giá bất động sản tăng vọt.
"Tôi không biết đi đâu!"
Việc di dời người dân khỏi các nhà bán hầm không phải chuyện dễ dàng. Năm 2021, chỉ 247 hộ sống trong banjiha ở Seoul được chuyển tới các căn hộ thuộc sở hữu nhà nước.
Theo báo Korea Herald, bà Sohn Mal Nyeon (77 tuổi), người đã sống trong nhà bán hầm ở quận Dongjak của Seoul hàng chục năm, nói bà không nghĩ kế hoạch loại bỏ banjiha của Seoul sẽ được thực hiện.
Một cư dân họ Baek sống trong banjiha ở cùng khu phố cho biết "cả đời tôi đã ở đây" và mặc dù biết rõ những nguy hiểm khi sống trong banjiha, nhưng bà "không biết phải đi đâu".