Sẽ sửa Quy chế đào tạo tiến sỹ

27/04/2016 11:38 AM | Sống

Trước thực trạng đào tạo tiến sỹ đang làm nóng dư luận những ngày qua, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, sắp tới Quy chế đào tạo tiến sĩ sẽ được sửa đổi, bổ sung.


Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT.

Căn cứ chuyên môn để đánh giá một đề tài tiến sĩ có thực sự ổn hay không là gì, thưa bà?

Theo quy định hiện hành, với mong muốn các nhà chuyên môn sẽ đánh giá sát thực, đúng mức từng luận án, quy trình học tập, nghiên cứu, việc nghiên cứu và bảo vệ luận án được quy định gồm rất nhiều bước: Đầu tiên cơ sở đào tạo phải đưa ra hướng cần thiết nghiên cứu hoặc người học quan tâm tới đề tài nào thì có thể đăng ký và được cơ sở đào tạo chấp nhận.

Như vậy, phải xác định đề tài này có cần thiết nghiên cứu, có ý nghĩa hay không. Khi đề tài được chấp nhận thì NCS cần phải lập đề cương nghiên cứu. Thông thường, đề cương này phải được thẩm định về chuyên môn. Sau đó nghiên cứu từng chủ đề nhỏ (các chuyên đề tiến sĩ) cũng phải được người hướng dẫn duyệt và cơ sở đào tạo tổ chức đánh giá. Những điểm mới của luận án phải được công bố ở các tạp chí khoa học dưới dạng các bài báo khoa học và nó cũng phải được biên tập, duyệt đăng…

Dư luận băn khoăn về tính ứng dụng của một số đề tài tiến sĩ vừa qua của Học viện Khoa học Xã hội, vậy quy định về vấn đề này ra sao, thưa bà?

Quy chế quy định luận án tiến sĩ phải có đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc giải pháp mới có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu, giải quyết sáng tạo các vấn đề của ngành khoa học hay thực tiễn kinh tế - xã hội.

Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý Nhà nước về GDĐT, quản lý chất lượng thông qua quy định các điều kiện (đăng ký mở ngành; số lượng và trình độ giảng viên…), tiêu chí của luận án, quy trình tổ chức thực hiện để đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo tiến sĩ. Một trong các quy định đó là cơ sở đào tạo phải công khai thông tin về việc bảo vệ luận án và toàn văn luận án chuẩn bị bảo vệ lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo, để các nhà chuyên môn và mọi người có thể tham khảo, giám sát, phát hiện sai sót… góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo. Bộ GD&ĐT cũng tiến hành thẩm định xác suất đối với khoảng gần 10% luận án. Khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc có ý kiến phản ánh không tốt về nội dung và chất lượng luận án cụ thể nào đó thì Bộ GD&ĐT cũng sẽ tổ chức thẩm định.

Số lượng đề tài được bảo vệ thành công ở Học viện Khoa học Xã hội trong thời gian qua là rất lớn, vậy có quy định gì về khống chế để đảm bảo chất lượng theo đúng năng lực của học viện?

“Sau 6 năm thực hiện Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ, Bộ GD&ĐT cũng nhận thấy cần phải nâng chuẩn đào tạo và từ 2015 đã có kế hoạch dự thảo Quy chế đào tạo trình độ TS mới thay thế Quy chế hiện hành”.

Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT

Học viện KHXH được thành lập năm 2010 trên cơ sở tổ chức lại 17 viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) trước đó đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép đào tạo trình độ tiến sĩ. Chỉ tiêu của học viện hiện nay là tổng chỉ tiêu của 17 viện nghiên cứu, nếu tính bình quân cho 17 cơ sở đào tạo thì số chỉ tiêu của mỗi cơ sở đào tạo không phải là quá lớn.

Theo quy định, 1 tiến sĩ trong cùng một thời gian được hướng dẫn không quá 3 nghiên cứu sinh, 1 phó giáo sư thì không quá 4 và giáo sư không quá 5. Nếu tính trên số giảng viên hiện có thì Học viện cũng không vượt chỉ tiêu.

Vậy tại sao vẫn tạo cho dư luận sự bất an về chất lượng đào tạo ở Học viện?

Dư luận bất an về chất lượng đào tạo cũng là điều tích cực vì khi xã hội quan tâm đến chất lượng đào tạo sẽ tạo ra yêu cầu, sức ép buộc các cơ sở đào tạo phải đầu tư tốt hơn và khắt khe hơn trong đánh giá để nâng chất lượng cao hơn. Bên cạnh đó cũng nên đánh giá một cách công bằng kết quả đào tạo dựa trên điều kiện đào tạo ở nước ta so với các nước phát triển. Nghiên cứu khoa học ở các cơ sở đào tạo của nước ta vẫn còn hạn chế do nguồn lực, trang thiết bị, điều kiện nghiên cứu chưa được đầu tư tốt như một số nước.

Bộ sẽ làm gì để cải thiện chất lượng đào tạo tiến sỹ trong thời gian tới?

Thời điểm ban hành Quy chế năm 2009, nếu đưa ra chuẩn cao để nhiều cơ sở đào tạo ngay lúc đó không đáp ứng được, đóng cửa, dừng tuyển sinh thì chính sách đó sẽ được coi là không khả thi. Sau 6 năm thực hiện Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ, Bộ GDĐT cũng nhận thấy cần phải nâng chuẩn đào tạo và từ 2015 đã có kế hoạch dự thảo Quy chế đào tạo trình độ TS mới thay thế Quy chế hiện hành. Ví dụ: những vấn đề về đào tạo TS theo hình thức tập trung, giảm số NCS/giảng viên là TS, PGS, GS… cũng đang được đặt ra trong quá trình xây dựng dự thảo.

Cảm ơn bà.

Theo Hoa Ban

Cùng chuyên mục
XEM