"Sẽ cố gắng giảm lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực trong năm 2017"
Phát biểu tại buổi họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2016 và định hướng giải pháp điều hành năm 2017, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong năm 2017 Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng giữ mặt mặt lãi suất cho vay hoặc nếu có điều kiện sẽ giảm một số đối tượng cụ thể so với năm trước.
Cân đối nguồn vốn hợp lý để giảm mặt bằng lãi suất
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm 2016 mặc dù có áp lực tăng nhưng với việc thực hiện linh hoạt các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất được giữ ổn định, một số tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Mặt bằng lãi suất huy động sau khi tăng 0,2-0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm thì từ tháng Tư đã ổn định, đặc biệt giữa tháng Tư và từ cuối tháng 9/2016, một số tổ chức tín dụng đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm khoảng 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay hiện phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Bà Hồng phân tích, lạm phát gia tăng trở lại, khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành tiếp tục ở mức lớn, đây là những yếu tố tác động đến điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
"Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn đặt mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất như năm 2016, nếu có điều kiện sẽ giảm cho đối tượng cụ thể," bà Hồng cho biết như vậy.
Cũng theo bà Hồng, năm 2017 tiếp tục điều hành qua thị trường liên ngân hàng qua kênh OMO với lãi suất hợp lý để các tổ chức tín dụng khó khăn huy động vốn trên thị trương này hông phải quay ra thị trường 1.
Phó Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng phải cân đối nguồn vốn, sử dụng nguồn vốn, chi phí hợp lý để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng cần tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu khi đó mới tiết kiệm được chi phí và đạt được mục tiêu giảm lãi suất.
Dự kiến tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 18%
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đến ngày 29/12/2016, tín dụng tăng 18,71% so với cuối năm 2015. Cơ cấu tín dụng diễn biến tích cực theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng, tập trung chủ yếu cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản chậm lại.
Cũng tính đến ngày 29/12/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 17,88%, huy động vốn tăng 18,38% so với cuối năm 2015.
Theo ông Long, tín dụng VND tăng cao trong khi tín dụng ngoại tệ tăng thấp, phù hợp với chủ trương chống đôla hóa của Chính phủ. Các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực, người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được hệ thống ngân hàng triển khai có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế.
Trong các định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2017, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như cho vay bất động sản; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tiếp tục cho phép tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu đến hết 31/12/2017.
Chính vì vậy, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2017 ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18%, tổng phương tiện thanh toán đạt từ 16-18%.