Savills: Thị trường bán lẻ đồ xa xỉ tại Việt Nam vẫn tốt....Louis Vuitton, Dior tiếp tục mở cửa hàng flagship tại Hà Nội

19/11/2020 10:57 AM | Kinh doanh

Vừa qua, với sự tư vấn của Savills Việt Nam trong việc nghiên cứu và tìm kiếm mặt bằng cho hai cửa hàng flaship, Louis Vuitton và Christian Dior đã chọn tòa nhà International Centre cho việc tiếp tục tham gia vào thị trường bán lẻ Hà Nội.

Được phát triển từ 1995, tòa nhà International Centre vừa trải qua quá trình cải tạo và phát triển toàn diện để có sự đồng nhất về kiến trúc với khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội. International Centre sở hữu vị trí đắc địa tại khu vực quận trung tâm Thủ đô, nơi quy tụ nhiều thương hiệu xa xỉ như Prada, Hermès, Gucci, Patek Philippe, Hublot, Christian Louboutin, Mont Blanc, Cartier, Hugo Boss, Bottega, Kenzo, Valentino.

Theo đánh giá của Savills, thị trường bán lẻ đồ xa xỉ tại Việt Nam vẫn khá ổn định với nhu cầu nội địa được ghi nhận không sụt giảm quá nhiều, dù lượng khách du lịch quốc tế có giảm. Các nhà bán lẻ vẫn giữ nhu cầu mạnh mẽ đối với các mặt bằng cao cấp, tại các vị trí đắc địa. Song, đi kèm với đó là áp lực về giá thuê ngày càng tăng.

Trên bình diện rộng hơn của thị trường bán lẻ, một số ngành hàng nhất định đang có đà phát triển mạnh với số lượng cửa hàng mới khai trương tăng trong các tháng gần đây. Công suất thuê nhìn chung vẫn ổn định, niềm tin về triển vọng thị trường của chủ nhà và khách thuê cũng tăng đáng kể so với trước đây.

Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội và bà Hoàng Diệu Trang - Quản lý cao cấp, Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội bắt đầu quá trình nghiên cứu và tư vấn tìm kiếm mặt bằng cho hai cửa hàng flagship của Louis Vuitton và Christian Dior từ tháng 12/2018 cho tới tháng 4/2020. Tính tới thời điểm hiện tại, quá trình thuê vừa chính thức diễn ra với mặt bằng hơn 1.000m2 cho cửa hàng của thương hiệu Louis Vuitton và hơn 500m2 cho cửa hàng của Christian Dior.

Đại diện Savills cho biết, trong bối cảnh thị trường hiện nay, Việt Nam đang được đánh giá là một trong số ít các quốc gia trong khu vực có chỉ số GDP tăng trưởng dương trong 2020, Việt Nam cũng được kỳ vọng tiếp tục duy trì kinh tế ổn định và phát triển ở mức nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tổng GDP của Việt Nam tăng trưởng ở mức 1,8% trong năm 2020 và nhanh chóng phục hồi trở lại mức 6,3% trong năm 2021.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhận được nhiều lời khen từ các quốc gia trên thế giới nhờ khả năng kiềm tỏa tốt dịch bệnh Covid-19. Điều này càng tạo nên triển vọng phục hồi mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam so với nhiều quốc gia ở khu vực. Thặng dư thương mại cũng là một yếu tố giúp đảm bảo giá trị đồng tiền ổn định, tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường Việt Nam. Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tăng nhanh chóng và đang ở giai đoạn thay đổi quyết định, với GDP bình quân đầu người đạt 3.000 USD, cho thấy tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng nội địa là rất lớn. Đây cũng là tín hiệu cho thấy nhu cầu về bất động sản sẽ ngày càng lớn và giá bất động sản tiếp tục tăng.

Mặt khác, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự gia tăng thu nhập của nhân công tại Trung Quốc sẽ tạo ra sự dịch chuyển trong lĩnh vực sản xuất và dòng vốn FDI vào Việt Nam. Đầu năm 2021, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV sẽ giúp bình ổn chính trị và đẩy nhanh phát triển kinh tế đất nước. Điều này dẫn đến các kỳ vọng lạc quan hơn về hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng và ngành Bất động sản sẽ hưởng lợi trực tiếp.

Thanh Ngà

Cùng chuyên mục
XEM