Sau giấy phép vận chuyển thương mại, Vietnam Airlines còn cần gì để bay thẳng đến Mỹ?
Ngoài Giấy phép vừa được Bộ Giao thông vận tại Mỹ cấp, Vietnam Airlines sẽ cần tiếp tục thực hiện thủ tục xin cấp phép tại các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ.
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines vừa chính thức được Bộ Giao thông vận tải Mỹ cấp Giấy phép vận chuyển thương mại hành khách, hàng hóa, bưu phẩm giữa Việt Nam và Mỹ. Đây là một trong nhiều điều kiện cần thiết để một hãng hàng không được phép bay đến Mỹ.
Boeing 787-10 được đánh giá là loại máy bay mới tiết kiệm nhiên liệu, có thể bay thẳng đủ tải đến Mỹ
Cụ thể, Vietnam Airlines được phép thực hiện các chuyến bay giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tới một số điểm đến của Mỹ, có thể thông qua các điểm trung chuyển tại Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Osaka, Nagoya (Nhật Bản). Các điểm đến tại Mỹ sẽ bao gồm Los Angeles, San Francisco (California); New York (New York), Seattle (Washington) và Dallas/Fort Worth (Texas). Hãng cũng có thể thực hiện các chuyến bay đi tiếp từ Mỹ đến các thành phố Vancouver, Montreal và Toronto của Canada.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng được cấp phép khai thác các đường bay từ điểm ngoài Việt Nam, qua Việt Nam và các điểm trung chuyển khác tới 25 điểm đến tại Mỹ dưới hình thức liên danh (codeshare). Đồng thời, giấy phép này cũng cho phép Vietnam Airlines được thực hiện các chuyến bay thuê chuyến (charter) giữa hai nước.
Tới thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải Mỹ cấp Giấy phép này. Đây là bước tiến quan trọng của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam trong việc chuẩn bị cho kế hoạch bay đến Mỹ trong thời gian tới. Ngoài Giấy phép đã được Bộ Giao thông vận tại Mỹ cấp, Hãng sẽ cần tiếp tục thực hiện thủ tục xin cấp phép tại các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ, gồm Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Tổ chức an ninh vận tải Mỹ (TSA), Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP), Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTBS) và một số cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác trước khi chính thức khai thác các chuyến bay đến Mỹ.
Trước đó, Vietnam Airlines và hãng hàng không lớn thứ hai tại Mỹ - Delta Air Lines đã ký kết mở rộng hợp tác liên danh linh hoạt hai chiều dự kiến từ tháng 10-2019. Nhờ hợp tác này, hành khách chỉ cần đặt chỗ và làm thủ tục chuyến bay một lần duy nhất với Vietnam Airlines hoặc Delta Air Lines để thực hiện hành trình đến Mỹ thông qua nối chuyến tại Tokyo (Nhật Bản) hoặc Frankfurt (Đức). Đây là bước đầu tiên để Vietnam Airlines thăm dò thị trường Việt - Mỹ, đồng thời tạo thói quen cho hành khách bay đến Mỹ trên các chuyến bay mang số hiệu của Vietnam Airlines.
Vào đầu năm 2019, sự kiện FAA cấp chứng nhận CAT 1 cho Cục Hàng không Việt Nam được coi là bước tiến mới của quan hệ hợp tác hàng không Việt - Mỹ. Đây là điều kiện tiên quyết về mặt kỹ thuật để các hãng hàng không Việt Nam có thể thiết lập dịch vụ bay thẳng đến Mỹ và liên danh với các hãng hàng không Mỹ.
Sau khi Cục Hàng không Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn, FAA sẽ tiếp tục đánh giá năng lực của từng hãng hàng không tại Việt Nam.
Bên cạnh rào cản pháp lý, chi phí khai thác cao, cạnh tranh gay gắt là những yếu tố khiến đường bay thẳng Việt - Mỹ tuy rất hấp dẫn song đến nay, sau gần 20 năm khởi động vẫn chưa được triển khai. Hãng United Airlines đã bay đến TP HCM từ 2007, sau 5 năm phải chấm dứt đường bay; hãng Delta Airlines cũng đã bay tới TP HCM và phải đóng đường bay sau đó. Hiện nhiều hãng hàng không khu vực khai thác đường bay đến Mỹ đưa ra giá vé từ 600 đến 800 USD/khứ hồi, với một điểm dừng tại nước thứ ba. Trong khi đó giá vé bay thẳng ở mức cao hơn rất khó cạnh tranh.
Bên cạnh đó, vấn đề an toàn kỹ thuật cũng là rào cản cần vượt qua của đường bay thẳng Việt - Mỹ. Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường nhận định để thực hiện ước mơ bay thẳng tới Mỹ, hãng hàng không phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng về điều kiện kỹ thuật khai thác máy bay. Cùng quan điểm, ông Hồ Minh Tấn, Trưởng phòng tiêu chuẩn an toàn bay (Cục Hàng không Việt Nam), cho rằng về điều kiện kỹ thuật, hãng hàng không Việt Nam có 2 phương án: Một là sử dụng máy bay của chúng ta để bay thẳng Mỹ, hai là thuê ướt để bay Mỹ, ví dụ khi United Airlines bay đến Việt Nam, chúng ta sẽ thuê lại máy bay của hãng bay để bay thẳng từ Việt Nam sang Mỹ. Đây là phương án khả thi hơn.