Sau cổ phần hóa, doanh nghiệp càng 'teo tóp'
Việc Cty Liên hợp xây dựng Vạn Cường - một doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông tiến hành thâu tóm Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso), và sau đó mua 65% Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đã đặt ra câu hỏi lớn về mục tiêu kinh doanh...
Ðể cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiệu quả, tránh tình trạng nhập nhằng giữa nguồn lực đất đai với ngành nghề kinh doanh. Cần tái cấu trúc, thay đổi cách định giá tài sản, đồng thời công khai minh bạch quá trình chào báo cổ phần để nhiều nhà đầu tư dễ tiếp cận.
Sau CPH, doanh nghiệp càng “teo tóp”
Việc Cty Liên hợp xây dựng Vạn Cường - một DN tư nhân hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông tiến hành thâu tóm Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso), và sau đó mua 65% Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đã đặt ra câu hỏi lớn về mục tiêu kinh doanh, bởi hai đơn vị bị thâu tóm không có hoạt động gì liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, cả 2 đơn vị đều có chung khối bất động sản quy mô lớn.
Với Vivaso, ngoài những cảng sông lớn nhất miền Bắc: Cảng Hà Nội, Hòa Bình, Việt Trì… còn có nhiều khu đất giá trị lớn như 158 Nguyễn Văn Cừ, 78 Bạch Đằng. Tại Hà Nội, Cảng Hà Nội cũng là một mảnh đất đắc địa, rộng hơn 14ha, thuộc phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng. Sau 2 năm CPH, Vivaso không mang tới sự bứt phá nào cho ngành vận tải đường thủy mà quy mô còn thu hẹp lại.
Đại diện UBND phường Thanh Lương cho biết, hiện nay khu vực Cảng Hà Nội chủ yếu cho thuê kho bãi, trong những lần kiểm tra trước đây, một số chưa đáp ứng được điều kiện về phòng cháy chữa cháy kho bãi. Cùng với đó, sau CPH bộ máy gần 200 cán bộ công nhân viên được sắp xếp lại chỉ còn 5 người. Tòa nhà trụ sở chính của Vivaso trên đường Nguyễn Văn Cừ cũng được đem cho thuê, trụ sở chuyển về Cảng Hà Nội.
Ða phần diện tích Cảng Hà Nội sau khi cổ phần hóa VIVASO được cho thuê làm nhà xưởng. Ảnh: Nguyễn Chương
Tương tự đối với VFS, đơn vị này cũng đang được quyền thuê và sử dụng 4 lô đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, ở Hà Nội có 3 lô: 5.443,5 m2 đất tại số 4 Thụy Khuê; 904,9 m2 đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám; 6.382,8 m2 đất ở Đông Anh tức trường quay Cổ Loa. Tại quận 1 TP HCM, VFS có một lô đất 1.208,72 m2 đất ở số 6 Thái Văn Lung.
Vào thời điểm vừa hoàn thành CPH, theo phản ánh của nghệ sĩ VFS thì các kho đạo cụ đã được Vivaso dọn sạch, trong đó có cả những đạo cụ đắt tiền, cầu kỳ phục vụ làm phim đề tài dã sử, chiến tranh… cũng bị đem “bán đồng nát”. Nhân sự được gom vào một phòng để sửa sang những phòng có mặt tiền Thụy Khuê nhằm mục đích cho thuê. Theo các nghệ sĩ, sau hơn 1 năm CPH, đến nay Vivaso vẫn chưa thực hiện được bộ phim nào. Mặc dù ông Nguyễn Thủy Nguyên (Chủ tịch HĐQT Vivaso) có viện lý do là bởi tranh chấp nhưng thực tế nhà đầu tư không hề có kế hoạch gì để phát triển điện ảnh như cam kết trước đó.
Xin trả lại cổ phần sau CPH
Đơn vị sự nghiệp công lập đầu tiên của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tiến hành CPH trong năm 2015 là Bệnh viện GTVT. Đây được xem là tiền đề để các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ chuyển sang hình thức cổ phần. Thế nhưng, chỉ sau hơn 2 năm hoạt động theo mô hình mới, nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn T&T đã có văn bản xin được thoái vốn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Tập đoàn T&T cho biết, sau khi chính thức trở thành cổ đông lớn và tham gia vào HĐQT, tập đoàn đã có những đổi mới trong quản trị, xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2025… Tuy nhiên, ngày 3/5 Văn phòng Chính phủ có quyết định về việc Bộ GTVT ngừng thoái vốn, giữ nguyên tỷ lệ sở hữu sau khi tăng vốn điều lệ tương ứng với giá trị quyết toán dự án ODA tòa nhà Bệnh viện. Như vậy, Nhà nước sẽ nắm giữ trên 71% vốn điều lệ thay vì 30% như thông tin ban đầu. “Với tỷ lệ nắm giữ sau khi tăng vốn (còn 30%), tập đoàn không thể tham gia quản trị, điều hành, cũng như quyết định chiến lược để xây dựng, phát triển bệnh viện được. Đây là lý do chúng tôi quyết định rút lui”, đại diện Tập đoàn T&T cho hay.
Đây là lần đầu tiên một cổ đông chiến lược xin thoái vốn nhà nước sau CPH. Không chỉ DN thoái vốn chịu thiệt hại bởi theo quy định của Nghị định 59/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành Cty CP thì nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng số cổ phần mua trong thời hạn tối thiểu 5 năm kể từ ngày Cty CP được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
Trường hợp đặc biệt cần chuyển nhượng số cổ phần trước thời hạn trên thì phải được đại hội đồng cổ đông chấp nhận. Trong trường hợp Nhà nước chấp thuận mua lại cổ phần thì phần vốn Nhà nước tại Bệnh viện lên tới gần 95%. Trong khi theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018, Cty CP Bệnh viện GTVT (pháp nhân hình thành sau khi cổ phần hóa Bệnh viện GTVT - PV) báo lỗ 16,3 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 74 tỷ đồng sẽ rất khó khăn trong hoạt động của Bệnh viện trong thời gian tới.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Quách Mạnh Hào (giảng viên Đại học Lincoln, Anh) cần thay đổi cách định giá tài sản Nhà nước theo hướng thị trường, các DNNN cần cấu trúc lại trước khi bán. Ngoài ra, cần công khai minh bạch quá trình chào bán cổ phần để tạo điều kiện cho nhiều DN tiếp cận hơn.
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết, thời gian qua có hiện tượng nhập nhằng giữa nguồn lực cụ thể là đất đai với ngành nghề kinh doanh. Chính phủ đã có yêu cầu DNNN sắp xếp lại, đất không dùng phải giao lại, doanh nghiệp nhà nước làm ngành nghề gì thì sau cổ phần hoá làm ngành nghề đó. Đảm bảo quyền lực nhà nước hiệu quả là một trong những vấn đề Chính phủ đưa ra.
Trường hợp CPH tại Cảng Khuyến Lương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đang khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về việc định giá doanh nghiệp gây thất thoát tài sản nhà nước. Theo đó, Cty TNHH MTV Cảng Khuyến Lương đang sử dụng 4 khu đất tại địa bàn quận Hoàng Mai. Sau CPH, phương án sử dụng đất là vẫn tiếp tục thuê đất của nhà nước, trả tiền hàng năm và không đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp. Sau khi CPH, Cty Liên hiệp Xây dựng Vạn Cường sở hữu chiếm 40% cổ phần.