Mật mỡ cổ phần hóa
Cổ phần hóa có những giai đoạn ì ạch như xe lu leo dốc khiến Chính phủ, chuyên gia kinh tế phải lên tiếng mạnh mẽ với nghi án lợi ích nhóm “níu kéo quyền lực sở hữu doanh nghiệp để chia chác”.
Chủ trương thoái vốn khỏi những lĩnh vực không cần nắm giữ, tạo động lực và sự cạnh tranh mới, sòng phẳng hơn cho khối doanh nghiệp nhà nước và cả khối tư nhân được Chính phủ liên tục nỗ lực thúc đẩy cả chục năm qua. Cổ phần hóa có những giai đoạn ì ạch như xe lu leo dốc khiến Chính phủ, chuyên gia kinh tế phải lên tiếng mạnh mẽ với nghi án lợi ích nhóm “níu kéo quyền lực sở hữu doanh nghiệp để chia chác”.
Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được ghi nhận có sự chuyển đổi đột biến như làn gió mới khi hàng loạt các doanh nghiệp ngành giao thông được ồ ạt chuyển giao chủ sở hữu. Các doanh nghiệp đi đầu trong việc bán vốn nhận vô vàn lời tuyên dương có cánh. Ít người nhớ đến những cảnh báo về việc tài sản nhà nước có thể bị rút ruột qua cổ phần hóa với giá bèo. Những ý kiến trái chiều về việc bán vốn giá rẻ tại nhiều doanh nghiệp làm ăn có lãi nhanh chóng bị “vùi dập” trước một loạt thông tin tích cực khác của doanh nghiệp sau khi chuyển chủ.
Hơn một năm trở lại đây, những ý kiến về mặt trái của việc thoái vốn nhanh khỏi những doanh nghiệp làm ăn có lãi lại được nhắc đến. Lác đác thông tin về những phi vụ làm ăn, chia chác trong cổ phần hóa, bán vốn nhà nước được nhắc tới. Theo thời gian, những vụ vi phạm nghiêm trọng trong cổ phần hóa cũng xuất hiện dày hơn trong thời gian gần đây.
Theo các chuyên gia, nhìn lại quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước từ năm 1991 đến nay, cho thấy còn không ít lỗ hổng dễ xẩy ra thất thoát tài sản hoặc biến tài sản nhà nước thành của riêng. Lỗ hổng lớn nhất cho tiêu cực và tham nhũng đã nằm ngay trong chính trong cách thức thực hiện cổ phần hóa DNNN.
Thực tế những năm qua cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp lớn đang đứng bên bờ vực phá sản, nhưng đã phất lên nhanh chóng chỉ trong vòng vài năm, nhờ giá trị đất đang sử dụng tăng vọt. Tài sản của nhiều ông lớn ngành địa ốc đã tăng lên gấp vài lần. Đó chính là nhờ những thủ thuật trong làm ăn, trong mua bán hoặc bằng cách liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp có thuê hay sử dụng đất vàng của nhà nước, rồi từng bước thâu tóm những mảnh đất vàng, xây dựng chung cư cao cấp để có thể kiếm nhiều chục tỷ thậm chí hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng.
Nghi án nhà nước thiệt hại nặng trong cổ phần hóa Công ty Bóng đèn Điện Quang được nhắc đến nhiều thời gian qua khi nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và người thân trong gia đình đã nghiễm nhiên qua một đêm trở thành những “ông chủ” mới của đơn vị này. Nhiều nghi vấn về biến tài sản nhà nước thành của riêng đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, viên chức nhà nước không thể thực hiện nửa vời vì nếu không đây sẽ là mảnh đất màu mỡ để hô biến tài sản nhà nước thành của riêng. Dư luận khó có thể chấp nhận sự thất thoát tài sản của Nhà nước, khi tài sản đó chưa bị thu hồi, bởi gánh nặng nợ công đang tăng, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn...