Sau bê bối phi công, hàng không Pakistan bị cấm bay đến châu Âu trong 6 tháng

01/07/2020 19:33 PM | Xã hội

Ngày 30/6, Cơ quan An toàn hàng không của Liên minh châu Âu cho biết, hãng hàng không quốc gia Pakistan sẽ không được phép bay vào châu Âu trong ít nhất 6 tháng.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Hàng không Pakistan tiết lộ vào tuần trước rằng gần 1/3 phi công Pakistan đã gian lận trong các kỳ thi lấy bằng phi công của họ.

Người phát ngôn của hãng hàng không quốc gia Pakistan (PIA) Abdullah Hafeez cho biết, PIA đã không bay tới châu Âu vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hãng hy vọng sẽ tiếp tục các chuyến bay của mình đến Oslo (Na Uy), Copenhagen (Đan Mạch), Paris (Pháp), Barcelona (Tây Ban Nha) và Milan (Italy) trong vòng 2 tháng tới.

Sau bê bối phi công, hàng không Pakistan bị cấm bay đến châu Âu trong 6 tháng - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay ngày 22/5 ở Karachi. (Ảnh: AP)

Cuộc điều tra về vụ tai nạn máy bay Airbus A320 vào ngày 22/5 khiến 97 người thiệt mạng tại cảng phía Nam thành phố Karachi đã dẫn đến một phát hiện gây sốc. Theo đó, 260 trong số 860 phi công ở Pakistan đã gian lận trong các kỳ thi phi công của họ nhưng vẫn được Cơ quan Hàng không dân dụng nước này cấp giấy phép.

Chính phủ Pakistan đã sa thải 5 quan chức của cơ quan quản lý liên quan đến vụ bê bối và đang xem xét các cáo buộc hình sự đối với những người này.

PIA hiện đã xác định 150 phi công thuộc diện gian lận trên.

Sau bê bối phi công, hàng không Pakistan bị cấm bay đến châu Âu trong 6 tháng - Ảnh 2.

Hàng không quốc gia Pakistan bị cấm bay đến châu Âu trong 6 tháng. (Ảnh: AP)

Cơ quan An toàn hàng không của Liên minh châu Âu nêu rõ, Pakistan hiện không đủ năng lực để chứng nhận và giám sát các nhà khai thác và máy bay theo tiêu chuẩn quốc tế hiện hành.

Các chuyên gia hàng không lo ngại, lệnh cấm của Liên minh châu Âu có thể sẽ ảnh hưởng đến các chuyến bay của PIA đến Vương quốc Anh và Canada vì máy bay của hãng sẽ không thể bay qua châu Âu, khiến các tuyến đường bay bị dài hơn.

Quỳnh Chi

Cùng chuyên mục
XEM