Sau bê bối ép rượu và quấy rối tình dục nhân viên nữ rúng động ở Alibaba, giới công nghệ Trung Quốc áp dụng các chính sách khắt khe hơn để bảo vệ nhân viên
Các công ty công nghệ Trung Quốc đã áp dụng các chính sách mới về quy tắc ứng xử tại nơi làm việc chống lại hành vi quấy rối tình dục sau vụ bê bối tại Tập đoàn Alibaba
Vụ bê bối tấn công tình dục tại Tập đoàn Alibaba đã gây ra phản ứng dữ dội trên mạng về văn hóa nơi làm việc. Điều này khiến các công ty khác tại Trung Quốc phải nghĩ cách đối phó hoặc tạo ra các chính sách mới ngăn chặn quấy rối tình dục tại nơi công sở.
Sau khi một nữ nhân viên cáo buộc cấp trên tấn công tình dục mình và cho rằng các quản lý khác đã che giấu việc này, Alibaba đã công bố các biện pháp để phòng ngừa nạn quấy rối tình dục, chẳng hạn như đưa ra các chính sách không khoan nhượng và đào tạo nhân viên thường xuyên. Công ty đã sa thải người bị cáo buộc và hai quản lý từ chức.
Gã khổng lồ thương mại điện tử cho biết họ đang thể chế hóa các biện pháp tích cực tại nơi làm việc bao gồm thành lập một nhóm chuyên kiểm tra và ngăn chặn các hành vi không phù hợp do nhân viên báo cáo.
Theo đó, những lời buộc tội được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và làm dấy lên làn sóng chỉ trích của công chúng. Trong đó, có người tố cáo rằng cô bị ép uống nhiều rượu trong một chuyến công tác, sau đó bị cả quản lý và một khách hàng quấy rối. Nhiều người cũng nhấn mạnh việc thiếu các biện pháp giải quyết hợp lý cho nhiều nhân viên bị quấy rối tình dục, bao gồm cả tại các công ty lớn nhất và nổi tiếng nhất của Trung Quốc.
Jill Tang, đồng sáng lập của tổ chức Ladies Who Tech có trụ sở tại Thượng Hải, chuyên thúc đẩy sự đa dạng giới trong ngành công nghệ của Trung Quốc cho biết: "Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh. Việc này được đưa vào thảo luận rất nhiều lần và khiến nhiều công ty nhận ra rằng họ thậm chí không có một nguyên tắc cơ bản nào để giải quyết những khiếu nại như vậy".
Luật chống quấy rối tình dục tại nơi công sở của Trung Quốc còn tương đối mới. Một điều khoản trong bộ luật dân sự mới của Trung Quốc có hiệu lực vào đầu năm nay quy định rằng các công ty và nơi làm việc nên thực hiện những biện pháp hợp lý để ngăn chặn quấy rối tình dục.
Tuy nhiên, Darius Longarino, thành viên cấp cao tại Trung tâm Paul Tsai Trung Quốc của Trường Luật Yale cho biết bộ quy tắc này thiếu các hình phạt cụ thể đối với các công ty không tuân thủ, điều này có thể khiến việc áp dụng rộng rãi và thực thi các chính sách trở nên khó khăn hơn. Ông nói: "Luật liên quan đến trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với hành vi quấy rối tình dục là khá mơ hồ nên còn rất yếu".
Các cáo buộc của Alibaba và phản ứng dữ dội sau đó đã khiến nhiều công ty tranh nhau áp dụng các quy tắc và đào tạo nghiêm ngặt hơn để chống lại quấy rối tình dục. Các công ty tư vấn cho biết đã nhận được hàng loạt câu hỏi từ các công ty Trung Quốc. Những thắc mắc này đều liên quan đến việc tìm kiếm sự trợ giúp về đào tạo chống quấy rối tình dục và các chính sách của công ty.
Ngay sau vụ bê bối của Alibaba, công ty iQiyi đã gửi một lá thư cho các nhân viên và thực tập sinh vào ngày 13/8 để thông báo về những thay đổi trong sổ tay nhân viên của mình. Những điều khoản mới này tỏ rõ lập trường công ty "kiên quyết phản đối" bất kỳ "quy tắc bất thành văn" nào có hại, đây là cách nói ám chỉ hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Với chín quy tắc mới được bổ sung, iQiyi đặc biệt nghiêm cấm mọi hình thức quấy rối, khuyến khích nhân viên tiếp tục làm việc một cách lành mạnh và báo cáo hành vi không phù hợp hoặc có hại. Hình phạt khi vi phạm từng quy tắc được liệt kê trong một tài liệu nội bộ riêng biệt.
Cùng lúc đó, Tập đoàn du lịch trực tuyến Trip.com cũng công bố quy tắc ứng xử chống quấy rối tình dục trong một email ngày 16/8. Chính sách được đưa ra cùng linh vật là một con cá heo hoạt hình, khuyến khích nhân viên phản đối quấy rối tình dục, cho dù dưới dạng lời nói, tin nhắn điện tử, văn bản, ảnh hay tiếp xúc cơ thể.
Các công ty Trung Quốc đã thông qua quy tắc ứng xử tại nơi làm việc chống lại hành vi quấy rối tình dục
Labors, một cơ sở chuyên tư vấn cho các công ty về các vấn đề liên quan đến luật lao động và quản lý, cho biết một số công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc đã liên hệ với nhau kể từ khi vụ bê bối Alibaba nổ ra. Họ đã bàn bạc để tìm kiếm giải pháp về cách các cáo buộc tấn công tình dục nên được xử lý như thế nào cho hợp lý.
Đồng thời, EnGender, một tổ chức cung cấp các dịch vụ tư vấn bao gồm quấy rối tình dục, cũng đã nhận được hơn 2.000 câu hỏi trong vài tuần qua. Được biết, con số này gấp 3-5 lần số yêu cầu mỗi tháng công ty nhận được trước vụ bê bối Alibaba.
Ước tính, khoảng một nửa số công ty liên hệ với EnGender không có chính sách chống quấy rối tình dục. Còn đối với những công ty đã có, điều này được đưa vào quy tắc ứng xử hoặc hợp đồng lao động nhưng thường không cụ thể lắm.
Một số nhân viên tại Pinduoduo, Xiaomi và Tập đoàn giải trí Tencent Music cho biết gần đây họ cũng đã nhận được lời nhắc từ cấp trên về các quy tắc chống quấy rối. Một nhân viên trong nhóm tiếp thị của Pinduoduo cho biết quản lý đã yêu cầu nhóm của cô xử lý các mối quan hệ kinh doanh với khách hàng, đối tác và nhà cung cấp một cách cẩn thận, đồng thời báo cáo nội bộ bất kỳ hành vi sai trái nào cho ban giám đốc.
Trong khi đó, một nhân viên của Xiaomi nói rằng trong một cuộc họp gần đây, một người quản lý đã lấy ví dụ về vụ bê bối của Alibaba và yêu cầu các thành viên trong công ty cẩn thận, không được phép để những điều tương tự xảy ra.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, một bài đăng trực tuyến của một thực tập sinh tại Tencent đã lan truyền sau khi anh ta chia sẻ ảnh chụp màn hình tin nhắn của mình với người sáng lập Tencent Mã Hóa Đằng và Chủ tịch Martin Lau yêu cầu họ giải quyết vấn đề quấy rối tình dục.
Người phát ngôn của Tencent cho biết họ không dung thứ cho bất kỳ hình thức quấy rối nào, bao gồm cả quấy rối tình dục và từ lâu, họ đã có các kênh để nhân viên chia sẻ mối quan ngại một cách bí mật.