Sắp về nhà chồng, cô gái 9X chia sẻ bảng chi tiêu Tết hết gần 30 triệu
Danh sách chi tiêu Tết của cô gái trẻ ở Thái Bình với số tiền lên đến gần 30 triệu.
Tết Quý Mão 2023 là cái Tết đầu tiên mà Thư Bùi (sinh năm 1995, nhân viên văn phòng) hiện đang sống tại Thái Bình có cảm giác hồi hộp hơn khi nghĩ về vấn đề chi tiêu Tết. Bởi lẽ, Thư vừa dạm ngõ vào giữa tháng 12, dự kiến sẽ kết hôn sau Tết Nguyên đán.
"Năm nay là cái Tết đặc biệt vì mình chuẩn bị lập gia đình nên tâm lý cũng khá lo lắng. Mình và chồng cũng đã có công việc ổn định và may mắn được hai bên gia đình hỗ trợ nên hiện tại chủ yếu về mặt tâm lý là hồi hộp là nhiều, còn tài chính thì không quá nặng nề", Thư chia sẻ.
Thư cho biết mặc dù không phải mua quá nhiều đồ đạc, thực phẩm trong gia đình nhưng vẫn có rất nhiều thứ cần phải chuẩn bị. Ngoài cho gia đình mình, thì Tết Nguyên đán năm nay Thư còn phát sinh thêm tiền mua sắm cho gia đình nhỏ (sắp tới) cũng như tiền quà tặng, lì xì bên gia đình chồng.
Danh sách chi tiêu Tết gần 30 triệu
Cũng giống như nhiều bạn trẻ khác, chi tiêu Tết năm nay của Thư sẽ bao gồm: Chi phí mua thực phẩm, bánh kẹo, tiền và quà biếu bố mẹ, tiền mừng tuổi, tiền mua hoa, trang trí nhà cửa, sắm sửa quần áo mới, đồ dùng mới. Trong đó, chi phí mua thực phẩm và tiền biếu hai bên gia đình thường tốn nhiều nhất trong tổng chi tiêu trong dịp Tết.
Theo Thư chia sẻ, bản thân sẽ biếu bố mẹ - ông bà 10 triệu, mua sắm cho gia đình nhỏ 5 triệu, mua quà tặng họ hàng nội ngoại 5 triệu, quần áo - làm tóc 3 triệu, lì xì khoảng 5 triệu. Các khoản chi tiêu của năm nay cũng sẽ tương tự như năm trước. Nhưng điều đặc biệt hơn là qua Tết sẽ tổ chức đám cưới nên năm nay, ngoài các khoản cố định như tiền biếu ông bà, bố mẹ, sẽ phát sinh thêm tiền mua sắm cho gia đình nhỏ (sắp tới) cũng như tiền quà tặng, lì xì bên gia đình chồng.
"Mình dự định chi khoảng 10 triệu cho 2 khoản này. Năm đầu lập gia đình nên mình cũng khá bỡ ngỡ, không biết số tiền này có hợp lý hay không. Nhưng tiêu chí của mình là mua sắm vừa đủ, chỉ mua những thứ cần thiết. Việc lì xì, quà cáp cũng không quá đặt nặng", Thư cho biết.
Năm nay cũng được tính là năm đầu Thư về nhà chồng thăm hỏi dịp Tết đến nên việc thăm hỏi, chúc Tết nhà chồng cũng là cần thiết. Vì thế mà khoản mừng tuổi năm nay sẽ phải chi nhiều hơn. Với người già, Thư dự định mừng tuổi từ 100.000 - 200.000 đồng/người, trẻ em thì 20.000 - 50.000 đồng/người.
"Mình cũng chẳng biết bao nhiêu là đủ cả, mua gì cũng phải suy nghĩ. Dù đã chi tiêu tiết kiệm nhưng có những khoản vẫn không thể không chi tiêu", Thư cho biết.
Sắm Tết bằng cách quẹt thẻ tín dụng kèm săn sale trên các sàn thương mại điện tử
Cuối năm có nhiều khoản chi tiêu như mua quà tặng họ hàng, sắm sửa cho gia đình, thì Thư thường quẹt thẻ tín dụng hoặc săn sale trên các sàn thương mại điện tử.
Năm nay, Thư vẫn chủ yếu đón Tết bên gia đình ngoại. Nên việc sắm Tết phần nhiều nhất vẫn là do bố mẹ cô lo. "Bố mẹ mình là người hay lo xa nên thường sắm Tết sớm, trước khoảng 1 tháng. Mình cảm thấy như thế khá thoải mái, siêu thị hay chợ cũng chưa quá đông, không phải chen lấn, đợi thanh toán, mình cũng có nhiều sự lựa chọn, và quan trọng là mức giá cũng mềm hơn".
Còn với Thư, cuối năm có nhiều khoản chi tiêu như mua quà tặng họ hàng, sắm sửa cho gia đình, thì cô thường quẹt thẻ tín dụng hoặc săn sale trên các sàn thương mại điện tử. Thanh toán bằng hình thức này cũng được hoàn tiền kha khá và quan trọng là Thư không phải lấy khoản tiền tiết kiệm cố định ra để mua sắm Tết.
"Bản thân mình là người sống khá tiết kiệm, tuy nhiên Tết là dịp đặc biệt nên cũng muốn chăm chút, sắm sửa cho gia đình. Các khoản chi tiêu của gia đình mình trước đây vẫn như vậy, mình thấy đó là hợp lý", Thư chia sẻ.