Sắp IPO với mức định giá 34 tỷ USD, Grab khởi động "bữa tiệc" của các startup công nghệ Đông Nam Á

12/04/2021 16:42 PM | Kinh doanh

Đây cũng là thời cơ để ngành Internet thể hiện uy lực trên bức tranh doanh nghiệp Đông Nam Á, nơi mà từ trước đến nay các định chế tài chính và những tập đoàn công nghiệp đang chiếm ưu thế.

Grab và Traveloka đang chuẩn bị lên sàn trong những tháng tới, khởi động "bữa tiệc lộ diện" của các công ty Internet châu Á.

Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết trong tuần này Grab sẽ lên sàn thông qua 1 công ty séc trắng (blank-check company) với sự hậu thuẫn của quỹ đầu tư tên tuổi từ T. Rowe Price đến Temasek. Gã khổng lồ trong lĩnh vực gọi xe chung được định giá ở mức hơn 34 tỷ USD.

1 kỳ lân khác là Traveloka của Indonesia cũng sẽ có bước đi tương tự, được định igas vào khoảng 5 tỷ USD, lên sàn qua 1 công ty SPAC được hậu thuẫn bởi các tỷ phú Richard Li và Peter Thiel.

2 thương vụ này mở đầu cho một loạt vụ IPO của các startup giá trị nhất tại khu vực Đông Nam Á, từ đối thủ của Grab là Gojek và công ty thương mại điện tử nổi tiếng Tokopedia cho đến PropertyGuru của Singapore. Qua đó các nhà đầu tư có cơ hội đặt cược vào sự bùng nổ của các startup công nghệ Đông Nam Á trong bối cảnh hậu Covid-19.

Đây cũng là thời cơ để ngành Internet thể hiện uy lực trên bức tranh doanh nghiệp Đông Nam Á, nơi mà từ trước đến nay các định chế tài chính và những tập đoàn công nghiệp đang chiếm ưu thế. Về dài hạn, giới quan sát kỳ vọng các công ty công nghệ sẽ tiếp tục giữ vững sức hút giống như ở Trung Quốc và Mỹ.

"Chúng tôi đã chứng kiến xu thế tương tự ở các thị trường phát triển hơn, giờ chính là thời kỳ vàng son của Đông Nam Á", Rajive Keshup, giám đốc quỹ đầu tư Cathay Capital đang quản lý 4 tỷ USD tài sản nhận xét. "Các thương vụ này sẽ kéo theo rất nhiều vốn chảy vào Đông Nam Á, và đó là 1 chỉ báo rất tốt về sức khỏe của kinh tế khu vực".

Tại Đông Nam Á, nơi chiếm khoảng 1/10 dân số thế giới và có những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới như Indonesia, ngành công nghệ vẫn đang ở mức thấp hơn đáng kể so với tiềm năng. Là nơi có số lượng người dân sử dụng smartphone tăng trưởng nhanh nhất thế giới, có đà tăng trưởng kinh tế hùng mạnh và những chính sách khuyến khích đầu tư vào công nghệ nhưng khu vực này vẫn chưa có công ty công nghệ lớn nào niêm yết cho đến khi Sea trở thành công ty đại chúng năm 2017.

Trước tiềm năng của Đông Nam Á, nhiều tập đoàn quốc tế như Amazon của Mỹ hay nhưng ông lớn đến từ Trung Quốc như Tencent và Alibaba đều đã tiếp cận thị trường này, coi Đông Nam Á là chìa khóa giúp họ đạt được những tham vọng toàn cầu.

Một phần nguyên nhân là từ những yếu tố bên ngoài. Dòng tiền đang rời khỏi các ông lớn công nghệ Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh thực hiện chiến dịch giảm bớt tấm ảnh hưởng của Alibaba vào năm ngoái. Căng thẳng Mỹ - Trung cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Trung Quốc đang niêm yết cổ phiếu tại các sàn chứng khoán Mỹ. Cùng lúc đó là những lo ngại về bong bóng cổ phiếu công nghệ.

Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất là các nhà đầu tư tin vào tiềm năng của các công ty công nghệ Đông Nam Á. Một nghiên cứu của Google, Temasek và Bain dự báo đến năm 2025 nền kinh tế internet của Đông Nam Á sẽ tăng trưởng gấp 3, có quy mô lên đến hơn 300 tỷ USD.

Để có thể tận dụng sự hào hứng của nhà đầu tư nhanh hơn, nhiều startup vẫn đang thua lỗ như Grab và Traveloka chọn cách niêm yết thông qua các công ty SPAC. Bằng cách này, họ có thể lên sàn chỉ sau vài tuần, so với quãng thời gian 12 tháng để hoàn tất quá trình IPO theo cách thông thường.

Và có lẽ họ cũng bị hấp dẫn bởi đà tăng trưởng ngoạn mục của cổ phiếu Sea. Trong số các công ty có giá trị từ 100 tỷ USD trở lên, công ty mẹ của Shopee đã nổi lên là cổ phiếu tăng mạnh nhất châu Á kể từ đầu năm ngoái và trên toàn cầu cũng chỉ đứng sau Tesla.

Gojek và Tokopedia, 2 startup công nghệ giá trị nhất Indonesia, đang tìm kiếm sự chấp thuận của nhà đầu tư để tiến hành M&A và tạo ra công ty internet lớn nhất Indonesia trước khi thực hiện IPO kép.

An Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM