Sắp có thêm đợt nới room tín dụng mới, ngân hàng nào sẽ được cấp hạn mức cao nhất?

25/05/2022 08:41 AM | Kinh doanh

Chưa hết nửa đầu năm, nhiều ngân hàng đã dùng gần sạch hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao lần đầu và đang chờ đợi phê duyệt hạn mức tín dụng mới. Giới phân tích dự báo, NHNN sẽ có một đợt nới room tín dụng trong quý II.

Nhiều ngân hàng đã chạm trần room tín dụng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng hết quý I đạt 5,04%, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng đã cho vay tiệm cận hạn mức tín dụng được cấp đầu năm và kỳ vọng sẽ được cấp thêm room trong quý II/2022.

Chia sẻ với cổ đông tại đại hội vừa qua, Chủ tịch Vietcombank cho biết, tăng trưởng tín dụng đến cuối quý I đạt 7% và đến ngày 29/4 là 8,8% - mức tăng tương đối tốt so với mặt bằng chung của ngành ngân hàng.

Như vậy, so với mức tín dụng đã được cấp chính thức là 10%, Vietcombank đã sử dụng gần hết room tín dụng đã được cấp và đang chờ được NHNN nới thêm room.

Tại MB, CEO Lưu Trung Thái cũng từng tiết lộ ngân hàng đã được cơ quan quản lý giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15% và kỳ vọng sẽ được nới thêm trong thời gian tới. Trong năm 2022, MB có kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng đột biến.

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), MB đã gần chạm mức tín dụng tạm cấp trong quý I là 14,8% và đang chờ đợi phê duyệt hạn mức tín dụng mới.

Trong khi đó, ban lãnh đạo ACB cho biết đã nộp đơn xin NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng và kỳ vọng có thể có được room mới từ cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 năm nay để có thêm dư địa cho vay.

Đến cuối quý I/2022, tổng dư nợ cho vay của ACB đạt 380.000 tỷ đồng (tăng 5% so với đầu năm 2022) và 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt mức 8% so với đầu năm nay, với động lực chính đến từ cho vay ngắn hạn đối với những phân khúc khách hàng chiến lược (cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ - SME).

Tại báo cáo về ngành ngân hàng mới phát hành, SSI Research cho biết đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng cao chưa từng có tại các ngân hàng quốc doanh (+6,4% so với đầu năm), với động lực là các khoản cho vay ngắn hạn. VietinBank gần đạt hạn mức tín dụng được cấp ban đầu vào cuối tháng 3 (+9% so với đầu năm) với việc đẩy mạnh giải ngân cho các doanh SME. Trong khi đó, các ngân hàng tư nhân có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao (ngoại trừ HDBank) có số dư trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục mở rộng.

Ngân hàng nào sẽ được nới room tín dụng nhiều nhất?

Năm 2021, NHNN đã có 2 đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Lần 1 diễn ra vào trung tuần tháng 7 và lần 2 thực hiện vào cuối tháng 11. NHNN từng nhiều lần cho biết, room tín dụng cấp sẽ dựa trên chất lượng tài sản, quy mô hoạt động của từng ngân hàng.

Trong năm ngoái, TPBank là nhà băng được cấp room tín dụng cao nhất, lên đến 23,4%; ba ngân hàng khác được cấp hạn mức trên 21% bao gồm Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). Theo sau lần lượt là VIB (19,1%), VPBank (17,1%), Vietcombank (15%), OCB (15%), ACB (13,1%), VietinBank (12,5%), BIDV (12%),...

Năm 2022, nhiều tổ chức phân tích ước tính tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức cao hơn khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục. Do vậy, các ngân hàng cũng sẽ được cấp room tín dụng nhiều hơn nhằm tạo điều kiện mở rộng cho vay, hỗ trợ khách hàng. Trong đó, những nhà băng tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém như Vietcombank và MB sẽ có cơ hội tăng trưởng ở mức rất cao.

BVSC dự báo, MB có thể sẽ được nới 'room' tăng trưởng tín dụng lên 30-35% nhờ tiếp nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Còn Vietcombank sẽ được cấp hạn mức tín dụng tốt với dư nợ cho vay khách hàng dự báo tăng trưởng 16%.

SSI Reseach nhận định, do hầu hết các ngân hàng đã gần chạm hạn mức tín dụng được NHNN cấp ban đầu vào cuối quý I/2022, Vietcombank và MB có thể sẽ có một số lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng khác trong vài tháng tới.

Trước đó, lãnh đạo Vietcombank và MB đều kỳ vọng việc tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém sẽ giúp ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh, mang lại lợi ích cho cổ đông.

Theo Chủ tịch Phạm Quang Dũng, với phương án nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD, Vietcombank sẽ được ưu tiên tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 và các năm tới đây. Và ngân hàng sẽ có những giải pháp cần thiết để khai thác tối ưu room tăng trưởng tín dụng được ưu tiên.

Trong khi CEO MB cho biết, việc nhận chuyển giao bắt buộc TCTD có một phần vì nhiệm vụ chính trị, nhưng chủ yếu là tự nguyện. "Lý do là trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu tăng trưởng của chúng ta đang lớn hơn khả năng được Ngân hàng Nhà nước cho phép. MB có thể tăng trưởng dư nợ tín dụng 30-35% nhưng chỉ được phép tăng 20-25%", ông Lưu Trung Thái bày tỏ.

Về phía cơ quan quản lý, ngay từ đầu năm, NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14% nhỉnh hơn so với kết quả đạt được trong năm 2021. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể điều chỉnh vào cuối năm tùy vào tình hình thực tế.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng cao trong quý I cho thấy nền kinh tế đang có tín hiệu rất tích cực, đồng thời chứng minh các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ rất hiệu quả; đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp cũng đã trở lại bình thường.

''Mức tăng như trên so với các năm trước là mức rất cao. Cuối năm chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh để mức tín dụng sao cho đảm bảo phù hợp mục tiêu chính sách tiền tệ vĩ mô cũng như kiểm soát lạm phát'', ông Tú cho hay.

Theo Quang Hưng

Cùng chuyên mục
XEM