Sắp có một cảng trung chuyển quốc tế đầu tư 5,4 tỷ USD, đóng góp cho ngân sách 40.000 tỷ đồng/năm
Cảng trung chuyển quốc tế này khi hình thành sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 lao động tại cảng và hàng chục nghìn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics...
Sẽ có cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ
Ngày 18/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thực địa, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của huyện Cần Giờ.
Sau khi nghe báo cáo và khảo sát thực địa, tại cuộc làm việc sau đó tại trụ sở UBND huyện Cần Giờ, Thủ tướng giao TPHCM phối hợp với các cơ quan đẩy nhanh công tác xây dựng quy hoạch Thành phố gắn với quy hoạch vùng Đông Nam Bộ và bổ sung quy hoạch Cần Giờ theo hướng góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông chiến lược cho TPHCM và cả khu vực; quan tâm công tác bảo vệ môi trường; chú trọng giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp; sử dụng, khai thác tối đa không gian ngầm trong lòng đất trong khu vực.
Quy hoạch Cần Giờ cần tính tới hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế, các dự án dân cư, du lịch, lấn biển…
Liên quan tới dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, mới đây, Sở Giao thông vận tải TPHCM đã trình UBND Thành phố kết quả lập đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại huyện Cần Giờ.
Theo báo cáo của Công ty tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển Portcoast (đơn vị tư vấn), vị trí cảng nằm tại khu vực cù lao Phú Lợi nằm ở cửa sông Cái Mép (thuộc huyện Cần Giờ), kết nối thuận lợi với luồng hàng hải và luồng đường thủy. Khu vực này nằm trong vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và việc xây dựng cảng không ảnh hưởng đến vùng lõi khu dự trữ sinh quyển.
Với tổng vốn đầu tư dự kiến 5,4 tỷ USD, cảng Cần Giờ sẽ được đầu tư khai thác với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tối ưu hóa hoạt động.
Theo lộ trình, công tác chuẩn bị đầu tư sẽ được triển khai từ năm 2023 đến năm 2024. Từ năm 2024 đến năm 2026 triển khai xây dựng và đưa vào khai thác cảng từ năm 2027. Quy mô đầu tư bến cảng đề xuất xây dựng cho tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000 DWT. Tổng chiều dài bến chính và bến sà lan lần lượt là 6,8 km và 1,9 km.
Về nguồn vốn, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, công trình phụ trợ, trung tâm dịch vụ logistics... sẽ được đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp (nhà đầu tư). Còn hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng sẽ đầu tư bằng vốn ngân sách, hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khi hình thành sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại; tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 nhân viên, lao động tại cảng và hàng chục nghìn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics...
Dự kiến giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh, cảng đóng góp trực tiếp cho ngân sách thông qua các khoản thuế, phí ước tính từ 34.000 - 40.000 tỷ đồng/năm.
Cảng nằm ở vị trí cù lao độc lập, hiện tại chưa có hệ thống giao thông kết nối đường bộ đến cảng. Để kết nối giao thông, từ nay đến năm 2030, Thành phố sẽ làm cầu Cần Giờ kết nối huyện Cần Giờ với huyện Nhà Bè. Cùng với đó là nâng cấp mở rộng đường Rừng Sác, xây nút giao tuyến này kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Sau năm 2030, Thành phố làm đường kết nối từ vị trí xây dựng cảng với đường Rừng Sác. Đường trên cao dọc theo đường Rừng Sác, từ nút giao đường Rừng Sác và cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh đến nút giao đường kết nối cảng tại xã Long Hòa sẽ được xây dựng. Thành phố cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng tuyến metro dọc theo đường Rừng Sác kết nối từ khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến metro số 4 tại huyện Nhà Bè.
Thủ tướng yêu cầu Thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các công việc tiếp theo theo thẩm quyền, làm việc với các nhà đầu tư để thúc đẩy triển khai.
Theo Thủ tướng, cảng Cần Giờ có khả năng thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia và các cảng quốc tế, không cạnh tranh với Cái Mép - Thị Vải mà bổ sung, phối hợp để phát huy tốt nhất các thế mạnh.
Tiềm năng phát triển kinh tế của Cần Giờ
Cần Giờ là huyện ven biển, nằm về phía Đông Nam TP.HCM, trung tâm huyện là thị trấn Cần Thạnh. Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của Thành phố giáp biển với 23 km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh.
Huyện có tổng diện tích tự nhiên hơn 71.300 ha, chiếm 1/3 tổng diện tích toàn Thành phố, trong đó trên 70% là diện tích rừng ngập mặn và sông rạch.
Cần Giờ giáp ranh với huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), huyện Châu Thành, thị xã Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) về phía Đông và Đông Bắc. Giáp với huyện Cần Đước, huyện Cần Giuộc( tỉnh Long An) huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) về phía Tây. Giáp với huyện Nhà Bè (TP.HCM) về phía Tây Bắc. Phía Nam giáp với Biển Đông.
Rừng Cần Giờ có chức năng chính là phòng hộ, có vị trí quan trọng về quốc phòng, nhưng đồng thời cũng mở ra triển vọng to lớn về du lịch sinh thái. Do tính năng quan trọng của rừng phòng hộ Cần Giờ, năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ được tổ chức UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển”.
Biển là nguồn lợi to lớn của Cần Giờ. Trong cơ cấu phát triển kinh tế của huyện ngay từ sau giải phóng, ngành thủy sản luôn được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 38%, tăng gấp đôi so với chỉ tiêu kế hoạch là 19%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 25,6% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện. Thu ngân sách nhà nước đạt 161,3% dự toán TPHCM giao (vượt 61,3% kế hoạch); giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 95% kế hoạch vốn TPHCM giao. Số lượng khách du lịch đạt trên 3 triệu lượt khách, tăng gấp đôi chỉ tiêu kế hoạch. Doanh thu 2.114 tỷ đồng (doanh thu tăng 2,2 lần so với năm trước).
Tổng giá trị sản xuất 2 năm 2021 - 2022 tăng bình quân 10,2%/năm; 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Ở thời điểm hiện tại, 6/6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 3/6 xã xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ giảm hộ nghèo đạt vượt 58,25% và tỷ lệ giảm hộ cận nghèo đạt vượt 13,52%; thu nhập bình quân của hộ nghèo từ 25,31 triệu đồng/người/năm (năm 2020) tăng lên 32,1 triệu đồng/người/năm (năm 2022)…
So với các quận, huyện khác của TPHCM, huyện Cần Giờ được đánh giá có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng hàng đầu khu vực. Với tiềm năng của huyện Cần Giờ thì phát triển du lịch sẽ thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Hiện tại, huyện Cần Giờ đang phối hợp với các sở, ban ngành để xây dựng chương trình phát triển các sản phẩm, đặc sản của huyện để đa dạng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, du lịch, tạo ra sinh kế, thu nhập cho người dân.