Sáng tạo + quyết liệt = 7.000 tỷ đồng
Vụ vải thiều tỉnh Bắc Giang năm nay ở giữa tâm dịch COVID-19 nhưng lại thành công hơn cả mong đợi; mang về hơn 6.800 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so với năm ngoái. Tại huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) đạt 900 tỷ đồng, vượt 200 tỷ đồng so với năm ngoái. Một mùa vải bội thu để lại nhiều bài học quý giá cho việc sản xuất, tiêu thụ nông sản Việt.
Ðược mùa, được giá
Ông Trần Văn Lân ở xã Nam Dương (huyện Lục Ngạn) có hơn 30 năm gắn bó với cây vải, nhưng chưa năm nào “thót tim” như vụ vải năm nay. Lão nông này cho biết, trước khi bước vào vụ vải, gia đình ông rất lo lắng vì dịch COVID-19 hoành hành lo không bán được vải. “Thế nhưng, tổng kết vụ vải này, gia đình tôi thắng lớn”, ông Lân hồ hởi. Ông Lân nhẩm tính, với hơn 3 ha vải, đạt sản lượng gần 40 tấn, giá gần 30.000 đồng/kg. Cả vụ, ông thu về gần 1,1 tỷ đồng, trừ chi phí, gia đình ông lãi khoảng 900 triệu đồng.
Ông Lục Văn Tặng ở xã Hộ Đáp, huyện Lục Ngạn cũng không giấu nổi niềm vui trước một vụ vải bội thu. Năm nay, vườn vải của ông đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản. Bởi vậy, doanh nghiệp về tận vườn nhà ông đặt hàng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. “Cả vườn vải nhà tôi có 8 tấn đều được xuất khẩu sang Nhật với giá ổn định hơn 30.000 đồng/kg. Năm nay, tôi thu hơn 240 triệu đồng, trừ chi phí lãi 180 triệu đồng”, ông Tặng cho biết.
Ông Tặng thông tin, vào thời điểm tháng 2, cây vải bắt đầu ra hoa, cũng là lúc dịch COVID - 19 có diễn biến phức tạp ở trong nước và ngoài nước, nhất là ở Trung Quốc (thị trường tiêu thụ vải lớn nhất) nên nhiều người trồng vải nghĩ rằng việc bán loại quả này gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, không ít người bỏ bê việc chăm sóc cây vải dẫn đến năng suất thấp. Khi thấy giá vải năm nay khá cao và ổn định từ đầu đến cuối vụ, những người này tiếc hùi hụi. “Bà con trồng vải năm nay phấn khởi vì được giá. Các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ hiệu quả cho việc tiêu thụ vải thiều của bà con nông dân”, ông Tặng nói.
“Ngay từ đầu năm, tỉnh Bắc Giang xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều để kịp thời ứng phó với sự biến động của thị trường và tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức trực tuyến xúc tiến thương mại ở 62 điểm cầu trong nước và 4 điểm cầu ở nước ngoài. “Tôi cùng với Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang trực tiếp lên nằm vùng ở cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai để kịp thời nắm bắt, xử lý vướng mắc trong việc xuất khẩu vải thiều”, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang
Mở cơ hội xuất sang thị trường khó tính
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, giá bán vải thiều năm nay cao gần bằng năm trước, với mức bình quân đạt 31,2 nghìn đồng/kg, tuy nhiên tổng sản lượng vải đạt gần 165 nghìn tấn, tăng 15 nghìn tấn so với vụ trước. “Vì thế, tổng giá trị thu được từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 6.830 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so với vụ vải năm 2019. Trong đó, thu từ vải đạt hơn 5.100 tỷ đồng; thu từ dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 1.700 tỷ đồng”, ông Phương nói.
Theo ông Phương, tính đến thời điểm này, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được gần 165 nghìn tấn vải. Trong đó, huyện Lục Ngạn 93,2 nghìn tấn; Lục Nam 33,1 nghìn tấn; Tân Yên 16 nghìn tấn; Yên Thế 8,6 nghìn tấn; Lạng Giang 6 nghìn tấn và Sơn Động 5,4 nghìn tấn…
Ông Phương cho biết thêm, thị trường tiêu thụ vải Bắc Giang năm nay có sự dịch chuyển theo hướng tích cực, đó là tăng thị phần trong nước. Theo đó, sản lượng tiêu thụ nội địa chiếm 52,5%, thị trường xuất khẩu 47,5%. Năm nay, vải thiều tỉnh Bắc Giang đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản, với tổng sản lượng khoảng 200 tấn. Việc này, mở ra cơ hội để quả vải Bắc Giang xuất sang các thị trường khó tính khác, như Mỹ, châu Âu… có giá cao và ổn định.
Báo cáo của huyện Thanh Hà (một vùng trồng vải lớn thuộc tỉnh Hải Dương) mới đây cho hay, sản lượng vải năm nay đạt khoảng 28.000 tấn, trong đó 23.000 tấn vải sớm, 5.000 tấn vải thiều. Doanh thu từ vải dự kiến đạt 900 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với năm ngoái. Năm nay, vải tiêu thụ thuận lợi, giữ mức giá cao, ổn định.
Bán vải qua Wechat
Bà Nguyễn Thị Hương ở thị trấn Cao Thượng (huyện Tân Yên) có thâm niên gần 20 năm làm ăn với thương nhân Trung Quốc. Hằng năm, cứ đến vụ vải, bà và bạn hàng người Trung Quốc lại đến huyện Lục Ngạn thuê địa điểm để cân vải thiều. Năm nay, dịch COVID - 19 đã đảo lộn quy trình đó, bạn hàng lâu năm của bà ở bên kia biên giới không sang Bắc Giang được do dịch.
Tuy nhiên, vụ vải năm nay, bà Hương vẫn mua bán bình thường với người Trung Quốc qua mạng Wechat. Theo đó, hằng ngày, bà quay hình ảnh vải thiều mà người dân mang đến điểm cân, rồi truyền qua mạng Wechat để thương nhân Trung Quốc xem và quyết định mua hàng. Sau đó, bạn hàng người Trung Quốc báo số lượng và chuyển tiền cho bà. “Mỗi ngày tôi thu mua cho họ khoảng 10 tấn vải thiều. Tôi làm ăn với người Trung Quốc lâu năm nên họ tin tưởng mình”, bà Hương cho biết.
Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn thông tin, năm nay thương nhân Trung Quốc trực tiếp sang thu mua vải ở huyện này giảm so với các năm trước, tuy nhiên, việc tiêu thụ loại quả này không bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, thông qua mạng Wechat, thương nhân Trung Quốc vẫn mua bán với đối tác cân vải truyền thống ở tỉnh Bắc Giang. “Tôi ước lượng có hơn 200 điểm cân vải ở huyện Lục Ngạn giao thương với người Trung Quốc qua mạng Wechat”, ông Thi cho hay.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang cho biết thêm, khi các thương nhân Trung Quốc đến huyện Lục Ngạn, dù trong thời gian cách ly ở khách sạn, nhưng họ đã thu mua vải thiều với đối tác người địa phương qua mạng xã hội, giúp giá vải thiều tăng lên 7.000 đồng/kg so với trước. Năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ vải thiều lớn nhất, với tổng sản lượng khoảng 77 nghìn tấn (chiếm hơn 90 % sản lượng vải thiều xuất khẩu).
Đánh giá về thành công của việc tiêu thụ vải thiều năm nay, ông Nguyễn Văn Phương cho rằng, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đã chủ động trong việc xúc tiến thương mại, gắn kết mối liên hệ giữa 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp).