Sandbox là cơ chế phù hợp để khuyến khích phát triển các dịch vụ mới lĩnh vực Fintech

21/08/2019 08:48 AM | Kinh doanh

Bàn về chính sách quản lý Fintech, các chuyên gia cho rằng, Sandbox là một cơ chế phù hợp để khuyến khích những dịch vụ mới ra đời, phát triển thị trường theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp mới làm những gì mà pháp luật không cấm.

Tại Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ vừa được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt ngày 12/8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước được giao các nhiệm vụ: xây dựng quy định các giao dịch thanh toán xuyên biên giới thông qua cổng thanh toán do Ngân hàng Nhà nước cấp phép; phối hợp với các Bộ, ngành để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý hoạt động thanh toán điện tử đối với việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới được các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp từ bên ngoài lãnh thổ vào Việt Nam; nghiên cứu cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng; và nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm (Sandbox – PV) cho hoạt động Fintech trong hoạt động ngân hàng.

Trao đổi tại buổi tọa đàm “Chính sách quản lý Fintech” được Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) và chuyên trang ICTnews của báo VietNamNet tổ chức ngày 20/8, đánh giá về chính sách với Fintech tại Việt Nam, Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký VAFI cho rằng, mặt bằng chung đã khá tốt. Cụ thể, ngoài 2 văn bản pháp luật chính là Nghị định 101 năm 2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và Thông tư 39 năm 2014 hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán đều đang được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xây dựng cơ chế thí điểm đối với dịch vụ cho vay ngang hàng, đề án thử nghiệm với hoạt động Fintech và đề án thí điểm Mobile Money.

Nhấn mạnh một trong những việc quan trọng cần làm là cải cách thể chế, tháo gỡ những khó khăn từ cơ chế là “nhiệm vụ số một” để khuyến khích đầu tư kinh doanh lĩnh vực CNTT trong đó có Fintech, ông Tuấn thẳng thắn chỉ rõ, vẫn có những lĩnh vực cần phát triển thêm như các dịch vụ mới trong Fintech.

“Chẳng hạn như, trong giao dịch điện tử, có rất nhiều thay đổi nhanh chóng, nhiều loại dịch vụ hiện tại đã có trên thị trường song chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nào. Vì thế, chúng tôi cho rằng cơ chế Sandbox là một cơ chế rất phù hợp để khuyến khích những dịch vụ mới ra đời, phát triển thị trường hơn theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp mới làm những gì mà pháp luật không cấm”, ông Tuấn đề xuất.

Mặt khác, vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAFI đánh giá, định hướng ban hành chính sách hiện nay dường như vẫn theo hướng tăng cường quản lý, siết chặt kiểm soát với Fintech nhiều hơn là tạo điều kiện phát triển trước và quản lý sau theo cơ chế Sandbox.

Theo phân tích của đại diện VAFI, có 2 lỗi thường xảy ra khi cơ quan quản lý nhà nước đặt ra quy định pháp luật cho các lĩnh vực mới: quy định quá chặt chẽ, quá nhiều để đảm bảo các hoạt động đó có thể diễn ra an toàn; hay quy định quá lỏng dẫn đến chuyện có thể có những sai phạm do chưa có quy định pháp luật. “Qua các nghiên cứu khác nhau trong nhiều năm về lĩnh vực pháp luật quản lý cạnh tranh, hạn chế chống độc quyền, chúng tôi thấy rằng, lỗi dạng 1 là lỗi không tốt khi so sánh với lỗi dạng 2”, đại diện VAFI nêu quan điểm.

Đại diện VAFI cũng nhấn mạnh: "Nếu tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, Fintech phát triển theo cơ chế Sandbox sẽ phù hợp hơn, tạo điều kiện tốt hơn. Nếu chúng ta muốn Việt Nam phát triển theo đúng chủ trương tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0, để Việt Nam có thể đuổi kịp, nhảy cóc, bỏ qua các giai đoạn phát triển ban đầu thì có lẽ nên áp dụng những định hướng phát triển với sự kiểm soát mở rộng hơn, thoải mái hơn, thể hiện rõ ràng quan điểm quan điểm quản lý cũng như cơ chế Sandbox".

Sandbox là cơ chế phù hợp để khuyến khích phát triển các dịch vụ mới lĩnh vực Fintech - Ảnh 1.

Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm "Chính sách quản lý Fintech". (Ảnh: Minh Sơn)

Bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của đại diện VAFI, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Kinh tế Việt Nam nhận xét: “Đối với Fintech, về cơ bản nếu chúng ta đã có cơ chế Sandbox thì mặc dù có rủi ro, điều kiện có thể thay đổi nhưng tác động, hậu quả sẽ không quá lớn”.


Cũng tại tọa đàm, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Ngân hàng Nhà nước trong quá trình xây dựng các chính sách cũng như các quy định pháp lý đã hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bằng các chính sách, giải pháp rất cụ thể.

“Sandbox cũng là một trong những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu và là một đơn vị đi đầu trong các bộ ngành về việc đề xuất tham mưu Chính phủ cho phép triển khai vấn đề này. Điểm cân bằng là làm sao để thỏa mãn nhu cầu, yêu cầu của quản lý nhà nước cũng như nhu cầu của người sử dụng và các doanh nghiệp liên quan là câu hỏi không dễ trả lời. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng là đảm bảo quyền lợi của người sử dụng, kiểm soát được rủi ro và đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của các chính sách của cơ quan quản lý”, ông Sơn chia sẻ.

Viện dẫn và so sánh với quan điểm quản lý Fintech của Anh, ông Sơn cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có cách tiếp cận cởi mở hơn, đó là tạo ra những cơ chế tốt để quản lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Fintech phát triển lớn mạnh nhanh chóng thời gian qua. “Trong Thông tư 39 và Nghị định 101 sửa đổi, Ngân hàng Nhà nước sẽ nới lỏng nhiều nội dung nhưng đồng thời cũng thắt chặt một số nội dung khác để các doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả”, ông Sơn thông tin thêm.

Theo M.T

Từ khóa:  sandbox , fintech
Cùng chuyên mục
XEM