Sân bay Long Thành lựa chọn nhà thầu cho gói thầu lớn nhất

17/07/2023 10:25 AM | Xã hội

Gói thầu 5.10 giá trị 35.233 tỷ đồng là gói thầu lớn nhất tại sân bay Long Thành sẽ tìm được nhà thầu trong tháng 8 tới, tạo tiền đề giúp “siêu” dự án này đẩy mạnh tiến độ thi công.

Gói thầu xây dựng công trình hạ tầng lớn nhất Việt Nam 5.10, thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách tại Sân bay Long Thành, đã chính thức đấu thầu lần 2 vào ngày 12/6. Theo đại diện của chủ đầu tư ACV, đã có 3 liên danh nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (so với chỉ 1 liên danh của lần mở thầu đầu tiên).

Đáng chú ý, cả 3 liên danh này đều có tham gia của nhà thầu nước ngoài - với kinh nghiệm và năng lực thi công tốt - sẽ giúp gia tăng điểm thầu. Do đó, gói thầu quan trọng này sẽ tìm được nhà thầu và chính thức khởi công trong tháng 8/2023 (sau 2 tháng chấm thầu), là bước cơ bản để sân bay Long Thành đẩy mạnh tiến độ thi công.

Gói thầu 5.10 giá trị 35.233 tỷ đồng là gói thầu lớn nhất tại sân bay Long Thành sẽ tìm được nhà thầu trong tháng 8/2023, tạo tiền đề giúp “siêu” dự án này đẩy mạnh tiến độ thi công. Theo các chuyên gia, nhóm các DN xây lắp và đá xây dựng sẽ được hưởng lợi lớn nhất, khi sân bay lớn nhất khu vực được đầu tư xây dựng ở hạng mục lớn nhất thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình. Trong 3 nhóm liên danh nộp hồ sơ dự thầu dự án, duy nhất liên danh Hoa Lư có nhà thầu trong nước đứng đầu liên danh, là CTCP Xây dựng Coteccons (CTD). 2 nhóm còn lại do nhà thầu Trung Quốc và nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu.

Sân bay Long Thành lựa chọn nhà thầu cho gói thầu lớn nhất - Ảnh 1.

Khu vực thi công nhà ga sân bay Long Thành. (Ảnh: Duy Phương)

Đáng chú ý, nhóm liên danh Hoa Lư, do CTCP Xây dựng Coteccons dẫn đầu là liên danh tập hợp nhiều nhà thầu xây dựng có tiếng của Việt Nam bao gồm Unicons, Thành An, Delta, Central, An Phong, Hoà Bình, trong Top 10 nhà thầu xây dựng năm 2023 của Vietnam Report.

DN nước ngoài trong liên danh này là công ty Powerline Engineering Public Company Limited (PLE) của Thái Lan từng tham gia xây dựng sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan. Lĩnh vực kinh doanh chính của PLE gồm thi công hệ thống điện, điều hòa không khí, hệ thống ống nước, vệ sinh và phòng cháy chữa cháy cho các tòa nhà, bệnh viện, nhà máy công nghiệp, khu phức hợp mua sắm và sân bay. Doanh thu mảng cơ điện của PLE khoảng 4.500-5.000 tỷ đồng/năm.

Trên thị trường chứng khoán, các công ty thành viên trong liên danh Hoa Lư được đánh giá cao khi đây là các DN xây dựng hàng đầu của Việt Nam, có đội ngũ kỹ sư xây dựng lớn, từng có kinh nghiệm tham gia thi công một số hạng mục ở các sân bay trong nước. Tuy nhiên, các DN này chưa từng tham gia xây dựng dự án có quy mô và độ khó lớn như sân bay Long Thành. Vì vậy, đây thực sự là cơ hội cạnh tranh cho các nhà thầu trong nước khi tham gia dự án trọng điểm quốc gia như cảng hàng không quốc tế Long Thành.

“Chúng ta cũng đã xác định sân bay Long Thành là sân bay hiện đại. Do vậy bố trí nguồn vốn tài chính đầy đủ kịp thời là yêu cầu quan trọng. Cần thiết có điều chỉnh về yêu cầu về kỹ thuật, tài chính theo từng giai đoạn để bố trí nguồn lực đầu tư sân bay theo hướng hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển hạ tầng hàng không trong tương lai, với tầm nhìn dài hạn, với sự tham gia của các DN có thương hiệu trong nước”, Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh phân tích.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư khái toán khoảng 336,630 tỷ đồng, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây 1 đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm. Dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025. Giai đoạn 2, sân bay được xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm. Giai đoạn 3 hoàn thành hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu khách/năm.

Với phân kỳ đầu tư như vậy, các DN trong nước và nhà đầu tư nước ngoài tham gia với tư cách là các nhà đầu tư của các ngành phụ trợ như vật liệu xây dựng. Dự án sẽ là động lực tăng trưởng cho các DN xây lắp và đá xây dựng giai đoạn 2023-2026, với các cơ hội mới trong khoảng thời gian sau tháng 8, khi công trình đi vào đầu tư xây dựng.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng càng không Việt Nam cho biết, theo chỉ đạo của Ủy ban quản lý vốn DN điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch cảng hàng không. “DN ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong việc mở rộng nguồn vốn đầu tư và thu hút nhà đầu tư tư nhân để tham gia. Với Long Thành sẽ tổng hợp các nguồn vốn trong tương lai là Nhà nước, tư nhân và vốn DN.

Việc thu hút nhà đầu tư trong thời gian tới không chỉ hạn hẹp trong nhóm các nhóm đầu tư hạ tầng, mà có thể kết hợp giữa dịch vụ hàng không. Chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, PGS.TS Nguyễn Thọ Đạt cho rằng, xu hướng thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hàng không đang thể hiện rất rõ. “Ví dụ sân bay Vân Đồn để có thể tham gia hỗ trợ ngành hàng không, phát triển ngành hàng không, dịch vụ hàng không tốt hơn, linh hoạt hơn trong bối cảnh nền kinh tế chung đang từng bước phục hồi”, ông Đạt dẫn chứng.

Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu đá xây dựng cho thi công sân bay Long Thành giai đoạn 1 lên tới 18 triệu m3, tương đương 56% công suất khai thác được cấp phép hàng năm của tỉnh Đồng Nai. Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN đề nghị Bộ GTVT xây dựng và hoàn thiện đề án huy động quản lý đầu tư hệ thống cảng hàng không, trong đó có sân bay Long Thành. “Trong trường hợp nhu cầu phát triển lớn mà nguồn vốn DN cảng hàng không chưa thu xếp đủ, cần thu hút hệ thống tư nhân đầu tư xây dựng các cảng hàng không theo yêu cầu từng giai đoạn”, ông Cảnh nói.

Để đảm bảo tiến độ chung của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng lưu ý ACV cần nỗ lực, quyết tâm và thống nhất chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức triển khai dự án, lựa chọn được nhà thầu để triển khai gói thầu kịp tiến độ, vì gói thầu số 5.10 thuộc dự án thành phần 3 do ACV làm chủ đầu tư. Đây là một trong những gói thầu xây lắp và cung cấp thiết bị lớn nhất trong lĩnh vực hàng không cũng như xây dựng hạ tầng kỹ thuật cao từng được triển khai tại Việt Nam.

Theo hồ sơ mời thầu, thời gian thực hiện hợp đồng là 990 ngày (tương đương 33 tháng) theo quy định của pháp luật Việt Nam kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Vì vậy, việc lựa chọn được nhà thầu cho gói thầu quan trọng này quyết định rất lớn tới tiến độ của chung của toàn dự án giai đoạn 1.

Theo Hà Nho

Cùng chuyên mục
XEM