Samsung, “ngư ông đắc lợi” trong cuộc chiến Mỹ chống Huawei?
Bên hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến của Chính phủ Mỹ chống lại Huawei có thể chính là Samsung...
Địa vị nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) lớn nhất thế giới của Samsung vốn đã bị đe dọa bởi sự nổi lên mạnh mẽ của Huawei trong những năm gần đây. Ngoài ra, những vấn đề mà chiếc điện thoại màn hình gập (foldable) của Samsung gặp phải sau khi ra mắt cách đây ít lâu, khiến hãng phải trì hoãn ngày lên kệ của "siêu phẩm" này, đã khiến ngôi vị số 1 của công ty Hàn Quốc thêm phần lung lay.
Quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa Huawei vào một danh sách cấm mua linh kiện và công nghệ của Mỹ có thể mang lại sự giúp đỡ mà Samsung đang cần để duy trì "ngôi vương" trên thị trường smartphone, trang Business Insider nhận định.
Cuộc đua giữa Huawei và Samsung
Lệnh cấm của Mỹ đã buộc các công ty công nghệ hàng đầu nước này như Google và Intel tạm dừng hoặc chuẩn bị dừng cung cấp cho Huawei. Điều này có nghĩa là điện thoại do Huawei sản xuất trong tương lai sẽ không được dùng hệ điều hành Android, phần mềm hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới.
Huawei nói rằng họ đã làm được hệ điều hành smartphone của riêng mình và có thể đưa vào sử dụng hệ điều hành này vào năm tới, nhưng không có gì đảm bảo người tiêu dùng sẽ mua điện thoại Huawei nếu những sản phẩm đó được trang bị một hệ điều hành hoàn toàn mới và xa lạ. Khả năng điện thoại Huawei bị người dùng "quay lưng" càng cao hơn khi không được truy cập ở mức độ hệ thống vào các dịch vụ phổ biến ở Google như Gmail hay Maps.
Và đó có thể chính là tin tốt đối với Samsung, công ty đang bị "gã khổng lồ" đến từ Trung Quốc chiếm dần thị phần smartphone.
Theo số liệu của IDC, trong quý 1 năm nay, Samsung chiếm 23,1% thị trường smartphone toàn cầu, giảm so với mức 23,5% cùng kỳ năm ngoái. Doanh số smartphone quý 1 của Samsung đã giảm 8,1%.
Trong khi đó, thị phần smartphone của Huawei tăng từ 11,8% lên 19% trong cùng khoảng thời gian, với doanh số tăng hơn 50%.
Ngoài Huawei, không một hãng smartphone nào khác tiến lại gần Samsung đến vậy trên phương diện thị phần. Apple đứng ở vị trí thứ 3 trong quý 1, nắm thị phần 11,7%, còn Xiaomi đứng ở vị trí thứ tư, năm 8%.
Nếu doanh số của Huawei giảm mạnh vì sự trừng phạt của Mỹ, Apple và Xiaomi vẫn còn một chặng đường dài phải đi nếu muốn đe dọa thực sự vị trí số 1 của Huawei.
Apple có thể "vạ lây"
Ngoài ra, một số nhà phân tích tin rằng việc Mỹ quyết "triệt hạ" Huawei có thể sẽ gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh của Apple ở Trung Quốc. Một báo cáo của ngân hàng UBS mới đây nhận định rằng cách Mỹ đối xử với Huawei đặt ra rủi ro lớn đối với Apple, bởi tinh thần dân tộc chủ nghĩa của người Trung Quốc đã không ít lần ảnh hưởng đến hàng hóa nước ngoài ở thị trường đông dân nhất thế giới.
Samsung tuy không có thị phần lớn ở Trung Quốc - hãng thậm chí không có tên trong top 5 thương hiệu smartphone ở nước này - nhưng Trung Quốc giữ một vai trò rất quan trọng đối với Apple.
Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của Apple, và "táo khuyết" chiếm thị phần 12% trên thị trường smartphone Trung Quốc trong quý 4/2018, theo số liệu của Counterpoint Research.
Nếu xảy ra một chiến dịch tẩy chay sản phẩm Apple ở Trung Quốc, Apple sẽ rất khó đẩy doanh số iPhone tăng để đuổi kịp thị phần của Samsung trên toàn cầu.
Cơ hội cho Galaxy Fold
Samsung còn có thể hưởng lợi từ những thách thức của Huawei theo một cách khác, ở phân khúc điện thoại màn hình gập. Chiếc Galaxy Fold đã có một sự khởi đầu không suôn sẻ sau khi nhiều nhà đánh giá sản phẩm (reviewer) cho biết màn hình của thiết bị này bị vỡ chỉ sau vài ngày sử dụng. Vì lẽ này, Samsung đã phải hoãn vô thời hạn ngày lên kệ của Fold.
Việc Huawei bị Mỹ trừng phạt có thể giúp mang lại một cơ hội thứ hai cho Fold.
Hồi tháng 2, chiếc Mate X với màn hình gập của Huawei ra mắt chỉ vài ngày sau Galaxy Fold. Huawei chưa công bố thời điểm chính thức bán lẻ chiếc điện thoại này, nên giới phân tích không thể xác định liệu Mate X có thể được trang bị hệ điều hành Android hay không.
Chính phủ Mỹ đã nới trừng phạt cho Huawei trong 90 ngày để bảo trì và hỗ trợ các sản phẩm hiện có, và sự "nương tay" này kéo dài đến ngày 19/8. Tuy nhiên, không ai biết chiếc Mate X có được lên kệ trước thời điểm 19/8, dù một bài viết của trang Gizmo China nói chiếc điện thoại này có thể bắt đầu được bán lẻ trong tháng 6.
Mất quyền sử dụng Android sẽ là một "đòn" nặng nề đối với Huawei, và đặc biệt nghiêm trọng đối với một sản phẩm cao cấp như Mate X, chiếc điện thoại được gán mức giá khoảng 2.600 USD khi ra mắt. Đối với người tiêu dùng ngoài Trung Quốc đại lục, việc Mate X không được trang bị các dịch vụ Google sẽ làm suy giảm nghiêm trọng giá trị của chiếc điện thoại "siêu phẩm".
Dĩ nhiên, không chỉ có Huawei và Samsung, mà một số hãng khác như Xiaomi và Motorola cũng đang phát triển điện thoại màn hình gập của mỗi hãng, nhưng không một hãng nào trong số đó có được những sản phẩm màn hình gập được cho là có thể cạnh tranh với Galaxy Fold và Mate X. Nhờ vậy, Samsung sẽ nắm trong tay cơ hội chiếm lĩnh thị trường điện thoại màn hình gập trong một khoảng thời gian đáng kể nếu hãng chính thức bán ra Fold trong tương lai gần.
Hiện còn quá sớm để có thể phỏng đoán chính xác điều gì sẽ xảy đến với Huawei từ sự trừng phạt của Mỹ đối với công ty này. Huawei đã tuyên bố rằng công ty đã chuẩn bị hệ điều hành riêng để thay thế Android, và nhà sáng lập Nhiệm Chính Phi cũng nói sự tăng trưởng doanh thu của Huawei sẽ chỉ giảm đi một chút.
Nhưng theo Business Insider, cho dù ông Nhiệm có đúng, thì sự giảm tốc chút ít của Huawei cũng đã là một tin tốt cho ngôi vị thống lĩnh thị trường smartphone toàn cầu của Samsung.