Samsung, Apple và 'tiểu tam' LG: 'Mối tình' tay ba trị giá hàng tỷ USD đầy ân oán

23/08/2019 10:01 AM | Kinh doanh

Apple cần Samsung để sản xuất điện thoại, đồng thời Samsung cũng phải ủng hộ đối thủ nếu không muốn mất đi nguồn doanh thu khổng lồ. Nhưng “táo khuyết” hẳn sẽ không để mình quá phụ thuộc vào bất kỳ ai.

Samsung - Apple: Ghét của nào trời trao của ấy!

Samsung và Apple hiện là hai gã khổng lồ công nghệ di động lớn nhất hành tinh. Và cũng dễ hiểu nếu cả hai đều chẳng ưa gì nhau. Họ ra sức tranh giành từng miếng bánh thị phần để vươn lên vị trí số một. Những chiếc điện thoại Galaxy hay iPhone phiên bản mới đều cố gắng trở nên ưu việt hơn thế hệ cũ và hơn cả đối thủ.

Nhưng "ghét của nào trời trao của ấy", cặp đôi này vẫn buộc lòng phải "yêu nhau", hỗ trợ nhau nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Sau những lần kiện cáo, ra tòa, Samsung hiện vẫn là một trong những nhà cung cấp lớn nhất cho Apple. Đồng thời, "táo khuyết" cũng đang mang lại nguồn thu vô cùng lớn cho hãng điện thoại đến từ Hàn Quốc.

Hủy diệt lẫn nhau

Samsung vốn là nhà cung cấp chính cho iPhone ngay từ những ngày đầu, bao gồm bộ vi xử lý A-series, chip nhớ NAND flash và cả DRAM. Nhưng mối quan hệ giữa hai ông lớn trở nên căng thẳng khi Apple kiện Samsung vi phạm bằng sáng chế vào năm 2011. Vụ việc này đã khiến công ty Hàn Quốc cung cấp ít linh kiện hơn cho đối tác.

Ban đầu, "táo khuyết" đâm đơn kiện "nhà bên" vì cho rằng Samsung đã sao chép công nghệ, giao diện người dùng, thiết kế sản phẩm và vi phạm nhiều quyền sở hữu trí tuệ có giá trị của mình.

Samsung, Apple và tiểu tam LG: Mối tình tay ba trị giá hàng tỷ USD đầy ân oán - Ảnh 1.

Dù phán quyết đầu tiên công nhận chiến thắng của nhà sản xuất Mỹ nhưng hàng loạt các kháng cáo, kiện ngược lẫn nhau đã đẩy vụ việc lên tòa án tối cao và kéo dài suốt 7 năm.

Theo phán quyết vào tháng 5/2018, tòa án bắc California đã yêu cầu Samsung trả cho Apple 539 triệu USD tiền thiệt hại. Thay vì tiếp tục kháng cáo, cả hai công ty đồng ý thỏa thuận với nhau để chấm dứt vụ kiện.

Theo nhiều chuyên gia, tiền bạc không phải là vấn đề. Số tiền phạt được đưa ra cũng chỉ là một phần rất nhỏ so với doanh thu khồng lồ của Samsung. Như chuyên gia Bryan Love từng nói, trong một ngành công nghiệp tồn tại sự chồng chéo, nơi có quá nhiều công ty nắm giữ những bản quyền quan trọng khác nhau trên cùng một thiết bị (riêng chiếc điện thoại nhỏ bé cũng chứa tới 250.000 bằng sáng chế), thì kiện cáo là vũ khí hủy diệt lẫn nhau.

Samsung và Apple đã có một quyết định đúng đắn, dừng lại để ngừng làm tổn thương nhau. Đặc biệt là khi cả hai vẫn đang trong mối quan hệ làm ăn khá mật thiết.

Bắt tay làm hòa

Sau khi vụ kiện được đi đến kết thúc, năm 2018, Samsung tiếp tục trở thành nhà cung ứng chính cho Apple một lần nữa, bao gồm những bộ phần đắt nhất như bảng hiển thị và bộ nhớ (flash NAND và DRAM).

Bộ nhớ: Samsung là nhà cung cấp chip nhớ flash NAND lớn nhất, chiếm hơn một phần ba thị phần toàn cầu. Với rất nhiều hoạt động kinh doanh, Samsung đã có đủ khả năng để đáp ứng các yêu cầu của Apple từ những năm trước, theo báo cáo của ETNews. Trong iPhone 7 (32 GB), những linh kiện này chiếm hơn một phần tư giá trị của tổng hóa đơn vật liệu (219,80 USD), theo dữ liệu từ IHS Markit.

Năm 2014, Samsung đã rót 15,6 nghìn tỷ won (14,7 tỷ USD) vào một nhà máy chip mới ở Hàn Quốc, khoản đầu tư lớn nhất cho một nhà máy duy nhất của gã khổng lồ công nghệ.

Samsung, Apple và tiểu tam LG: Mối tình tay ba trị giá hàng tỷ USD đầy ân oán - Ảnh 2.

Đồng thời, Samsung cần một khách hàng lớn tầm như Apple để tận dụng triệt để khả năng và công suất của nhà máy. Theo báo cáo từ ETNews, công ty đến từ Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục cung cấp bộ nhớ flash NAND cho đối tác đầy duyên nợ Apple.

Bên cạnh đó, Apple cũng khó lòng từ chối DRAM của Samsung vì nó chiếm đến 60% thị trường toàn cầu.

Theo Forbes 2017, doanh thu từ các đơn hàng cung ứng bộ nhớ chip và linh kiện pin cho Apple chiếm 10% doanh thu thường niên của Samsung.

Chip A9: Cùng với TSMC của Đài Loan, Samsung cũng là nhà cung ứng chip A9 cho điện thoại thông minh iPhone 6s và 6s Plus. Theo báo cáo, khoảng 40% chip A9 trong iPhone 6s và 6s plus là của Samsung. Tuy nhiên, công ty Hàn Quốc đã để mất hợp đồng cung cấp cho iPhone 7 vào tay TSMC.

Samsung, Apple và tiểu tam LG: Mối tình tay ba trị giá hàng tỷ USD đầy ân oán - Ảnh 3.

Màn hình OLED: Năm 2017, Apple đã đồng loạt công bố các sản phẩm mới, bao gồm ba iPhone: iPhone 8, iPhone 8 Plus và iPhone X. Đây cũng là lần đầu tiên màn hình OLED được trang bị cho Iphone X, trong khi iPhone 8 và 8 Plus có màn hình LCD như các điện thoại trước đây của hãng.

Nếu như OLED khi ấy là công nghệ mới của Apple thì với người dùng Samsung, điều này không còn xa lạ. Samsung đã sử dụng màn hình OLED kể từ khi điện thoại Galaxy đầu tiên ra mắt cách đây 9 năm.

Samsung, Apple và tiểu tam LG: Mối tình tay ba trị giá hàng tỷ USD đầy ân oán - Ảnh 4.

Theo đánh giá từ Jeff Kim và Kevin Kim, nhà phân tích của Hyundai Securities, hiện tại, Samsung là công ty duy nhất sản xuất hàng loạt và đứng ở vị trí số 1 trong thị trường OLED. Samsung cũng nắm giữ phần lớn các bằng sáng chế công nghệ OLED và chiếm 97,7% sản lượng toàn cầu, tính đến tháng Tư năm 2017.

Vì vậy, không khó hiểu khi Samsung đạt được thỏa thuận cung cấp độc quyền màn hình OLED cho iPhone X. Các màn hình OLED được ước tính có giá từ 120 đến 130 USD mỗi chiếc, đắt hơn nhiều so với chi phí 45-55 USD cho màn hình LCD của iPhone 7 Plus. Theo tờ Wall Street Journal, Samsung kiếm được 110 USD từ mỗi chiếc iPhone X được bán ra.

Với ước tính khoảng 130 triệu chiếc iPhone X trong 2 năm, có thể ước tính khoản tiền Samsung thu về lên tới 14 tỷ USD.

Có thế thấy, Samsung và Apple đều đã trở thành một phần không thể thiếu của nhau. Apple cần Samsung trong chuỗi cung ứng linh kiện. Và ngược lại, dù là đối thủ, hãng công nghệ Hàn Quốc cũng vẫn phải ủng hộ hoạt động kinh doanh của đối thủ nếu không muốn mất đi một trong những khách hàng lớn nhất. 

"Tiểu tam" LG

Linh kiện từ Samsung giống như một phần cơ thể không thể thiếu đối với những chiếc iPhone, điều này khiến "táo khuyết" có khả năng phải đối mặt với nhiều rủi ro trong tương lai, liên quan đến cả tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu.

Apple nhận thức được điều đó và đang đi tìm những mối "lương duyên" mới. Bên cạnh một số nhà sản xuất linh kiện hàng đầu từ Đài Loan, LG cũng may mắn đạt được một thỏa thuận giá trị.

Samsung, Apple và tiểu tam LG: Mối tình tay ba trị giá hàng tỷ USD đầy ân oán - Ảnh 5.

Năm 2018, Apple đã thông báo chọn LG Display là nhà cung cấp màn hình OLED thứ hai, phục vụ cho dòng iPhone tiếp theo. Động thái này là bước đi rõ ràng nhất cho thấy mục tiêu giảm phụ thuộc vào đối tác Samsung của nhà sản xuất Mỹ.

Đồng thời, hợp đồng được cho là sẽ giúp doanh thu từ màn hình của LG tăng 10%. Tuy nhiên, dây chuyền sản xuất vẫn đang hoàn thiện, LG sẽ chưa thể cung cấp màn hình cho Apple cho đến trước năm 2020.

Tạm kết

Samsung là một công ty điện tử tích hợp theo chiều dọc, lợi thế của nó đến từ sức mạnh tổng hợp của các thiết bị cầm tay và linh kiện. Với những nhà máy sản xuất quy mô khổng lồ tại Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc, Samsung tạo ra nhiều linh kiện hơn cả số điện thoại thông minh nó tạo ra và cần người mua lớn như Apple.

Apple phụ thuộc vào nhiều nguồn, nhưng họ cũng cần một nhà cung cấp đáng tin cậy có thể tạo ra các linh kiện chất lượng cao với số lượng lớn như Samsung.

Bởi vậy, bất chấp những cuộc chiến pháp lý hay ân oán quá khứ, hai hãng điển thoại này vẫn cần xây dựng mối quan hệ hợp tác mật thiết. Dù đã tìm đến người mới như LG thì trong tương lai gần, Samsung vẫn sẽ là người đồng hành quan trọng và lớn nhất của hãng công nghệ nước Mỹ. Duyên nợ chưa hết, cả hai ông lớn sẽ còn tiếp tục bắt tay nhau trong khi vẫn nỗ lực vượt lên đối phương trên con đường trở thành bá chủ.

T.Dương

Cùng chuyên mục
XEM