Sacombank, MB Bank đều là cổ đông lớn của công ty sản xuất bao cao su đầu tiên tại Việt Nam
Bên cạnh đó, công ty cũng góp vốn cùng Novaland thành lập Công ty TNHH MERUFA – NOVA để đầu tư bất động sản.
Việt Nam là một đất nước có dân số vàng, do đó, trở thành thị trường màu mỡ cho ngành bán lẻ. Trong lĩnh vực đồ dùng chăm sóc sức khỏe cho gia đình, nếu chỉ nói về sự bùng nổ của bỉm sữa và tã bột sẽ là chưa đủ, bao cao su cũng là một thị trường không kém phần béo bở. Theo kết quả điều tra của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) năm 2015 thì mỗi năm, Việt Nam cần khoảng từ 400 - 500 triệu bao cao su.
Tại Việt Nam, công ty đầu tiên sản xuất bao cao su là Công ty Cổ phần Merufa .
Sacombank, MBBank đều là cổ đông lớn
Tiền thân của Merufa là Xí nghiệp Cao su Y tế (thuộc Bộ Y tế Việt Nam) được xây dựng với sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc vào năm 1987. Ngay từ năm này, Merufa đã cung cấp cho thị trường sản phẩm bao cao su tránh thai chế tạo từ cao su thiên nhiên của Việt Nam với nhãn hiệu HAPPY. Dây chuyền thiết bị sản xuất bao cao su của Merufa hiện có sản lượng 80 triệu bao/máy/năm, được chế tạo và lắp đặt vào các năm 2010 và 2013.
Theo báo cáo thường niên năm 2015, Merufa có 4 cổ đông lớn, trong đó có 2 ngân hàng là Ngân hàng TMCP Sài gòn thương tín (Sacombank) nắm 6,56% vốn điều lệ và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) nắm 6,04%. Cổ đông lớn nhất là Tổng công ty thiết bị y tế Việt Nam nắm 16,18% và Công ty TNHH SXTM thiết bị y tế Minh Tâm nắm 5,97%.
Bên cạnh đó, công ty cũng góp vốn cùng Novaland thành lập Công ty TNHH MERUFA – NOVA để đầu tư bất động sản. Công ty này là chủ đầu tư dự án Newton Phú Nhuận tại 38 Trương Quốc Dung (Q.Phú Nhuận, Tp.Hồ Chí Minh).
Merufa còn sở hữu 47.622 cổ phần SAM của CTCP Đầu tư và phát triển Sacom với giá gốc 197 triệu đồng tương đương hơn 4.100 đồng/cp.
Nhưng kết quả kinh doanh có phần kém khả quan
Mặc dù thị trường khá rộng lớn nhưng kết quả kinh doanh của Merufa không thực sự khả quan. Theo doanh nghiệp, bao cao su do Việt Nam sản xuất khó cạnh tranh với các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài như Durex hay Sagami, vì vậy, thực tế doanh thu của Merufa hiện nay đến chủ yếu từ găng tay y tế. Ngoài ra là nút chai kháng sinh, ống y tế…
Báo cáo thường niên 2013 cho biết, trong 134 tỷ đồng doanh thu của MERUFA thì bao cao su chỉ đóng góp 31,4 tỷ đồng (chiếm 23%), còn doanh thu từ găng tay phẫu thuật là 79 tỷ đồng, găng tay kiểm tra là 15 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2014 chứng kiến sự sụt giảm mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận của Merufa. Con số lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn gần 4 tỷ đồng, theo lý giải là do phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ, đặc biệt là phân khúc thị trường đấu thầu tại các bệnh viện lớn. Đối thủ chính là một công ty nhà nước, mới mua lại toàn bộ nhà máy sản xuất của tư nhân và công ty này luôn được công ty mẹ (thuộc Tổng cục cao su Việt Nam) bao cấp và bù lỗ nên giá găng của họ được hạ thấp đáng kể, thường thấp hơn găng Merufa từ 600 – 1.000 đồng/đôi.
Điều này buộc Merufa phải giảm giá khiến doanh thu sụt giảm. Trong khi đó, việc quảng cáo sản phẩm trên tivi bị chần chừ do chi phí quá lớn.
Thực tế, Merufa có lợi thế là có thể trực tiếp sản xuất sản phẩm từ latex cao su ra thành phẩm, không phải là đơn vị gia công đóng gói bao cao su thành phẩm mua từ nước ngoài như các công ty khác ở Việt Nam và nhờ vậy đã đấu thầu thành công nhiều đơn hàng lớn với giá bỏ thầu thấp. Ví dụ năm 2011, Merufa trúng gói thầu cung cấp 5,8 triệu bao cao su HAPPY và 318.000 gói gel bôi trơn (HAPPY GEL) cho Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS năm 2011 nhưng sau đó đã phải giải trình khi có những phản hồi không tốt về sản phẩm của công ty.
Chất lượng quản trị và công tác bán hàng cũng là điều mà các cổ đông luôn “kêu ca” tại mỗi cuộc họp. Tại ĐHCĐ thường niên 2015, cổ đông Sacombank đã dùng từ “đau xót” khi nhắc đến việc Merufa rớt gói thầu 9 triệu bao cao su do… viết sai tài liệu ISO.