Thuật viết lách từ A đến Z
“Tôi viết không được vì chẳng có năng khiếu gì cả!”. Hẳn bạn từng nghe nhiều bạn bè nói vậy và có thể chính bạn cũng từng nhận xét về bản thân như thế.
Thật ra, học viết lách không khác gì học chơi đàn hay bơi lội. Trong cả ba trường hợp này, người học đều được rèn luyện hoặc tự rèn luyện để phát triển một kỹ năng.
Hãy thử học theo cách đọc kỹ một tài liệu hướng dẫn Thuật viết lách từ A đến Z của nhà báo Ngọc Trân.
Nhiều cây bút chuyên nghiệp thường khuyên người muốn vào nghề viết lách cứ ngồi vào bàn rồi cảm hứng sẽ tới. Tác giả cuốn sách này cũng có kinh nghiệm về chuyện đó: Cứ viết rồi chữ sẽ ra, bài sẽ thành, miễn rằng mình không chạy theo cái gì quá hoàn chỉnh, thúc ép bản thân phải trở nên quá hoàn hảo.
Cứ xem viết lách giống như việc trồng cây, cây yếu ớt thì che chắn, bón phân, tưới nước, đến khi vững rồi thì cho ra nắng gió.
Chúng ta đã học viết lách nhiều từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giờ chỉ cần ôn lại. Việc hướng dẫn phương pháp học tập lắm lúc lại quan trọng hơn cả việc truyền đạt kiến thức.
Theo tác giả, ban đầu, người bước vào nghề viết cần biết những thủ thuật nên dùng trước khi viết bài để sau đó chữ nghĩa tuôn ra dễ dàng hơn.
Tiếp đó, cần tìm ý tưởng, góc nhìn; lập dàn bài; sắp xếp ý và thông tin; trình bày ý tưởng; sử dụng từ điển để lựa chọn từ đúng, từ phù hợp; lắng nghe âm thanh của câu văn; dùng phép nối; mở rộng câu, làm cho câu cân phân và không bị sai quy chiếu; làm chủ cách phỏng vấn; viết theo hình tháp ngược; giật tít cho thu hút…
Cuối cùng là biên tập lại để tác phẩm đạt được độ hoàn chỉnh, thống nhất cần thiết.
Ngoài phương pháp tư duy, nghiên cứu và phỏng vấn, Thuật viết lách từ A đến Z còn cung cấp những nội dung cần thiết khác cho nghề viết: cách dùng tự điển, phép nối, chuyển văn nói sang văn viết; cách phân biệt văn trang trọng với văn đời thường; cách diễn đạt giản dị, cụ thể và màu sắc, mở rộng câu, làm cho câu cân phân và không bị sai quy chiếu.
Cách viết sao cho lời văn thêm mạnh mẽ và hấp dẫn cũng được đề cập đến cùng cách viết theo hình tháp ngược lẫn cách đặt tít.
Sách gồm 18 chương, do Nhà xuất bản Văn hóa TP. Hồ Chí Minh ấn hành đúng dịp kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, 21/6/2015.
Tác giả có ưu ái “Dành cho bạn trẻ cầm bút do yêu thích hoặc dùng chữ nghĩa vì công việc”, nhưng nội dung sách thực sự hữu ích cả với những người viết chuyên nghiệp.
Nhà báo Ngọc Trân từng làm việc cho nhiều tờ báo tại TP. Hồ Chí Minh, giảng viên thỉnh giảng khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Ông thường xuyên được các hội nhà báo mời giảng dạy các lớp viết tin thời sự, viết bài kinh tế, kỹ thuật phóng sự, nghiệp vụ biên tập.