[Sách hay] Tư duy nhanh - chậm: Những giới hạn bất ngờ về tư duy của con người
"Tư duy nhanh - chậm" bàn sâu về những giới hạn của đầu óc con người khi sử dụng phương pháp tư duy nhanh, giúp mỗi người tập trung chú ý đến các lỗi sai có thể xảy ra trong dòng chảy tư duy của chính mình.
Thông tin:
Tên sách: Tư duy nhanh - chậm
Tác giả: Danel Kahneman, đạt giải Nobel Kinh tế 2002
Giới thiệu:
Cuốn sách Tư duy nhanh và chậm của tác giả Danel Kahneman, đạt giải Nobel Kinh tế 2002 mở đầu bằng một câu hỏi hoài nghi: Bằng linh cảm trực giác nhiều người trong tích tắc có thể tránh được một tai nạn xảy ra, hay thoát được một cái bẫy lừa đảo tinh vi. Một chuyên gia phòng cháy chữa cháy trong tích tắc cũng đã cứu được cả đội cứu hộ thoát chết trước khi toàn bộ sàn nhà họ đang đứng nứt sụp xuống và lửa bùng lên dữ dội. Hay một cao thủ cờ vua chỉ cần liếc qua một bàn cờ ven đường là có thể tuyên bố quân đen hay quân trắng sẽ thắng. Phải chăng mọi trực giác được sinh ra bởi đầu óc của con người đều siêu việt và đáng tin?
Trong một thời gian dài, các học giả đã gieo vào đầu chúng ta một quan điểm: trí óc con người rất siêu việt và nhờ đó chúng ta - những con người đầy lý trí- quyết định mọi việc có tính toán một cách cẩn thận. Tuy nhiên, bằng hàng nghìn thí nghiệm được tiến hành cùng người cộng sự trong hơn chục năm trời, Daniel Kahneman, đã chỉ ra rằng quan điểm ấy hoàn toàn sai lầm.
Thực tế, theo Kahneman, con người có hai hệ thống tư duy:
Hệ thống 1 hoạt động theo cơ chế tự động và mau lẹ, với rất ít hoặc hầu như không cần sự cố gắng và không tự động kiểm soát (ví dụ khi nhìn thấy hình một em bé mếu máo chúng ta có thể gán cho rất nhiều suy đoán về những chuyện sẽ xảy ra tiếp theo)- được gọi là tư duy nhanh.
Hệ thống 2 tập trung sự chú ý đối với những hoạt động tư duy đòi hỏi sự nỗ lực, bao gồm những phép tính phức tạp, thường gắn với kinh nghiệm chủ quan và tập trung của chủ thế (hãy xem xét phản ứng của chúng ta khi nhìn thấy một phép tính hơi phức tạp một chút, chúng ta có thể biết ngay khoảng đáp án, nhưng cũng không dám chắc. Và chúng ta sẽ cảm thấy tốt hơn là ngồi lại tính toán phép tính này)- được gọi là tư duy chậm. Và hệ thống tư duy được con người sử dụng thường xuyên nhất là hệ thống tư duy nhanh.
Hệ thống tư duy nhanh liên tục diễn dịch chuyện gì đang xảy ra trong thế giới của chúng ta, và quá trình này sẽ sản sinh ra những phán đoán suy nghiệm khá hữu ích, nhưng đôi khi cũng dẫn đến những lỗi sai nghiêm trọng và hệ thống. Với các chuyên gia, tư duy nhanh của họ (gọi là tư duy trực giác của các chuyên gia) nhiều khi rất chính xác vì nó được dựa trên kinh nghiệm nhiều năm trời của họ.
Như vị chuyên gia phòng cháy ở phía trên giải thích lý do khiến ông yêu cầu cả đội chữa chạy rút ra khỏi tòa nhà ngay lập tức là bởi vì ông cảm thấy một sức nóng bất thường, trong khi ngọn lửa lại cực kỳ im ắng. Vị cao thủ cờ vua cũng nói rằng kinh nghiệm nhiều năm luyện tập khiến ông chỉ nhìn qua bàn cờ là thấy hàng loạt nước cờ xâm chiếm lấy trí óc của ông, và ngay lập tức ông có thể đoán biết được kết cục của ván cờ.
Với người bình thường hệ thống tư duy nhanh này ra sao? Bằng hàng nghìn thí nghiệm Daniel Kahneman đã chứng minh được rằng tư duy nhanh- tư duy trực giác của con người bình thường rất kỳ diệu nhưng cũng có những phần bất toàn.
Có rất nhiều người đã quyết định mua một sản phẩm hay dịch vụ nào đó bởi thần tượng của họ cũng dùng sản phẩm dịch vụ đó. Hay khi một diễn giả điển trai, đĩnh đạc lên sân khấu, khán giả sẽ dành cho bài diễn thuyết của anh ta nhiều cảm tình hơn. Đó chính là hiệu ứng hào quang đã ảnh hưởng lên tư duy trực giác của họ.
Hay như hiện tượng ngoại tình ở các chính trị gia có phổ biến hơn bác sĩ hay luật sư như đa số mọi người vẫn nghĩ? Thực tế điều tra lại cho biết kết luận như vậy là hoàn toàn sai và sở dĩ mọi người đều có suy nghĩ như vậy là do ấn tượng trực giác của họ hoàn toàn phụ thuộc vào đề tài mà giới truyền thông lựa chọn khai thác và đi đến suy nghiệm cá nhân về hiện tượng này.
Trong thí nghiệm nếu một người được trao cho 1.000 đô la và được đề nghị chọn một trong hai lựa chọn: a/ Cầm chắc 500 đô la; b/ 50% cơ hội giành được 1000 đô la; thì đại đa số những người được hỏi đều lựa chọn điều chắc chắn. Điều đó giải thích tại sao những tay đầu tư tài chính, tay chơi lão luyện lại ít như vậy trong xã hội, bởi hầu hết mọi người đều bị nỗi sợ mất mát lấn át, trong khi không thể tiến lại được gần hơn suy nghĩ hợp lý rằng: nếu thắng bạn sẽ thắng lớn, nếu thua bạn sẽ không mất gì. Kể cả trường hợp phải bỏ ra từ túi của mình 500 đô la cũng vậy: nếu thắng thì họ cũng thắng ít, thua thì cũng thua ít và không làm ảnh hưởng đến tổng tài sản của họ. Đây chính là một phần nội dung của lý thuyết viễn cảnh đã giúp Kahneman đạt giải Nobel kinh tế vào năm 2002.
Và còn rất nhiều các nguyên nhân khác tạo ra những sai lệch trong tư duy trực giác của con người như hiệu ứng mỏ neo, hiệu ứng khung, nghịch lý liên hợp….
Chính vì thế, cuốn sách Tư duy nhanh và chậm bàn sâu về những giới hạn của đầu óc con người khi sử dụng phương pháp tư duy nhanh, giúp mỗi người tập trung chú ý đến các lỗi sai có thể xảy ra trong dòng chảy tư duy của chính mình, qua đó có thể nâng cao nhận thức của bản thân khi đưa ra các dự đoán/ quyết định, đặc biệt là với các nhà quyết định chính sách, triết học và kinh tế học….
Đánh giá
“Cơ chế hoạt động của hai hệ thống trong một con người, khi được nhìn nhận trên quy mô lớn hơn, có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động kinh tế, xã hội. Hai hệ thống này chính là con người Kinh tế hư cấu sống trên mảnh đất lý thuyết và con người Hành động trong thế giới thực tại. Các tổ chức bằng cách nào đó cũng đang áp dụng các hình thức tương tự như các hệ thống này ở cấp độ cá nhân. Họ tránh đưa ra các quyết định sai lầm bằng các quy trình đã được khoa học hóa và hệ thống hóa, đồng thời cho phép phản biện mang tính xây dựng. Tôi tin rằng cuốn sách này sẽ đem lại nhiều kiến thức bổ ích, giúp ta hiều được năng lực tư duy của chính mình và phát huy nó”.
PGS. TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT
Giải thưởng
Cuốn sách Tư duy nhanh và chậm kể từ khi xuất bản đã giành được vô số giải thưởng danh giá:
- Sách hay nhất của Học viện khoa học Quốc gia Hoa Kỳ năm 2011;
- Sách hay nhất năm 2011 do Tạp chí New York Time bình chọn;
- Sách được quan tâm nhất năm 2011 do Tạp chí Los Angeles bình chọn.
Về tác giả
Tác giả cuốn sách Daniel Kahneman là giáo sư tâm lý học thuộc Đại học Princeton, Mỹ.
Daniel Kahneman sinh năm 1934, là người Mỹ gốc Israel. Ông dành cả cuộc đời của mình để nghiên cứu về tâm lý học hành vi con người.
Cùng với người đồng nghiệp thân thiết của mình, Giáo sư Amoss Tversky (Đại học Stanford), ông đã thực hiện hàng loạt thí nghiệm tâm lý và có nhiều phát hiện rất quan trọng về hành vi con người.
Năm 2002, ông đã được trao giải thưởng Nobel kinh tế vì những phát kiến về lý thuyết viễn cảnh (Prospect Thoery). Ông được xem là một nhà tâm lý học vĩ đại nhất trên thế giới còn sống cho đến nay.
Thùy Phương