[Sách hay] Berkshire Hathaway thời không còn Warren Buffett

19/01/2015 19:07 PM |

Cuốn sách trả lời cho câu hỏi khi Warren Buffett không còn đủ sức lực để làm việc thì Berkshire Hathaway sẽ ra sao và ai là người kế nghiệp?

Giới thiệu sách:

Tên sách: Berkshire Beyond Buffett: The Enduring Value of Values

Tác giả: Lawrence A. Cunningham

Nội dung sách:

Nhà hiền triết xứ Omaha hiện đã 84 tuổi và công ty của ông là một trong những công ty giá trị nhất tại Mỹ với vốn hoá thị trường lên tới 350 tỷ USD. Công ty này gồm 600 doanh nghiệp khác nhau hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ máy bay tư nhân đến thảm giá rẻ và bảo hiểm. Các nhà đầu tư thì hài lòng về giá cổ phiếu của công ty tăng đều đặn nhưng họ đang bắt đầu lăn tăn về sự xao lãng của vị chủ tịch 84 tuổi sẽ khiến khoảng thời gian tốt đẹp này sớm qua đi.

Buffett thì cho rằng ông đã xây dựng nên một công ty được thiết kế để sẽ vẫn thành công ngay cả khi ông không còn nắm quyền kiểm soát. Bằng chứng là đã có rất nhiều lãnh đạo cấp cao của Berkshire Hathaway kể về những ý tưởng kinh doanh của tỷ phú Buffett và về nỗ lực dài hạn của ông nhằm gắn bó vĩnh viễn những người này với hệ thống nội bộ của công ty.

Mặc dù là nhà đầu tư nổi tiếng hay mua những cổ phiếu giá rẻ, nhưng trên cương vị một nhà quản lý, Buffett quan tâm kỹ lưỡng đến hầu hết các giá trị. Ông tin rằng văn hoá doanh nghiệp là một vấn đề lớn. Nếu một doanh nghiệp không chứng tỏ được văn hóa đạo đức lành mạnh, ông sẽ không mua cổ phiếu, bất kể những sự hấp dẫn khác của công ty đó.

Ông luôn ưu tiên việc thâu tóm những công ty được điều hành bởi nhiều thế hệ gia đình và với những người quản lý cam kết gắn bó lâu dài. Xếp hạng quản lý của những lãnh đạo tại Berkshire Hathaway đã vượt qua hàng loạt đối thủ khác để dành chiến thắng giải thưởng Horatio Alger. Buffett nổi tiếng với chính sách không can thiệp. Ông trao cho các nhà quản lý quyền tự chủ và tin tưởng họ sẽ làm những điều đúng đắn.

Tác giả Lawrence Cunningham trong cuốn Berkshire Beyond Buffett xác định 9 nhân tố chính trong phong cách quản lý của Warren Buffett là: Đếm từng đồng xu lẻ, giữ lời hứa, duy trì danh tiếng tốt bằng mọi giá (mất danh tiếng còn tệ hơn việc mất tiền), đối xử như một gia đình, tự lập nghiệp, sự ủy thác, đầu tư thận trọng, để mọi thứ đơn giản và chủ nghĩa dài hạn.

Thật vậy, Berkshire Hathaway được cho là ví dụ điển hình của một công ty được điều hành để tối đa hoá giá trị dài hạn hơn là nhân nhượng để đáp ứng những áp lực ngắn hạn từ thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, rất khó để bị thuyết phục bởi tuyên bố của Buffett rằng văn hoá của công ty sẽ giữ vững sau khi ông ra đi. Cấu trúc phân quyền của Berkshire Hathaway có thể khiến nó khó giải quyết được vấn đề giống như những tập đoàn lớn là GE và Teledyne đã trải qua sau khi các lãnh đạo vĩ đại của họ ra đi.

Cuối cùng, tác giả đưa ra ít nhất 10 cái tên tiềm năng, những ứng cử viên nội bộ mà ông cho là có đủ năng lực để trở thành người lãnh đạo tiếp theo sau Buffett. Ông cũng nghĩ: “Rất khó để tìm ra một lựa chọn tốt hơn” chọn lựa của Buffett là người con trai Howard.

Tuy nhiên, đa phần các nhà đầu tư đều lo lắng rằng vị “Buffett trẻ”, một nhà nông nghiệp học và từ thiện dường như không được kế thừa bản tính thiên tài và sự tín nhiệm tuyệt đối của người cha. Anh này có thể sẽ gặp phải khó khăn khi lãnh đạo hội đồng quản trị, đặc biệt là nếu công ty bắt đầu gặp khó khăn trong việc kinh doanh.

>> Warren Buffett nghĩ như thế nào về thị trường chứng khoán?

Phương Linh

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM