[Sách hay] Nền giáo dục của người giàu

09/06/2013 09:43 AM |

Như lời tỷ phú Shahid Khan, "Bất cứ khi nào tôi phải đối mặt với một con đường dễ dàng hoặc một con đường khó khăn, thì khó khăn luôn luôn là con đường đúng".


Bố nói: "Cameron, con phải học đại học. Con có thể mất nhà, mất công ty, tiền bạc, thậm chí là vợ con, nhưng không thể thất học. Học vấn là thứ duy nhất không rời bỏ con.

Tôi đáp lại rằng: "Điều đó đúng, nhưng con không đồng ý. Con vẫn đang học hỏi, tại trường đời. Cho dù con không ngồi trên giảng đường hàng ngày nhưng con vẫn học với nhịp độ nhanh hơn các bạn bởi họ phải cố gắng tiếp thu bài giảng của thầy cô. Còn con được học chúng bằng cách trải nghiệm chúng. Trong thời đại Internet bùng nổ, các bạn đồng môn khác sẽ chẳng đuổi kịp con được."

Trong tác phẩm "Nền giáo dục của người giàu" (The Education of Millionaires), nhà báo kiêm tác giả Michael Ellsberg tuyên bố: Người giàu không sử dụng kiến thức trong trường đại học để làm giàu, họ sử dụng cái gọi là "tri thức thực tiễn" hay "trí thông minh đường phố".

Cây bút chuyên về doanh nhân của tờ New York Times và tạp chí Forbes này cho biết, nếu bạn không muốn dấn thân vào con đường khoa học nghiên cứu, bạn sẽ thấy chỉ có trí tuệ hàn lâm là không bao giờ đủ. Phát triển tri thức thực tiễn sẽ cải thiện đáng kể năng lực thành công của bạn. 

Bằng quá trình làm việc và tích lũy các mối quan hệ, Michael Ellsberg tìm hiểu quá trình thành công của một số tỷ phú thành đạt nhất, đi lên từ 2 bàn tay trắng hoặc đã sẵn sàng từ bỏ Harvard để bắt tay vào khởi nghiệp như Elliott Bisnow, Mark Cuban, Mark Zukerberg, Eben Pagan, Russell Simmons, Louis Marx, Sean Parker, Phillip Ruffin...

Anh thu thập những yếu tố chính làm nên kết quả phi thường của họ: nuôi dưỡng niềm tin vào chính mình dù phải trải qua muôn vàn khó khăn, sách, và mối quan hệ với những người tài.

Định kiến xã hội được xem là một trong những rào cản lớn nhất để bạn theo đuổi ước mơ. Bởi "rất ít người ước mơ về thứ mình dễ dàng đạt được. Ước mơ và mục đích sống là thứ lãng mạn, phiêu lưu và đầy hứng khởi". Thế nhưng các chính trị gia, nhà trường, bố mẹ, định kiến xã hội... luôn muốn bạn phải vào đại học và xem đó là cánh cửa duy nhất để thực hiện ước mơ. Nếu không, mọi thứ sẽ đổ sập và khiến bạn đánh mất niềm tin với chính mình.

Nhiều người thành đạt mà Michael Ellsberg từng phỏng vấn cho rằng, bỏ phí từ 4 đến 6 năm trong trường cao đẳng rồi đến đại học quả là khoảng thời gian lãng phí, trong khi họ có thể học rất nhiều từ sách, từ những người giỏi mà mình ngưỡng mộ, từ việc thực hành không mệt mỏi trên con đường thực hiện ước mơ. 

Một trong số họ bình luận: "Vào năm cuối đại học, tất cả những bạn để tóc dài suốt 4 năm bắt đầu cắt ngắn và mua những bộ đồ công sở. Đồng hồ sinh học đã "điểm chuông", đã tới lúc họ phải làm hài lòng cho mẹ mình hoặc thực hiện kế hoạch đã vẽ ra. Tôi thấy hầu như họ chẳng vướng chút bận tâm đến nguyện vọng riêng của mình trong cuộc sống. Sự thật là chẳng có phần thưởng nào cho việc bạn làm theo đam mê mà chỉ có phần thưởng cho thái độ phải phép". 

Nhưng ""Ảnh hưởng" là một sự thay đổi" - Michael Ellsberg viết. "Vì thế muốn tạo ra ảnh hưởng trong lĩnh vực của mình, có nghĩa là bạn đang kêu gọi mọi người đầu tư mạo hiểm vào những điều mới mẻ. Sự đổi mới hay khả năng tiên phong của bạn càng lớn thì bạn càng đòi hỏi mọi người bỏ qua sự an toàn và thoải mái nhiều hơn - điều chẳng lấy gì làm dễ dàng nếu họ không vượt được qua vô số trở ngại". 

Sự an toàn khác với thái độ anh hùng trong cuộc sống. Khả năng tiên phong vốn có nghĩa là "tạo ra tương lai chưa từng tồn tại cho những người khác". Bởi thế, những người lựa chọn con đường khó luôn là những người vĩ đại. 

Như lời tỷ phú Shahid Khan, "Bất cứ khi nào tôi phải đối mặt với một con đường dễ dàng hoặc một con đường khó khăn, thì khó khăn luôn luôn là con đường đúng."

* Trích đoạn dưới đây nằm trong cuốn sách "Nền giáo dục của người giàu" của tác giả Michael Ellsberg, bản tiếng Việt do Alphabooks phát hành 5/2013. 

Còn điều gì táo bạo hơn là việc nỗ lực tạo ra ảnh hưởng lớn đến xã hội mà bỏ qua các mốc theo quy định mà xã hội đặt ra từ trước?

Một khía cạnh quan trọng của tư duy kinh doanh đó là quan sát thế giới xung quanh bạn với lăng kính rộng hơn. Chắc chắn không thể thiếu những quy tắc xã hội nhưng những quy tắc này thường lỗi thời và khá mong manh, vì thế dễ phá bỏ, bẻ gẫy, bỏ qua và phớt lờ để đạt được hiệu quả cao hơn.

*

Russell Ackoff, giáo sư chuyên ngành quản lý trường Wharton, đã viết: “Mọi đứa trẻ từ bé đã được dạy rằng khi ở trường, nếu được thầy cô hỏi, chúng phải tự trả lời câu hỏi: Thầy cô muốn câu trả lời nào? Bằng việc đưa ra câu trả lời mà giáo viên mong muốn, bạn học và được lên lớp.

Tuy nhiên, vấn đề là những câu trả lời đó, chẳng có chút sáng tạo vì nó đã có sẵn rồi. Điều chúng ta cần làm với bọn trẻ là khiến chúng đưa ra câu trả lời mà chúng ta không ngờ đến – thể hiện rõ sự sáng tạo. Thế nhưng chúng ta giết chết sự sáng tạo ấy trong chính trường học.”

*

Russell Simmons, một doanh nhân tỷ phú nói với tôi rằng: “Hãy tìm kiếm nhu cầu của mọi người trong tổ chức và cho họ lời khuyên. “Tôi sẽ sửa chữa vấn đề này” mới là cách mà các doanh nhân suy nghĩ. Bạn nhận được tiền lương dựa trên số lượng vấn đề bạn có thể giải quyết và mọi người sẽ vây xung quanh bạn.

Nếu bạn hiểu công việc của sếp hơn chính bản thân họ thì sếp sẽ kỳ vọng vào bạn hơn nữa. Bạn có thể bắt đầu học hỏi những khía cạnh khác của công việc mà sếp bạn chưa biết tới. Người giải quyết các vấn đề, trải nghiệm tài lãnh đạo và ý tưởng sáng tạo ở tầm thấp sẽ không thể tiến đến vị trí cao nhất, thậm chí còn không thể thăng tiến được.”

Những người có tư duy làm thuê không muốn chịu trách nhiệm với các quyết định sai lầm của mình, vì thế họ né tránh trách nhiệm ra quyết định. Đó là một phần của hành động bảo vệ công việc.

Nhưng họ không hiểu rằng, cách ứng xử này đi ngược lại mục đích đảm bảo công việc tương lai của họ. Bởi họ không thực sự ra bất cứ quyết định nào, có nghĩa là họ chẳng mang lại ảnh hưởng gì. Họ sẽ là người đầu tiên phải ra đi khi cấp trên bắt đầu cân nhắc cắt giảm biên chế.



Theo Vân Sam

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM