Nhà tự nhiên kinh tế –Tại Sao Kinh Tế Học Có Thể Lý Giải Mọi Điều

16/08/2011 14:59 PM |

Tại sao nút áo nam nằm ở mép áo phải trong khi áo nữ thì ngược lại? Sữa đựng trong hộp khối chữ nhật, còn nước giải khát trong lon hình trụ? Bao “điều bí ẩn thường ngày” không được chúng ta để mắt đến...

Thông tin:

Tên sách: Nhà Tự Nhiên Kinh Tế - Tại Sao Kinh Tế Học Có Thể Lý Giải Mọi Điều

Tác giả: Robert H Frank. - Dịch giả: Vương Mộc.

Nhà xuất bản: Nxb Trẻ

Ngày xuất bản: 03 - 2010

Số trang: 308

Giá bìa: 55.000 VNĐ

Giới thiệu nội dung:

Có những điều rất quen thuộc trong cuộc sống, đến nỗi đôi khi chúng ta không hề thắc mắc về nó. Một giáo sư Mỹ đã nhìn thấy hiện tượng đó và khai thác nó thành phương pháp giảng dạy độc đáo của mình.

Bạn có biết tại sao nút áo nam nằm ở mép áo bên phải trong khi áo nữ thì ngược lại? Tại sao sữa đựng trong hộp khối chữ nhật, còn nước giải khát trong lon hình trụ? Trong cuộc sống có biết bao “điều bí ẩn thường ngày” như thế đã không được chúng ta để mắt đến. Với các sinh viên học lớp nhập môn kinh tế của giáo sư Robert Frank ở Trường đại học Cornell (Mỹ) thì khác. Nhiệm vụ của họ là đặt câu hỏi từ những sự việc quen thuộc và tìm câu trả lời.

Có nhiều điều xung quanh mà ta chưa biết.

 
Trong hơn 20 năm đứng lớp, mỗi khi bắt đầu giảng dạy, giáo sư Robert Frank lại giao bài tập thú vị ấy cho các sinh viên. Kết quả là một quyển sách được đón nhận nồng nhiệt và một lối tư duy mới mẻ làm hành trang vào đời cho nhiều thế hệ sinh viên.

Nghĩ mới về những điều bình thường

Đề bài của GS Robert Frank là “Vận dụng các nguyên tắc đã thảo luận trong khóa học, đặt ra một câu hỏi thú vị về một vài khía cạnh của các sự việc hoặc hành vi mà bạn quan sát thấy, rồi đưa ra câu trả lời”. Ông gọi đấy là những “bí ẩn thường ngày”, đã quen thuộc đến mức được mặc nhiên thừa nhận. Nhưng giờ đây, các sinh viên phải lật lại vấn đề để tìm ra điểm thú vị đằng sau những điều đã quen thuộc ấy.

Nhiều người sẽ thắc mắc các bài tập này có liên quan gì đến môn kinh tế mà các sinh viên đang học? Thật ra, trong quá trình tìm câu trả lời, các sinh viên cần phải sử dụng một số kiến thức kinh tế cốt lõi như chi phí cơ hội, phân tích lợi ích – chi phí, tình trạng độc quyền… Ví dụ, để trả lời câu hỏi tại sao sữa đựng trong hộp giấy chữ nhật, một sinh viên cho rằng nó giúp tối thiểu hóa sự chiếm chỗ của các hộp sữa trong tủ giữ lạnh (làm giảm chi phí trưng bày sản phẩm), trái với lon nước giải khát thường được bày trên kệ không cần giữ lạnh.

Tuy nhiên, một số câu hỏi ít liên quan đến kinh tế, nhưng vẫn được chấp nhận chỉ đơn giản vì nó… quá thú vị. Ví dụ câu hỏi về nút áo, khi mới được phát minh, nút áo là một món hàng xa xỉ. Vào thời đó, đàn ông thường tự mặc áo, còn phụ nữ thì có người hầu giúp mặc áo. Vì 90% người thuận tay phải, nút áo sơmi thường được kết vào mép phải cho áo nam và mép trái cho áo nữ để tiện cho người hầu (đa số thuận tay phải).

Quan trọng là chịu tư duy

GS Frank nhấn mạnh rằng câu trả lời của sinh viên không nhất thiết phải đúng. “Điều quan trọng hơn là bản thân các câu hỏi phải thú vị và câu trả lời phải hợp lý”. Tính thú vị của câu hỏi được GS Frank đặc biệt lưu ý vì ba lý do.

Thứ nhất, để đưa ra được một câu hỏi hay, sinh viên phải lựa chọn từ nhiều phương án câu hỏi khác, và chỉ chuyện này thôi cũng đã là một bài tập có ích.

Thứ hai, sinh viên chọn ra được câu hỏi hay thì sẽ tâm đắc với bài làm của mình hơn và dành nhiều công sức để đầu tư cho nó.

Cuối cùng, sinh viên đưa ra câu hỏi hay thường thích bàn về nó với người khác. “Nếu không đưa được một ý tưởng ra khỏi lớp học thì bạn chưa học được gì từ nó cả. Một khi đã sử dụng đến nó thì nó sẽ là của bạn, mãi mãi” – GS Frank khẳng định.

Khi ra bài tập này, ông muốn sinh viên không chỉ biết thêm về một sự thật thú vị trong cuộc sống, mà còn học được nhiều điều khác. Thật vậy, không thể phủ định rằng sinh viên đã rèn luyện cho mình thêm nhiều kỹ năng bổ ích. Do yêu cầu chỉ được trả lời trong chưa đến 500 chữ, họ phải tìm cách trình bày thật ngắn gọn, đơn giản và dễ hiểu. “Hãy tưởng tượng bạn nói chuyện với người nhà của mình và người đó chưa từng học qua về kinh tế. Bài thuyết trình hay nhất phải là bài mà người như thế đọc lên cũng hiểu. Thông thường những bài viết ấy không cần dùng đến phép tính số học hay đồ thị bảng biểu gì cả” – GS Frank yêu cầu.

Bên cạnh đó, kỹ năng tư duy của sinh viên cũng tiến bộ rõ rệt. Trong quá trình lập luận bảo vệ ý kiến của mình, sinh viên dần dần định hình trong đầu câu trả lời hợp lý nhất. Những cuộc trao đổi ý kiến còn giúp họ rèn luyện kỹ năng phản biện.

GS Frank đã tuyển chọn những câu hỏi và trả lời hay nhất của sinh viên đưa vào quyển sách The economic naturalist: In search of explanations for everyday enigmas (tạm dịch: Nhà tự nhiên kinh tế: Tìm kiếm lời giải cho những điều bí ẩn thường ngày). Ông vinh danh tên của tất cả sinh viên tham gia trong quyển sách và trích một nửa tiền bản quyền cho Học viện John S. Knight thuộc Trường đại học Cornell.

Sách đã được đón nhận nồng nhiệt tại Mỹ và tạo ra sự tranh luận sôi nổi ở nhiều diễn đàn trên mạng. Một số độc giả cho rằng câu trả lời trong sách chưa thỏa đáng và đề nghị một câu trả lời khác hợp lý hơn. Đối với GS Frank, đó là thành công, vì mục đích cuối cùng của bài tập này chính là khuyến khích tranh luận.

“Tôi bảo sinh viên câu trả lời của họ không cần phải chính xác. Quan điểm của tôi là sinh viên sẽ say mê các môn học ở trường hơn nếu những người giảng dạy chứng tỏ cho họ thấy những môn học ấy kích thích sinh viên nghĩ về cuộc sống theo những cách mới, thú vị hơn.” Robert Frank -giáo sư kinh tế Đại học Cornell, Mỹ.
 
Trích đoạn:

Vì sao máy tính xách tay tương thích với nguồn điện tại mọi quốc gia?

Tại Mỹ, các hộ gia đình dùng điện 110 volt còn điện áp chuẩn ở Anh là 240 volt. Dây cáp điện của máy tính xách tay có bộ phận biến thế tự động, giúp cho máy tính có thể hoạt động với bất kỳ điện áp nào. Ngược lại, tivi và tủ lạnh chỉ dùng được với điện áp theo đúng thiết kế ban đầu.

Nếu muốn dùng tủ lạnh Mỹ tại Anh, người tiêu dùng phải mua một máy biến thế riêng để chuyển điện áp 240 volt thành 110 volt. Tương tự, nếu muốn dùng tivi Anh ở Mỹ, người ta cũng phải mua máy biến thế để chuyển điện áp từ 110 volt thành 240 volt. Vì sao những thiết bị điện đó không dùng được nhiều điện áp như máy tính xách tay?

Việc cấp điện ở điện áp 240 volt thay vì 110 volt sẽ giúp tiết kiệm hơn một chút nhưng cũng sẽ nguy hiểm hơn dùng điện 110 volt. Từng có nhiều tranh luận nảy lửa tại các quốc gia về việc nên dùng điện áp nào, và bất cứ quyết định nào cũng sẽ kéo theo một lượng tiền khổng lồ đổ vào đầu tư cho hệ thống dùng loại điện áp đó. Vì vậy, trong tương lai gần, khó có khả năng các quốc gia chấp nhận thay đổi điện áp đang dùng. Vì vậy, những người đi từ nước này sang nước khác cần một phương tiện nào đó giúp họ có thể dùng thiết bị điện mang theo với bất kỳ loại điện áp nào.

Nếu thêm bộ phận biến thế vào mọi thiết bị điện thì vấn đề sẽ được giải quyết, nhưng đồng thời cũng làm tăng giá thành. Vì đại đa số ngăn lạnh, máy giặt và tivi được tiêu thụ tại thị trường nội địa sẽ rất hiếm khi có cơ hội được sử dụng bên ngoài quốc gia đó nên việc chịu thêm chi phí để lắp bộ phận biến thế trong là bất hợp lý.

Máy tính xách tay là một ngoại lệ đáng chú ý, đặc biệt là trong thời kỳ nó mới ra đời. Đại đa số những người sử dụng máy tính xách tay thời kỳ đầu là những người cần mang theo máy tính xách tay trong các chuyến công tác trong và ngoài nước. Với những người này, chiếc máy biến thế đời đầu kềnh càng là một gánh nặng không thể chấp nhận trong các chuyến bay quốc tế. Vì vậy, các nhà sản xuất tích hợp luôn thiết bị biến thế vào sản phẩm ngay từ đầu.

Vì sao sữa đựng trong bao hình hộp chữ nhật, nước giải khát trong lon hình trụ tròn?

Hầu như mọi loại nước giải khát không cồn đều được đựng trong lon hình trụ, dù là lon làm bằng nhôm hay thủy tinh. Hộp sữa thường làm bằng nhựa hay giấy cứng và gần như luôn có dạng hình hộp chữ nhật.

Bao bì hình hộp giúp tiết kiệm không gian kệ trưng bày. Vậy thì, tại sao các nhà sản xuất nước giải khát lại thích dùng lon hình trụ tròn?

Với những vỏ hộp làm bằng nhôm, một lý do là hình trụ tròn là hình dạng chịu được áp lực cao nhất sinh ra từ các loại nước có ga. Mặt khác, người ta hay uống nước thẳng từ lon, tay ta khi cầm lon hình trụ tròn sẽ cảm thấy thoải mái hơn, vì vậy chi phí phát sinh cho không gian lưu giữ là có thể chấp nhận được.

Điều này cũng lý giải vì sao chai hay lon làm bằng thủy tinh cũng có dạng hình trụ tròn, dù rằng bao bì hình hộp chữ nhật bằng thủy tinh cũng có thể chịu được áp lực sinh ra từ nước có ga. Đối với sữa, việc tạo cảm giác thoải mái cho người tiêu dùng khi cầm trong tay không quan trọng bằng, vì thường người ta không uống sữa trực tiếp từ hộp.

Ngay cả khi người tiêu dùng uống sữa trực tiếp từ hộp giấy đi nữa thì theo nguyên lý chi phí - lợi ích, người ta cũng không nên dùng vỏ hộp hình trụ tròn cho sữa. Dù rằng bao bì hình hộp giúp tiết kiệm không gian trên kệ dù nó chứa thứ gì bên trong, nhưng việc tiết kiệm không gian có vai trò quan trọng với sản phẩm sữa hơn là sản phẩm nước giải khát. Bởi lẽ đa số nước giải khát trong siêu thị được đặt trên các kệ mở, vốn rất rẻ và không cần chi phí vận hành nào khác.

Trong khi đó, sữa được chứa trong ngăn lạnh, những tủ này giá đắt và phải tốn phí vận hành. Vì vậy, không gian trên kệ trong các ngăn lạnh này rất quý và làm tăng lợi ích của việc đựng sữa trong hộp hình trụ chữ nhật.

Vì sao trên trang phục nữ, nút áo nằm bên trái?

Trong ngành công nghiệp thời trang, các nhà sản xuất luôn tuân theo những tiêu chuẩn nhất định dù rằng quần áo có thể có nhiều kiểu dáng khác nhau để phục vụ cho những nhóm khách hàng khác nhau.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là những tiêu chuẩn dùng cho trang phục nữ lại hoàn toàn ngược lại với trang phục nam. Nếu quy chuẩn này được chọn tùy hứng thì đã đành. Nhưng quy chuẩn trên trang phục nam xem ra cũng khá tiện lợi cho phái nữ. Dù sao thì 90% dân số trên thế giới - dù là nam hay nữ - đều thuận tay phải; vì thế việc cài nút áo từ bên phải sang có vẻ tiện hơn. Vậy tại sao trên trang phục nữ, nút áo lại nằm bên trái?

Đây là một ví dụ mà trong đó lịch sử đóng vai trò thực sự quan trọng. Khi nút áo được phát minh ra lần đầu tiên vào thế kỷ 17, chúng chỉ xuất hiện trên trang phục những người giàu có. Theo phong tục thời đó, đàn ông tự mặc quần áo còn phụ nữ thì được người hầu giúp. Thiết kế nút áo nằm bên trái trên trang phục nữ giúp người hầu - đa số thuận tay phải - cài nút dễ dàng hơn. Nút áo trên trang phục nam nằm bên phải không chỉ để tiện lợi cho đàn ông khi tự mặc đồ, mà khi đàn ông dùng tay phải rút kiếm đeo ở hông trái, kiếm sẽ khó vướng vào áo hơn.

Ngày nay, rất ít phụ nữ nhờ người hầu mặc quần áo, vậy thì tại sao người ta vẫn áp dụng quy chuẩn thiết kế nút áo nằm bên trái trên trang phục nữ? Đó là vì một khi quy chuẩn đã được thiết lập thì rất khó thay đổi. Khi mà tất cả nút áo nữ đều nằm bên trái, sẽ rất rủi ro nếu một công ty may mặc đơn lẻ nào đó chào bán áo với nút nằm bên phải. Phụ nữ đã quá quen với cách cài áo như cũ nên sẽ phải tập hình thành thói quen và kỹ năng để chuyển qua cách cài áo mới. Ngoài ra, một số phụ nữ sẽ thấy e ngại khi xuất hiện trước người khác trong bộ áo với nút nằm bên phải, vì có thể ai đó sẽ để ý và cho là họ mặc áo của nam.

Tổng hợp

Theo Vinabooks

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM