Rút vốn khỏi doanh nghiệp Nhà nước: Không nên ồ ạt và nóng vội

18/10/2016 09:08 AM | Xã hội

Việc rút vốn khỏi doanh nghiệp nhà nước cần có kế hoạch và lộ trình hợp lý để ổn định sự phát triển của các doanh nghiệp sau khi thoái vốn.

Chính phủ đã yêu cầu thoái hết vốn Nhà nước tại 12 doanh nghiệp lớn, ước tính lượng vốn mà nhà nước đang nắm giữ tại các doanh nghiệp này có thể lên tới khoảng 150.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc rút vốn khỏi doanh nghiệp nhà nước không thể làm một cách ồ ạt, nóng vội mà cần có kế hoạch và lộ trình hợp lý để làm sao có hiệu quả nhất cho nhà nước và ổn định sự phát triển của các doanh nghiệp sau khi thoái vốn.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang khẩn trương lên phương án thoái 9% vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) trong năm nay. Hiện SCIC đã lựa chọn xong các đơn vị tư vấn để bán cổ phần.

Ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước cho biết, số vốn mà nước đang nắm giữ tại doanh nghiệp này lên tới khoảng 90.000 tỷ đồng. Việc thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước có thể ảnh hưởng tới xã hội, thị trường vốn, thị trường chứng khoán, do đó cần có lộ trình phù hợp, có thể bán nhiều đợt.

Trong năm nay, SCIC sẽ thực hiện thoái vốn đợt 1 tại doanh nghiệp này với mức thoái vốn 9%. Đây là con số đủ lớn để hấp dẫn nhà đầu tư và nếu bán theo lô thì cũng đảm bảo hiệu quả về giá. Ông Nguyễn Đức Chi cho biết, sau khi chọn được tổ chức tư vấn, SCIC sẽ làm việc thêm để xem xét bán trọn lô, chào giá cạnh tranh và giao dịch thoả thuận nhằm đạt mức giá cao.

Ngoài Vinamilk, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước cũng đang xây dựng lộ trình thoái vốn với 9 doanh nghiệp còn lại như :Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Viễn thông FPT… và có thể rút vốn nhà nước ở một số doanh nghiệp vào nửa đầu năm 2017.

Bên cạnh đó, lộ trình thoái vốn của Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng đang thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bộ Công thương cũng đã đưa ra lộ trình tại Habeco sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu Nhà nước (81.79%) tương đương 9.000 tỷ đồng trong năm nay. Còn đối với Sabeco do vốn lớn, nên sẽ thoái làm 2 đợt, đợt 1 bán 53.59% vốn điều lệ, tương đương 24.000 tỷ đồng trong năm nay, đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017. Đặc biệt, hai doanh nghiệp này sẽ phải niêm yết cổ phiếu trước khi thoái vốn và phải tổ chức thuê tư vấn thẩm định giá trị cổ phiếu của hai công ty làm căn cứ để thoái vốn.

Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, phương án này nhằm bảo đảm tính minh bạch, đồng thời ngăn chặn các nhóm lợi ích làm thất thoát tài sản nhà nước.

TS Độ lưu ý, bán cổ phần quan trọng nhất là công khai, minh bạch, cạnh tranh để giảm bớt tiêu cực. Người mua thì bao giờ cũng muốn mua rẻ nên việc đánh giá giá trị doanh nghiệp lúc đầu rất quan trọng.

Thực tế cho thấy tại nhiều doanh nghiệp lớn, nếu đấu giá nghiêm túc, giá có thể cao hơn nhiều so với giá hiện tại, thậm chí với một số doanh nghiệp là gấp vài lần. Tuy nhiên, theo Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính, nếu cùng lúc bán ra nhiều cổ phiếu doanh nghiệp lớn, chẳng hạn như trường hợp của Vinamilk – doanh nghiệp mà giá trị thực chưa tới 1 tỷ USD nhưng giá thị trường lên tới 9 tỷ USD, thì có thể sẽ tác động lớn đến thị trường. Vì vậy, cần phải có lộ trình và phương án bán phù hợp để có lợi cao nhất.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, đấu giá cạnh tranh, công khai, không phân biệt các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đối với 2 doanh nghiệp như Habeco và Sabeco sẽ phải niêm yết để xem giá trị thật của doanh nghiệp. Sau đó, khi bán vẫn phải thuê tư vấn định giá lại, đặc biệt là giá trị thương hiệu vì không thể lấy giá lúc cổ phần hóa và giá trên thị trường chứng khoán chỉ có thể tham khảo.

Theo các chuyên gia, nếu lộ trình thoái vốn được đưa ra phù hợp thì tổng số tiền có thể thu về qua việc thoái vốn tại 12 doanh nghiệp này lên tới khoảng 7,2 tỉ USD. Con số này có thể còn cao hơn nữa, bởi giá thực sẽ là giá qua đấu giá thành công. Đây sẽ là nguồn thu rất lớn trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, do phần lớn đều là những doanh nghiệp sản xuất, có ảnh hưởng lớn tới thị trường vốn và chứng khoán, bởi vậy, lộ trình và phương án bán vốn sẽ phải cân nhắc lựa chọn thật kỹ, để thu được giá trị cao nhất, nhưng cũng đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp và ổn định thị trường./.

Theo Việt Hà

Cùng chuyên mục
XEM