Rủi ro từ mô hình “sở hữu kỳ nghỉ”

14/10/2023 21:16 PM | Xã hội

Sở hữu kỳ nghỉ là mô hình nghỉ dưỡng không còn quá mới mẻ ở Việt Nam nhưng các vấn đề pháp lý để xử lý và quản lý các doanh nghiệp trong lĩnh vực này gần như chưa có gì.

Một doanh nghiệp quảng cáo là khu nghỉ gốc sẽ đi vào hoạt động vào tháng 1/2024. Nhưng ngoài những hình ảnh sơ bộ về căn hộ mẫu và những nội dung chung chung trong bản hợp đồng thì không có gì chắc chắn về thời điểm mà khách hàng sẽ được nghỉ dưỡng tại đây. "Thời Hạn Kỳ Nghỉ là 25 năm kể từ Năm Bắt Đầu (dự kiến là năm dương lịch 2024)" - lời quảng cáo về khu nghỉ dưỡng.

- Bắt đầu năm dương lịch 2024 là còn không ghi cụ thể vào tháng mấy.

- Em nói thật nhớ, em cứ nói mồm em bảo là em sẽ hoàn thành thời điểm này, anh chị mà cứ hỏi vặn em như thế thì nó sẽ không đi đến đâu cả. Nó là câu chuyện của tương lai.

Rủi ro không chỉ đến từ những đơn vị có khu nghỉ gốc chưa đi vào hoạt động. Mà còn đến từ những doanh nghiệp không có khu nghỉ gốc.

Trong khi đó, một doanh nghiệp khác dù hợp đồng đại lý với khu nghỉ chỉ có thời hạn 2 năm, nhưng họ đã từng chào bán gói kỳ nghỉ lên đến 10 năm. Chính chủ doanh nghiệp cũng phải thừa nhận, mình đang bán rủi ro cho khách hàng.

Ông Nguyễn Kim Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Sea Travel thừa nhận: "Đúng là sẽ gây rủi ro cho khách hàng. Trong kinh doanh khách hàng sở hữu sản phẩm càng dài thì giá vốn chia ra càng rẻ, tuy nhiên, rủi ro sẽ càng tăng vì tính hoạt động liên tục của doanh nghiệp".

Rủi ro từ mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” - Ảnh 1.

Bán sản phẩm rủi ro cho khách hàng, nhưng các doanh nghiệp đều rất tự tin về khả năng sinh lời của sản phẩm.

- Mức chi phí của bọn em hiện tại nó có giá là 380 triệu. Năm ngoái cái thẻ này chỉ rơi vào khoảng 260, 280 triệu. Nhưng đến lúc như chung cư hoàn thành xong thì 500 triệu sẽ là giá của cái thẻ này.

- Với dòng thẻ này nó chắc chắn sẽ tăng thôi. Tăng theo giá thị trường mà chị. Nó sẽ tăng chứ nó không giảm.

- Việc tăng như thế bên em có cam kết với chủ thẻ không?

- Dạ có chị ạ. Bọn em sẽ cam kết là giá sẽ tăng chứ không giảm.

PGS.TS Phạm Trương Hoàng - Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội nhận định: "Nguyên tắc thị trường thì chúng ta không thể nói được điều gì trong tương lai. Chúng ta không thể khẳng định nó lên hay nó xuống cả, thậm chí nó còn sập cơ mà. Cho nên việc chúng ta khẳng định nó chỉ có lợi mà không có hại gì thì tôi cho rằng nó mang tính chất chào mời nhiều hơn là mang tính chất thực tế".

Rủi ro từ mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” - Ảnh 2.

Thứ thực tế và rõ ràng nhất trong quá trình mua bán chỉ là hợp đồng. Nhưng chính trong thứ giấy trắng mực đen này, nhiều điều khoản lại đang rất mập mờ.

Ở các nước có mô hình sở hữu kỳ nghỉ phát triển, những bản hợp đồng mẫu, hợp đồng khung kiểu thông thường sẽ phải tuân theo yêu cầu cụ thể của pháp luật. Nhưng ở Việt Nam, mỗi doanh nghiệp lại tự soạn riêng nội dung hợp đồng mà họ muốn.

Luật sư Bùi Thị Loan - Đoàn luật sư Hà Nội nhận định: "Cái hợp đồng đấy nói chung điều khoản đều rất mông lung. Những cái giao kết quyền lợi của khách hàng không thấy, mà chỉ thấy rằng là công ty cung cấp dịch vụ này là có lợi nhiều hơn".

Rủi ro từ mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” - Ảnh 3.

Nhiều điều khoản trong hợp đồng rất mập mờ.

Sở hữu kỳ nghỉ là khái niệm tài sản phi vật chất, một loại tài sản không hẳn là của người bỏ tiền ra mua, trong khi đó việc tranh chấp và bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu lại chưa được chế định pháp luật nào quy định.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế: "Các quy định thì gần như chưa có gì cả, nên các doanh nghiệp gần như mạnh ai nấy làm. Rất cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý cũng như các cấp chính quyền địa phương để từ đó hoạt động kinh doanh kỳ nghỉ dài hạn này phải được đi vào nề nếp".

Việc xử lý, xử phạt các doanh nghiệp làm ăn gian dối trong lĩnh vực mua bán kỳ nghỉ dài năm "dậm chân tại chỗ", trong khi quyền lợi người tiêu dùng đã và đang đứng trước nguy cơ bị xâm phạm.

Theo VTV Digital

Cùng chuyên mục
XEM