Rũ bỏ hình ảnh dân chơi, doanh nhân Minh Nhựa "nhập vai" vị sếp tâm lý với hàng loạt triết lý sinh tồn nơi công sở: Đi làm rồi mới càng thêm thấm thía

15/04/2022 08:19 AM | Sống

Để có thể giúp đỡ gia đình gánh vác cơ nghiệp Nhựa Long Thành như ngày hôm nay, doanh nhân Phạm Trần Nhật Minh (Minh Nhựa) đã phải trải qua không ít bài học đắt giá trên thương trường.


Phạm Trần Nhật Minh (Minh Nhựa) thường được nhớ tới như một vị đại gia chất chơi sở hữu BST siêu xe và đồng hồ đồ sộ. Tuy nhiên, đằng sau hình ảnh ấy là một doanh nhân bản lĩnh, luôn hết lòng vì công ty gia đình

Ở cương vị Phó TGĐ Công ty TNHH Nhựa Long Thành, vị thiếu gia này từng thừa nhận rằng mình phải chịu áp lực không hề nhỏ. Đã không ít lần anh gặp khó khăn và mắc sai lầm, khiến công ty mất đi một lượng lớn nhân viên, quản lý.

Trải qua nhiều thăng trầm trên thương trường, doanh nhân Minh Nhựa đã đúc rút được không ít bài học quý giá.

Tự học là yếu tố giúp thích nghi với môi trường làm việc và thăng tiến nhanh nhất

Nhân viên nào cũng muốn thăng tiến trong công việc, hòa đồng với đồng nghiệp, được sếp tin tưởng và yêu quý. Để làm được những điều đó, đại gia Minh Nhựa cho rằng yếu tố tự học đóng vai trò rất quan trọng. Tự giác học hỏi và luyện tập sẽ giúp mọi người thích nghi nhanh nhất với môi trường làm việc.

"Nếu không tự học thì dù có mở bao nhiêu lớp đào tạo, bạn cũng chỉ cảm thấy mất thời gian. Cái bạn học được là tư duy, chứ không phải thời gian hay khóa học đó. Dù thầy có giỏi tới chừng nào đi nữa mà không học thì cũng chỉ có vậy", anh viết trên fanpage.

Theo thiếu gia Nhựa Long Thành, nhiều người trong công ty anh chỉ mới học hết cấp 2 hoặc cấp 3 nhưng vẫn đảm nhiệm tốt vị trí leader. Họ luôn cố gắng trau dồi bản thân để đáp ứng được yêu cầu của lãnh đạo, đóng góp cho công ty nhiều giá trị hơn xuất phát điểm ban đầu của mình.

Tự học cũng là yếu tố giúp doanh nhân Minh Nhựa gánh vác cơ nghiệp gia đình. Cảm thấy mình chưa đủ khả năng để tiếp bước cha, anh đã tham gia thêm các khóa học bên ngoài để bồi dưỡng kiến thức dù không ai ép.

"Minh cũng đăng kí học ở các công ty của khách hàng như Samsung. Thời điểm đó sáng đi chiều về, ăn dầm nằm dề một thời gian thì mình mới có ‘đủ sức’ để vận hành nhà máy theo chuẩn các tập đoàn thế giới", anh chia sẻ.

Rũ bỏ hình ảnh dân chơi, doanh nhân Minh Nhựa nhập vai vị sếp tâm lý với hàng loạt triết lý sinh tồn nơi công sở: Đi làm rồi mới càng thêm thấm thía - Ảnh 1.

Đi làm không nên chỉ trông mong vào lương OT

Doanh nhân Minh Nhựa tiết lộ rằng anh không yêu cầu cấp dưới làm OT (overtime), vì đây là trách nhiệm và quyền hạn mang tính cá nhân. Tùy vào tính chất công việc và năng lực bản thân mà nhân viên lựa chọn có OT hay không.

Với những nhân viên yếu, họ cần tự giác tăng thời lượng làm việc ở công ty hoặc ở nhà để đảm bảo hoàn thành tối thiểu công việc được giao. Với những người muốn được tăng lương hay thăng chức, thay vì dành thời gian OT, họ nên học hỏi thêm kinh nghiệm từ lãnh đạo, tăng trao đổi để đạt hiệu quả cao hơn trong công việc.

"Không một công ty nào khuyến khích, mong muốn nhân viên phải làm OT. Bên cạnh công việc thì bạn vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp khác cần nâng niu ở xung quanh như gia đình, bè bạn, tình yêu, sở thích cá nhân…", anh viết.

Dẹp bỏ tư tưởng "Em không được trả lương cho việc này’

Một số bạn trẻ có suy nghĩ, nếu bị giao việc khác với chuyên môn mà không được trả lương thì sẽ không làm.

"Nếu gặp trường hợp như vậy, tôi sẽ không giao việc cho bạn đó nữa. Vì nếu người đó đã không có nhu cầu làm việc thì giao nhiều hay ít, họ cũng sẽ không làm", doanh nhân Minh Nhựa chưa sẻ.

Theo thiếu gia Nhựa Long Thành, giao việc không đúng chuyên môn cho nhân viên là điều bất khả kháng của cấp trên. Bản thân vị sếp đó cũng phải theo dõi rất kỹ để hỗ trợ kịp thời, tránh ảnh hưởng đến công việc.

Anh lấy ví dụ như trong đại dịch Covid-19, khu nhân lực không đủ thì mọi người cũng phải gánh vác và san sẻ cho nhau những việc không phải chuyên môn để giảm gánh nặng cho công ty.

"Do đó, không nên có tư tưởng ‘Em không được trả lương cho việc này!’. Hãy nên học hỏi và thực hiện theo đúng mục tiêu của công ty", doanh nhân Minh Nhựa viết. "Dù đạt hay không đạt kết quả như mong muốn thì cấp trên cũng sẽ hiểu, không la mắng mà ngược lại còn động viên các bạn".

Rũ bỏ hình ảnh dân chơi, doanh nhân Minh Nhựa nhập vai vị sếp tâm lý với hàng loạt triết lý sinh tồn nơi công sở: Đi làm rồi mới càng thêm thấm thía - Ảnh 2.

Tác phong không chỉnh tề thì chất lượng công việc khó có thể tốt

Doanh nhân Minh Nhựa nhận định, tác phong là yếu tố hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất. Mỗi tháng, nhân viên trong công ty anh sẽ được đánh giá 50% về tác phong, 50% về chất lượng công việc.

"Tác phong không chỉnh tề thì chất lượng công việc sẽ thể hiện trên tác phong", anh nói. "Nếu mình không dứt khoát với những người tác phong kém, thì những việc nhỏ không xong, sao làm được việc lớn hơn?".

Vị đại gia này thừa nhận rằng vi phạm tác phong là điều khó tránh trong cuộc sống, kể cả với anh. Tuy nhiên, Minh Nhựa khuyên mọi người nên hạn chế điều này, đừng để người khác đánh giá mình ở mức độ quá tệ. Anh đánh giá cao những người biết nhìn nhận lỗi sai của mình, thành khẩn trình báo và giải thích rõ ràng cho cấp trên, không để lại hậu quả đáng tiếc.

"Tác phong làm việc chuyên nghiệp cũng là yếu tố có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho các cơ hội thăng tiến nghề nghiệp của bạn. Một người làm việc vô kỷ luật thì chắc chắn sẽ không thăng tiến xa được", anh viết.

Nếu bạn đủ giỏi, công ty mặc nhiên phải tăng lương

Đã đi làm, ai cũng muốn thăng tiến trong công việc, được tăng lương đúng với năng lực, công sức và chất xám mình bỏ ra. Tuy nhiên, doanh nhân Minh Nhựa khuyên mọi người không nên thắc mắc "Khi nào được tăng lương?" hay "Tăng bao nhiêu?". Thay vào đó, nhân viên chỉ cần tập trung làm tốt phần việc của mình, để cho sếp thấy họ xứng đáng.

"Nếu bạn giỏi công ty mặc nhiên phải tăng lương cho bạn. Công ty sợ bạn ra đi không giữ được bạn. Đó là lo lắng của công ty chứ mắc gì bạn phải lo?", thiếu gia Nhựa Long Thành giải thích.

"Trường hợp không tăng lương, có thể công ty chưa phát triển; lúc này bạn nên rời đi để kiếm cơ hội mới cho mình. Nếu bạn làm chưa tới nơi tới chốn, mãi không được tăng lương, hãy cố gắng hơn vì công ty đã ban ân huệ, cho thời gian để bạn chứng minh năng lực".

Vị đại gia cũng nhấn mạnh, một công ty đang phát triển sẽ không ngại chi mạnh tay để giữ chân nhân viên giỏi.

Rũ bỏ hình ảnh dân chơi, doanh nhân Minh Nhựa nhập vai vị sếp tâm lý với hàng loạt triết lý sinh tồn nơi công sở: Đi làm rồi mới càng thêm thấm thía - Ảnh 3.

Phối hợp cùng nhau để phát triển thay vì dùng cái tôi xông pha mọi mặt trận

Như nhiều doanh nhân khác, Minh Nhựa cũng không tránh khỏi những sai lầm đau đớn trong những ngày đầu dấn thân nơi thương trường. Một trong số đó chính là để cái tôi làm chủ bản thân.

Thiếu gia Nhựa Long Thành chia sẻ, với mỗi dự án của công ty, anh luôn thể hiện mình là người lãnh đạo giỏi bằng việc vạch sẵn kế hoạch, hoạch định đường hướng,... Anh cho rằng mình không cần nghe ai nói và cũng không muốn tiếp nhận ý kiến từ ai. Vị đại gia này cảm thấy làm như vậy mới thể hiện được cái tôi, sự uy quyền của một người sếp.

Do bị áp đặt, cấp dưới của doanh nhân Minh Nhựa không dám phản bác lại anh, chỉ chăm chăm làm phần việc của mình. Khi dự án gặp trục trặc, vị đại gia lại trách nhân viên không biết đóng góp ý kiến, cứ cắm đầu cắm cổ làm theo.

Cái tôi quá lớn đã khiến Minh Nhựa trở thành một người lãnh đạo thích áp đặt. Cấp dưới của anh cũng vì thế mà nản lòng, rồi cũng dần dần ra đi hết. Điều này khiến vị doanh nhân vô cùng hối hận.

"Nếu bạn cũng đang như vậy thì nên nhìn nhận lại bản thân và tập thay đổi dần đi. Để xây dựng một tập thể vững mạnh, chúng ta cần làm gì? Thể hiện bản thân có thể một mình xông pha mọi mặt trận hay cần chia sẻ và phối hợp cùng nhau để phát triển nhiều hơn?", anh viết.

(Tổng hợp)

Theo Linh Hân

Cùng chuyên mục
XEM