Rốt cuộc mắc ung thư là do do lối sống hay do kém may mắn?

27/07/2017 17:33 PM | Sống

Có những người sống rất lành mạnh nhưng vẫn mắc phải ung thư trong khi đó nhiều người sống không biết tới ngày mai lại chẳng bị ảnh hưởng chút nào, nguyên nhân ung thư có liên quan gì tới may mắn?

“Thưa bác sĩ, nguyên nhân gây bệnh ung thư của tôi là gì?”

Đối với các bác sĩ, câu hỏi này thường làm họ lúng túng. Có nhiều yếu tố gây bệnh, nhưng khi nói đến các trường hợp cụ thể, người ta chỉ có thể đưa ra giả định mà thôi. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang ngày càng hiểu rõ hơn về cơ chế phát triển của các khối u.

Gần đây 2 nhà nghiên cứu người Mỹ đã gây ra rất nhiều tranh cãi khi công trình của họ nói đến vai trò của “sự may rủi” trong căn bệnh ung thư. Christian Tomasetti và Bert Vogelstein đến từ Đại học John Hopkins cho thấy căn bệnh này ít phụ thuộc vào các yếu tố di truyền và môi trường hơn so với sự đột biến ngẫu nhiên (như lỗi tái tạo DNA) xuất hiện bất ngờ trong các tế bào khi chúng phân chia và tái tạo trong suốt quãng đời của mỗi chúng ta.

Nói cách khác, sự may rủi có vai trò rất lớn ở đây. Trong một bài báo năm 2015, họ cũng đã tìm hiểu tần suất các ca ung thư ở các bộ phận khác nhau trong cơ thể người. Chẳng hạn, nguy cơ mắc ung thư phổi là 6,9%, so với 1,08% ung thư tuyến giáp, thấp hơn nữa là ung thư não và các loại khác.

Ung thư thường xuất hiện ở ruột kết hơn so với ruột non

Sự chênh lệch này được giải thích chủ yếu là do người ta phải tiếp xúc nhiều hơn với các nhân tố gây bệnh như thuốc lá, rượu và tia cực tím. Nhưng nó không giải thích tại sao cùng trong hệ tiêu hóa, ruột kết lại bị ung thư nhiều hơn các bộ phận khác. Trên thực tế, ruột non (nằm giữa dạ dày và ruột kết) còn tiếp xúc với các chất gây đột biến nhiều hơn so với các tế bào não, nhưng u não lại phổ biến hơn gấp 3 lần.

Nghịch lý này cũng xảy ra với các bệnh ung thư di truyền. Các khối u ở ruột kết và ruột non đều do sự đột biến gien giống nhau gây ra, nhưng ung thư ở ruột non hiếm hơn nhiều. Tuy nhiên ở chuột thì hiện tượng này diễn ra ngược lại.

Vì thế Tomasetti và Vogelstein đưa ra giả thuyết rằng nguyên nhân có thể nằm ở sự đột biến ngẫu nhiên xảy ra trong quá trình phân chia tế bào. Ở người, tốc độ tái tạo tế bào ở ruột già nhanh hơn ở ruột non, trong khi ở chuột thì ngược lại. Tế bào phân chia càng nhanh, thì nguy cơ xảy ra lỗi trong quá trình sao chép DNA lại càng cao.

Tốc độ tái tạo tế bào có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư

Nghiên của Tomasetti và Vogelstein cho thấy tốc độ tái tạo tế bào nhân càng cao, thì nguy cơ mắc ung thư ở bộ phận đó càng cao. Kết quả ban đầu này còn được củng cố bằng một nghiên cứu mới công bố vào tháng 3 năm nay, cho thấy hiện tượng tương tự cũng xảy ra với người dân ở 69 nước khác nhau.

Sau đó họ tiếp tục cô lập tác động của đột biến ngẫu nhiên khỏi tác động của các yếu tố gây ung thư khác. Họ giải thích rằng đa phần các ca ung thư là do đen đủi – nói cách khác là do sự đột biến ngẫu nhiên, tự phát. “Sự may rủi” còn đóng vai trò quan trọng hơn ở các bệnh ung thư có liên quan đến các nguyên nhân môi trường, chẳng hạn những bệnh ung thư do hút thuốc gây ra.

Vai trò của stress

Mỗi bước trong quá trình một tế bào bình thường trở thành tế bào ung thư đều chịu ảnh hưởng của stress và các hormone gây stress. Vì thế, chứng căng thẳng mạn tính, vốn chủ yếu gây ra bởi stress tâm lý, có thể được coi là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ung thư.

Căng thẳng tâm lý mạn tính làm tăng tốc độ tái tạo tế bào, gây ra tình trạng đứt gãy đoạn cuối nhiễm sắc thể - bộ phận bảo vệ nhiễm sắc thể khỏi các tổn hại. Hiện tượng này đã được khám phá bởi Elizabeth Blackburn, người giành giải Nobel năm 2009. Những tế bào khác biệt này càng sản sinh nhiều, thì nguy cơ đột biến ngẫu nhiên trong DNA càng cao. Ngoài ra, càng nhiều các tế bào này già hóa và chết đi, thì càng nhiều tế bào nhân được phân chia và tạo ra các tế bào mới, làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.

Vấn đề may rủi xoay quanh nghiên cứu của Tomasetti và Vogelstein cũng cung cấp thêm những hướng suy luận mới. Họ cho biết ở Anh 42% các ca ung thư có thể tránh được nhờ thay đổi môi trường sống và lối sống. Ở Pháp, Viện Ung thư Quốc gia cũng đưa ra con số tương tự về các ca ung thư có thể phòng tránh được. Con số này vừa cao lại vừa thấp. Phải chăng điều này có nghĩa là chúng ta chẳng thể làm gì được với 60% các ca còn lại?

Tomasetti và Vogelstein cũng phần nào đưa ra được gợi ý để chiến đấu với “vận rủi”. Họ khuyên nên sử dụng các chất chống oxy hóa trong việc ngăn ngừa ung thư. Ngoài ra, với nguy cơ rất lớn từ stress, việc bảo vệ sức khỏe tâm lý của một người cũng là một vũ khí hữu hiệu giúp chống lại ung thư.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM