Robot đe dọa việc làm của người lao động

15/01/2019 11:34 AM | Công nghệ

Nhiều doanh nghiệp sản xuất sa thải dần lao động trình độ thấp; nhiều hoạt động kinh doanh trên nền tự động hóa, không tuyển lao động.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định Việt Nam có đến 86% lao động (gần 2,3 triệu người, trong đó khoảng 78% là lao động nữ ngành dệt may) trong các ngành dệt may và giày dép, có nguy cơ cao mất việc dưới những đột phá về công nghệ mới. Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, công bố con số thống kê có khoảng 75% lực lượng lao động ở Việt Nam bị tác động bởi cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

7 người máy thay gần 400 chỗ làm

Theo ILO, ước chừng 44% lực lượng công nhân (CN) nhà máy trên thế giới, có nguy cơ cao bị robot thay thế.

Việt Nam có 94% doanh nghiệp (DN) nhỏ, 2% DN vừa và 2% DN lớn. Lao động Việt Nam làm việc ở khu vực công nghiệp chủ yếu tay nghề thấp với công việc lắp ráp và gia công. Việc họ bị thay thế bằng người máy đang hiển hiện.

Ở Công ty CP Phích nước Bóng đèn Rạng Đông sau khi trang bị 1.000 tay máy tự động, đồng nghĩa với việc đại bộ phận CN ra đi, số còn lại phải đào tạo mới để vận hành máy móc. Nhà máy sữa Vinamilk ở Bình Dương với hệ thống robot sản xuất tự động, sử dụng rất ít CN. Công ty Gốm sứ Minh Long I, sau khi nhập về 7 robot tạo dáng sản phẩm với độ chính xác cao, đã giảm lượng nhân công từ 400 người xuống còn... 15. Vài năm gần đây, với chủ trương chuyển từ thâm dụng lao động sang thâm dụng đầu tư, mỗi năm Công ty May Sài Gòn giảm 5% số lượng CN, dù đơn hàng sản xuất ngày một nhiều hơn.

Vừa qua, tại TP HCM, đã có cửa hàng bách hóa tự động không người bán. Khách sau khi lấy hàng trên kệ chỉ cần lựa chọn hình sản phẩm trên màn hình cảm ứng rồi quét mã QR từ ứng dụng để thực hiện lệnh thanh toán qua thẻ. Đơn vị đầu tư dự kiến mở khoảng 2.000 cửa hàng dạng này tại Việt Nam trong thời gian tới.

Không chỉ CN, những nông dân nghèo cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi công nghệ cao được đưa vào trong các hoạt động chế biến, trồng trọt, chăn nuôi...

Ở Mỹ, Nhà Trắng trong báo cáo "Chuẩn bị cho tương lai của trí tuệ nhân tạo", đưa ra một dẫn chứng về sự biến đổi nhân lực khi có máy móc thay thế: "Năm 1870, khoảng một nửa lao động cả nước làm việc trong ngành nông nghiệp. Nhưng bây giờ, với máy móc và công nghệ cao, chỉ còn không đầy 2% lao động ở lĩnh vực này nhưng sản lượng sản xuất thực phẩm vượt quá nhu cầu trong nước".

Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp với khoảng 70% dân số sống ở nông thôn.Trong đó, chỉ khoảng 11,2% lao động có qua đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên. Do còn sản xuất trong tình trạng thâm dụng lao động là chính nên trong cơ cấu GDP, sản phẩm nông nghiệp chỉ chiếm 16%; nhưng lao động chiếm tới 42%.

Một khi nông nghiệp cao phát triển mạnh ở nông thôn, con số thất nghiệp sẽ rất lớn, các vấn đề xã hội sẽ phát sinh.

Vai trò điều phối của nhà nước

Tổng cục Thống kê công bố tính đến quý IV/2017, Việt Nam có khoảng 55,1 triệu lao động. Trong đó, khoảng gần 43 triệu người không qua đào tạo (lao động phổ thông). Đây thực sự là những con số đang trì kéo nền kinh tế.

Trước thực trạng trên, hàng loạt vấn đề đang đặt ra: Việc đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động trình độ thấp là một yêu cầu cấp bách. Cạnh đó, công tác dự báo cung - cầu lao động trong các ngành nghề cũng quan trọng không kém. Và, các chính sách an sinh xã hội cần thay đổi để hỗ trợ người lao động nghèo, trình độ thấp an tâm nâng cao trình độ nhằm chuyển đổi nghề nghiệp...

Ngay Mỹ, nơi có nền công nghiệp hiện đại và kinh tế hàng đầu thế giới, trong bản báo cáo của Nhà Trắng cũng đã phải đặt vấn đề: "Việc AI (trí tuệ nhân tạo) có dẫn đến tình trạng thất nghiệp và sự gia tăng bất bình đẳng hơn về lâu dài hay không, không chỉ phụ thuộc vào bản thân công nghệ mà còn vào các thiết chế và chính sách được đưa ra".

Trên thế giới, giáo dục nghề nghiệp luôn chiếm 40%-60%, thậm chí có những quốc gia phân luồng, phân khúc giáo dục nghề nghiệp đến 80%, đại học chỉ đào tạo ra những tinh hoa. Như vậy, gọi tên quy trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, không chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mà còn một cái tên ít được chú ý là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Với Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đề ra 5 định hướng cải tổ giáo dục. Với Tổng cục GDNN, Tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cũng có 4 giải pháp đổi mới.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (chủ quản của Tổng cục GDNN) đang xây dựng Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại người lao động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, tham gia xây dựng đề án "Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" (nội dung về cơ chế, chính sách đối với GDNN) do Ban Kinh tế trung ương chủ trì.

Trong khi người lao động trình độ thấp đang thất nghiệp dần từng ngày, phải bám vỉa hè, bám vào những công việc lao động phổ thông để kiếm sống thì các thiết chế, chính sách để tạo dựng nên một nguồn nhân lực - đủ sức đáp ứng yêu cầu tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra trên toàn cầu - vẫn đang ở thì tương lai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tỏ ra sốt ruột. Ông yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tập trung thực hiện ngay, đó là: nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho nguồn nhân lực. "Viên đạn" thể chế và chính sách cho việc phát triển nguồn nhân lực đã được lãnh đạo chính phủ đặt lên nòng, vấn đề còn lại là bao giờ các bộ, ngành đủ sức bắn và đủ năng lực bắn trúng đích?

Nói như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đất nước chúng ta đã bỏ lỡ 3 cuộc cách mạng công nghiệp. Liệu rằng chuyến tàu cách mạng công nghiệp lần thứ tư này, chúng ta có kịp lên, khi mà hiện nay vẫn còn 72,8 % người lao động chưa được đào tạo, họ vẫn ở dạng "thô", bán sức lao động là chính.

Việc cũ mất đi, việc mới ai làm?

Theo các nhà phân tích tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos 2016, xu hướng cho kỷ nguyên công nghệ này tập trung vào những nghề: nhân lực có kỹ năng phân tích dữ liệu cùng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Chuyên gia phân tích dữ liệu hay nhà phát triển ứng dụng hiện tại ở khắp các lĩnh vực khác như tài chính và đầu tư, truyền thông tin tức và giải trí. Nhu cầu nhân lực có kỹ năng phân tích dữ liệu và ICT đang có tốc độ phát triển nhanh nhất trong giai đoạn 2015-2020. Dự báo, Việt Nam cần thêm khoảng 1 triệu lao động ngành công nghệ thông tin vào năm 2020.

Công nghiệp xây dựng, vận tải và in 3D với robot thế hệ mới cũng cần nhân lực vận hành. Công nghệ sinh học được coi là ngành phát triển thần kỳ. Hiện nay, sự khan hiếm nguồn nhân lực cao đang diễn ra tại nhiều DN.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, tới năm 2025, có tới 80% công việc sẽ là những công việc mới chưa từng có ở thời điểm hiện nay. Theo dự đoán của các nhà phân tích, sự thay đổi về nhân lực sẽ diễn biến trong khoảng 10 năm.

Với nhu cầu lao động trên, người ta khó tìm thấy chỗ đứng cho các lao động có trình độ thấp. Ngay cả đến việc vận hành những con robot đơn giản nhất, họ cũng cần phải được đào tạo lại.

Theo Trương Mai Lan

Từ khóa:  robot
Cùng chuyên mục
XEM