Rộ mốt gửi con ra nước ngoài du học, Trung Quốc đang bành trướng "quyền lực mềm"?
Theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, sinh viên Trung Quốc đóng góp cho nền kinh tế Mỹ 12 tỷ USD mỗi năm.
Nhìn theo nhiều cách thì Zhang Dayin – chàng trai 30 tuổi đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành tài chính tại ĐH California, Berkeley, đang sống trong "giấc mơ Mỹ". Anh lớn lên ở 1 thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Giang Tô miền Đông Trung Quốc , là con trai của 1 người tàn tật kiếm sống bằng nghề bán vé số. Cách đây 1 thập kỷ, anh trở thành người đầu tiên trong gia đình có thể bước chân vào cánh cổng trường đại học – Renmin University, một trong những đại học tốt nhất ở Trung Quốc. Khi mới đặt chân đến Bắc Kinh, Zhang đã bị ấn tượng mạnh bởi cuộc sống nơi đô thị phồn hoa.
5 năm sau, sau khi lấy được bằng thạc sĩ, Zhang lại có 1 bước đột phá mới: cơ hội đi du học ở Mỹ. "Đó là ước mơ của mọi đứa trẻ. Bạn phải đi tới Mỹ", anh nói. Zhang đã tới thăm các biểu tượng của văn hóa Mỹ: Hollywood, phố Wall, tượng Abraham Lincohn ở Washington, DC. Anh thích thú đến nỗi đã quyết định nộp hồ sơ làm luận án tiến sĩ tại Berkeley, nơi anh sinh sống từ năm 2014 đến nay.
Zhang là một trong số 5,2 triệu người Trung Quốc đã đi ra nước ngoài học tập kể từ khi cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình triển khai chính sách "cải cách và mở cửa" năm 1978. Con số đang tăng lên rất nhanh. Năm 2017, hơn 600.000 người Trung Quốc đi học đại học ở nước ngoài, cao gấp 4 lần so với 1 thập kỷ trước.
Số du học sinh Trung Quốc ở nước ngoài đã tăng vọt trong thập kỷ vừa qua.
Những điểm đến phổ biến nhất là các quốc gia nói tiếng Anh mà đông nhất là Mỹ. Từ năm 2006 đến 2016 số sinh viên Trung Quốc tại các đại học Mỹ tăng gấp 5 lần, lên hơn 320.000 người, chiếm 1/3 tổng số sinh viên ngoại quốc đang học tập tại các ngôi trường này. Theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, sinh viên Trung Quốc đóng góp cho nền kinh tế Mỹ 12 tỷ USD mỗi năm.
Nhu cầu học tập ở phương Tây và sự các quy định được Chính phủ nới lỏng đã giúp hoạt động kinh doanh của nhiều cơ sở giáo dục bùng nổ. Ở Mỹ, ngân sách bị cắt giảm khiến nhiều trường công lập ngày càng phải phụ thuộc nhiều hơn vào các sinh viên ngoại quốc – những người phải trả toàn bộ học phí. Ở Berkeley, học phí có thể lên đến hơn 45.000 USD mỗi năm cho giáo dục bậc sau đại học.
Số lượng sinh viên Trung Quốc theo học tại Berkeley cũng như nhiều đại học khác ở Mỹ đã tăng mạnh. Năm ngoái, có gần 2.300 người, cao hơn gấp 6 lần so với năm 2007. Từ tỷ trọng chưa đến 1/7 cách đây 1 thập kỷ, nay họ đã chiếm 1/3 tổng số sinh viên ngoại quốc. Khoảng 1 trong số 11 sinh viên mới tại các ký túc xá của ĐH California là đến từ Trung Quốc, đó còn là chưa kể đến những người sinh ra ở Trung Quốc nhưng đã trở thành công dân Mỹ.
Quyền lực mềm được cá nhân hóa
Nhìn qua thì đây sẽ là một lợi thế trời cho giúp nước Mỹ gia tăng quyền lực mềm. Hơn 300.000 bộ óc thuộc dạng sáng láng nhất của Trung Quốc đang trải qua những năm bản lề của cuộc đời họ tại những ký túc xá mang đậm màu sắc tự do của các trường đại học Mỹ. Họ được tiếp cận với mọi thông tin, trong đó có những thông tin có thể bị kiểm duyệt chặt chẽ ở Trung Quốc.
Từ lâu nay Mỹ vẫn lạc quan về chuyện những sinh viên nước ngoài được giáo dục tại Mỹ ít nhiều cũng sẽ tiếp thu văn hóa Mỹ. "Sẽ không có tài sản nào mang lại nhiều giá trị cho nước Mỹ như tình bạn giữa những nhà lãnh đạo thế giới đã cùng nhau học tập ở Mỹ", cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell từng phát biểu như vậy năm 2001.
Tuy nhiên cho đến nay thì có vẻ như đây là nhận định quá lạc quan. Kể từ cuối những năm 1970 đến nay nước Mỹ đã đào tạo khoảng 2 triệu sinh viên Trung Quốc, trong đó có cả những con cháu của một vài nhà lãnh đạo từng chèo lái thời kỳ cải cách và mở cửa của Trung Quốc như con trai ông Đặng Tiểu Bình, con trai ông Giang Trạch Dân, con gái ông Hồ Cẩm Đào và con gái của ông Tập Cận Bình (người đã tốt nghiệp Harvard năm 2014). Tuy nhiên, mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ không đạt được bước đột phá.
Các sinh viên Trung Quốc đến Mỹ cũng có những cảm nhận khác nhau về thị trường tự do và hệ thống chính trị của nước Mỹ. Chính Zhang cũng có những hoài nghi khi ở Berkeley. "Cả thế giới đang cảm thấy bối rối. Hệ thống nào tốt hơn? Gần đây có nhiều tiếng nói chỉ trích hệ thống chính trị Mỹ và Anh trong khi Trung Quốc thực sự đang làm khá tốt", Zhang nói với phóng viên The Economist trong buổi hẹn tại 1 quán cà phê ở gần San Francisco.
Đôi lúc sẽ có những cuộc tranh luận học thuật khá gay gắt nổ ra giữa sinh viên Trung Quốc và các sinh viên nước khác vì những quan điểm khác nhau về Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hầu hết đều tự hào về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc nhưng cũng có một số ý kiến bày tỏ sự hoài nghi về các quyết định của Chính phủ, ví dụ như động thái kiểm soát Internet quá chặt chẽ.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Alastair Iain Johnson của ĐH Harvard với các dữ liệu từ Bắc Kinh cho thấy từ năm 2009 đến nay chủ nghĩa dân tộc trong nhóm các sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài đã có xu hướng giảm xuống, đặc biệt trong nhóm những người trẻ tuổi hơn.
Cho con cái đi du học nước ngoài là lựa chọn của ngày càng nhiều gia đình Trung Quốc muốn tìm 1 môi trường sống tốt hơn. Báo cáo Hồ Nhuận năm 2012 cho thấy 2,7 triệu người Trung Quốc có thu nhập hơn 1 triệu USD mỗi năm và 85% trong số này có ý định cho con cái hưởng chế độ giáo dục ở nước ngoài. Dù xã hội phương Tây vẫn còn nhiều bất ổn, những nước này vẫn được coi là thiên đường để tiền bạc và cả gia đình họ trú ẩn.