RedDoorz – Chuỗi khách sạn bình dân, phòng "chất" lăm le cạnh tranh với Oyo, huy động được 140 triệu USD, đã có mặt tại Indonesia, Singapore và Việt Nam

19/08/2019 13:14 PM | Kinh doanh

Amit Saberwal đã trải qua nhiều đêm mất ngủ trong quá trình hình thành ý tưởng và lên kế hoạch phát phát triển một dịch vụ khách sạn giá rẻ trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á, RedDoorz.

Amit Saberwal là cựu giám đốc kinh doanh và marketing của một chuỗi khách sạn hạng sang tại Ấn Độ. Ý tưởng của ông về những phòng khách sạn chất lượng với giá bình dân chỉ 20 USD/đêm dường như là một điều không thực tế đối với nhiều nhà tài chính từng từ chối đầu tư. Đây cũng là thị trường bị nhiều doanh nghiệp lãng quên. Phải mất khoảng 6 tháng Amit mới nhận được khoản đầu tư khiêm tốn trị giá 540.000 USD từ Jungle Ventures Pte.

RedDoorz – Chuỗi khách sạn bình dân, phòng chất lăm le cạnh tranh với Oyo, huy động được 140 triệu USD, đã có mặt tại Indonesia, Singapore và Việt Nam - Ảnh 1.

Amit Saberwal - CEO của RedDoorz.

4 năm sau, nhiều đối thủ trên thị trường đã biến mất còn "người mất ngủ" năm nào đã trở thành ông chủ của chuỗi 1.400 khách sạn tại 80 thành phố ở Indonesia, Singapore, Philippines và Việt Nam. Việc huy động vốn của RedDoorz cũng nhờ đó mà dễ dàng hơn. Ngày 19/8, công ty cho biết đã gọi vốn thành công 70 triệu USD từ gã khổng lồ thương mại điện tử Rakuten của Nhật Bản, Asia Partners và Mirae Asset-Naver Asia Growth Fund.

Anurag Srivastava, đối tác quản lý của Jungle Ventures chia sẻ: "Amit cuối cùng cũng đã thuyết phục được các nhà đầu tư bằng một kế hoạch kinh doanh khôn ngoan. Anh ấy đã xây dựng công ty một cách thận trọng và không điên cuồng đốt tiền như nhiều startup khác. Chúng tôi có niềm tin vào Amit".

Startup 4 năm tuổi của Amit hiện huy động được tổng cộng 140 triệu USD từ khi thành lập. Một số nhà đầu tư bao gồm: 500 Startups, SIG và Qiming Venture Partners

RedDoorz – Chuỗi khách sạn bình dân, phòng chất lăm le cạnh tranh với Oyo, huy động được 140 triệu USD, đã có mặt tại Indonesia, Singapore và Việt Nam - Ảnh 2.

Giao diện ứng dụng RedDoorz.

Khoản đầu tư mới nhất sẽ giúp RedDoorz tăng tính cạnh tranh với chuỗi khách sạn Oyo được tập đoàn SoftBank hậu thuẫn. Được biết, Oyo có kế hoạch rót 100 triệu USD vào Indonesia, thị trường lớn nhất ở thời điểm hiện tại của RedDoorz. Và đây chỉ là một phần trong kế hoạch chinh phục thị trường toàn cầu của Oyo.

Về phần mình, Amit cho biết ông thích tập trung vào khu vực Đông Nam Á. Dự kiến RedDoorz sẽ tấn công thị trường Malaysia và Thái Lan trong năm nay trước khi mở rộng sang các quốc gia khác như Campuchia.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, CEO 49 tuổi chia sẻ: "Hành trình 4 năm qua đã cho thấy chúng tôi có cơ hội rất lớn tại một thị trường ngách mà nhiều doanh nghiệp khác không chú ý tới".

Tương tự như Oyo, RedDoors đã liên kết với các chủ khách sạn bình dân, cung cấp cho họ phần mềm, vật tư và đào tạo nhân viên của họ theo tiêu chuẩn chung. Doanh thu sẽ được chia theo tỷ lệ cho các bên.

RedDoorz – Chuỗi khách sạn bình dân, phòng chất lăm le cạnh tranh với Oyo, huy động được 140 triệu USD, đã có mặt tại Indonesia, Singapore và Việt Nam - Ảnh 3.

Chuỗi khách sạn bình dân Oyo có tham vọng chinh phục thị trường toàn cầu.

Cả RedDoorz và Oyo đang trên đà phát triển mạnh nhờ giới trẻ châu Á đang ngày càng rủng rỉnh hơn và thích đi du lịch tự túc. Theo Bain & Co, đến năm 2022, Đông Nam Á sẽ có một tầng lớp trung lưu gồm 350 triệu người. Có 125.000 khách sạn bình dân trong phân khúc 3 sao trở xuống và mục tiêu của RedDoorz là chiếm lĩnh được 2.000 trong số đó vào cuối năm nay.

Kế hoạch dài hơi của Amit là xây dựng RedDoorz trở thành kỳ lân với mức định giá 1 tỷ USD vào năm tới và có thể là 5 tỷ USD trong 3 năm nữa. Khi đó, ông hy vọng sẽ đưa công ty lên sàn chứng khoán.

Đối với Amit, IPO là giấc mơ và cũng là cách mang lại ảnh hưởng tốt đối với nhân viên công ty. MakeMyTrip.com – nơi ông từng giữ chức vụ giám đốc kinh doanh trong vòng 9 năm đã IPO năm 2010 và cổ phiếu tăng 89% trong ngày đầu giao dịch.

Amit giãi bày: "Rung chuông trong sự kiện IPO là một cảm giác tuyệt vời. Tôi đã không đeo cà vạt sau khi nghỉ việc tại khách sạn vì đã chán ngấy với phụ kiện này nhưng có lẽ khi RedDoorz IPO, tôi sẽ đeo nó trở lại".

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM