Rau sạch dỏm 'biến hình' vào Winmart, Tiki ngon
Nhiều người dân sẵn sàng trả giá cao để mua rau "an toàn" và "đạt chuẩn VietGAP" bán tại các siêu thị. Nhưng họ không thể ngờ rằng có một số công ty đã đi gom rau ở chợ, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị.
Rau củ được Công ty Trình Nhi mua ở chợ, sơ chế, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị Winmart - Ảnh: BÔNG MAI
Tìm hiểu ở cơ sở sơ chế rau đặt tại Công ty TNHH MTV Viager (phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP.HCM) trong thời gian từ tháng 8 đến giữa tháng 9, chúng tôi đã ghi nhận hậu trường "phù phép" rau chợ đầu mối thành "rau sạch Đà Lạt", chuẩn VietGAP.
Những người giao rau "bí ẩn"
Cứ gần 10h tối, một người đàn ông chạy chiếc xe máy cà tàng đậu ngay trước cửa cơ sở sơ chế, sau đó dùng sức khiêng các bọc rau lớn từ yên xe đặt xuống sàn nhà, rồi đặt lên cân.
Nữ công nhân lớn tuổi tên L. tất tả chạy tới ghi số lượng vào giấy, rồi sai các công nhân cắt miệng bọc ni lông và lấy rau ra kiểm tra xem có bị héo, giập nát... thì đổi hàng đẹp hơn.
Khi đã nhận đợt rau gia vị (hành, ngò, thì là, tía tô, húng thơm...) từ người đàn ông này, các công nhân bắt tay vào công việc chính, một nhóm lặt lá xấu, nhóm còn lại đóng gói vào bao bì.
Từ khoảng 11h đêm đến 3h sáng, đều đặn các ngày, lại có những người khác chạy xe máy tới giao các loại rau ăn lá (cải, dền, muống...), trái - củ (khổ qua, bầu, bí, cà rốt...) để cho công nhân nhận và tiếp tục sơ chế, đóng gói vào bịch nhỏ, khay hoặc túi lưới.
Những người giao hàng "bí ẩn" không chỉ xuất hiện một mà rất nhiều ngày. Qua các cuộc trò chuyện và quan sát, cơ sở này còn có một nhân viên tên Th. chuyên đi thương lượng, mua, đổi trả rau với những người "bí ẩn" trên.
Đến khoảng 6h-8h sáng, nhóm công nhân vội vã hoàn tất việc sơ chế, đóng gói, rồi phân công nhau dán tem nhãn để kịp giao cho các shipper (tài xế giao hàng).
Công việc diễn ra suôn sẻ, nhưng tem nhãn được dán lên các bịch/khay/túi lại ghi dòng chữ "Rau củ quả Đà Lạt", kèm thông tin Công ty TNHH nông sản Trình Nhi (còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods), có nhà máy tại lô F2, Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Đặc biệt, trên tem của đơn vị này còn có logo biểu thị rau củ đạt chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành).
Vậy rau củ các công nhân sơ chế có phải được trồng ở Đà Lạt và đạt chuẩn VietGAP? Tại sao không nhập rau bằng xe tải một lần cho nhanh mà phải chở xe máy?
Công nhân dán tem VietGAP vào gói rau mua từ chợ đầu mối đã được sơ chế - Ảnh: BÔNG MAI
Tuồn rau từ chợ đầu mối
Trong một tối trời mưa to, khi người đàn ông giao hàng xong và quay xe đi, chúng tôi tranh thủ hỏi chuyện giao nhận hàng. Anh này cho biết tên H., đang cùng vợ bán rau củ trong chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, kế bên kho này chỉ vài trăm mét.
Hỏi kỹ về chuyến rau vừa giao tới kho, anh cho hay: "Nãy rau thơm là rau miền Tây không à". Đồng thời nói nếu rau nào mà vựa không có thì anh sẽ đi mua giùm cho.
Để xác minh, cũng trong tháng 8, chúng tôi tìm tới vựa rau mà người đàn ông kể trên đang bán cùng vợ bên trong chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.
Khi chúng tôi ngỏ ý đang cần mua rau để bán trong siêu thị, chị G. (vợ người đàn ông giao rau) nhanh nhẹn giới thiệu và đưa màn hình điện thoại cho chúng tôi xem nội dung chat trong nhóm Zalo có ba người gồm chị, nhân viên tên Th. và ông Trình (Lê Đặng Nhật Trình - giám đốc Viager).
Chị này cũng khẳng định thường xuyên giao rau tới cơ sở chúng tôi làm việc, đồng thời biết cả chuyện nhập rau của chị về làm đẹp và bán lại cho siêu thị.
Về nguồn gốc rau, tiểu thương này cho biết "chỗ nào cũng lấy", vì "bán ở chợ này phải cập nhật giá thật tốt mới cạnh tranh nổi". Chẳng hạn như hôm nay rau Bình Chánh (TP.HCM), Đà Lạt, Vũng Tàu, Tiền Giang..., chỗ nào giá mềm sẽ lấy.
Khi chúng tôi hỏi rau có đạt tiêu chuẩn VietGAP hay tiêu chuẩn nào khác, tiểu thương này lắc đầu: "Hông". Đồng thời nói thêm: "Nói chung đồ này chỉ nhập vậy thôi, chị hổng có làm giấy tờ được, chợ này cũng hông ai làm giấy tờ".
Sau khi xác định được địa điểm cụ thể của vựa, chúng tôi theo dõi cả quá trình di chuyển của xe, để thấy rau chợ đầu mối được đưa thẳng vào cơ sở Trình Nhi.
Khoảng 9h tối 24-8-2022, chị G. cùng chồng xếp đầy rau vào rổ được cột trên yên chiếc xe Dream không biển số. Bám theo, chiếc xe này chạy thẳng từ chợ đầu mối về cơ sở rau công nhân đang làm việc, đặt rau trước cửa. Sau đó có công nhân tới mở cửa và lấy rau vào cân, sơ chế.
Lần nữa quay lại vào đêm 4-9, hỏi tiếp về chứng nhận VietGAP, tiểu thương này cũng xác nhận: "Hông. Đâu ai đăng ký cho đâu mà rau VietGAP". Chị này cũng giải thích: "Nhà vườn họ trồng đại trà, đâu có đăng ký giấy tờ gì đâu mà cung cấp cho mình".
Đặt vấn đề muốn mua rau VietGAP, chị này bày tỏ: "Em kiếm cái đó chỉ có bản thân em tự trồng thôi (...). Ở chợ đôi khi còn cung cấp không đủ, đứt hàng. Em trồng VietGAP sao em đủ cung cấp".
Tiểu thương cũng cho biết khách hàng mua rau của mình về dán nhãn VietGAP rồi bỏ vào siêu thị với giá cao gấp nhiều lần là chuyện bình thường, vì phải bỏ tiền thuê công nhân sơ chế, quản kho, kế toán, mua bao bì... Trong khi "vô siêu thị là dân nhà giàu, dân thượng lưu". Như vậy, tem VietGAP là cách để "đảm bảo cho sự mần ăn của người ta".
Rau Nông sản Trình Nhi có in logo VietGAP được bán trong siêu thị Winmart - Ảnh: BÔNG MAI
Đích đến rau giả VietGAP: Winmart, Tiki ngon
Bám theo rau sạch giả của Trình Nhi, chúng tôi giật mình vì rau được giao tới nhiều hệ thống bán lẻ có tiếng, quy mô lớn.
"Giao cho DC" là một trong những cụm từ được người trong cơ sở Trình Nhi nhắc nhiều lần. DC (Distribution Center) - trung tâm phân phối, nơi nhập, bảo quản và đưa hàng hóa ra thị trường. Vậy rau được giao tới DC nào?
Theo dõi nhiều ngày trong tháng 8 và tháng 9, chúng tôi ghi nhận đều đặn, khoảng 6h30 sáng có một chiếc xe tải ghi thông tin Công ty TNHH MTV Viager đậu trước cơ sở sơ chế rau, tài xế và nhiều nhân viên khác lần lượt chất các khay rau mà công nhân sơ chế, dán nhãn Vietgap vào bên trong xe.
Nhiều ngày bám theo, điểm đến đầu tiên của xe này là vào trong Trung tâm kho vận Linh Xuân nằm trên quốc lộ 1 (TP Thủ Đức).
Theo vào bên trong khu vực giao nhận hàng, đứng bên cạnh bảy két rau lớn vừa được bên Nông sản Trình Nhi giao tới, người đàn ông tên Đ. - làm việc tại kho - cho biết đây là kho tổng Winmart từ miền Trung tới Cà Mau, chuyên mặt hàng rau củ trái cây. Trên tờ "thông tin nhập hàng" cũng ghi địa chỉ kho Fresh Wincommerce (Wincommerce là công ty vận hành chuỗi siêu thị Winmart, cửa hàng tiện ích/siêu thị mini Winmart+).
Ông Đ. phàn nàn nhiều lần đã báo với ông Trình nhưng tình trạng rau hư hỏng vẫn diễn ra. Để thuyết phục, người này còn cho xem nội dung trao đổi qua Zalo với phía nhà cung cấp.
Quan sát, tem được dán trên các bó rau được in "ngày đóng gói" trong tương lai, tức hôm nay giao rau nhưng in thời gian đóng gói là ngày mai.
Dựa vào thông tin nghe được trong lúc làm công nhân sơ chế, đồng thời tài liệu do người bên cơ sở cung cấp, chúng tôi tìm đến một số siêu thị Winmart trên địa bàn TP.HCM và thấy rau Trình Nhi cũng được bày bán bên trong.
Tiếp tục xác minh, chúng tôi bám theo một tài xế giao hàng từ cơ sở sơ chế Trình Nhi di chuyển đến một địa điểm ở quận Tân Bình có cổng ghi "TikiNow Smart Logistics" màu xanh dương. Vào bên trong, sau khi tài xế giao rau xong, chúng tôi hỏi và nhân viên cho hay đây là kho của Tiki ngon (thuộc sàn thương mại điện tử Tiki), đồng thời cho xem "phiếu xuất kho" ghi danh sách các loại rau nhập từ Viager - Nông sản Trình Nhi.
Trong một ngày khác, cũng theo chân xe trên, chúng tôi tới điểm nhận hàng là cửa hàng thực phẩm 3 Sạch ở đường Hoàng Diệu (quận 4) và đường Trần Não (TP Thủ Đức).
Thừa nhận có mua từ chợ đầu mối
Sau nhiều lần tìm cách liên hệ với phía Nông sản Trình Nhi với tư cách người mua hàng, vào ngày 14-9, chúng tôi đã được sắp xếp gặp một người phụ nữ giới thiệu tên Tr. Bà Tr. cho biết công ty đang bỏ hàng cho rất nhiều mối sỉ, trong đó đa số là siêu thị tại TP.HCM, công nợ hai tuần giải quyết một lần.
Về nguồn cung rau củ của công ty, bà này cho biết lấy từ Đà Lạt và xác nhận có lấy cả ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP Thủ Đức).
Tuy nhiên, khi đặt vấn đề hàng từ chợ đầu mối Thủ Đức liệu có đạt tiêu chuẩn VietGAP không thì bà Tr. khẳng định đạt tiêu chuẩn VietGAP công ty mới ký hợp đồng.
"Có mà đầy, giờ bạn ra ngoài đó hỏi thì nó sẽ đưa cho bạn (tiêu chuẩn VietGAP - PV). Bởi khi muốn đăng ký trong chợ để giao hàng cho mối sỉ thì phải có", bà Tr. khẳng định.
Trong cuộc trò chuyện, bà Tr. cũng khẳng định hàng không hoàn toàn lấy từ Đà Lạt mà có hợp đồng với bên đây (chợ đầu mối Thủ Đức - PV).
Khi chúng tôi tỏ thái độ lăn tăn về chất lượng rau củ VietGAP ở chợ đầu mối Thủ Đức, bà Tr. trấn an: "Bạn ra chợ đầu mối Thủ Đức khảo sát, ở đâu người ta cũng có chứng nhận hết (VietGAP - PV)... Nếu không có chứng nhận VietGAP thì làm sao họ xuất hóa đơn cho bạn được...".
Tuy nhiên trên thực tế, chính tiểu thương chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đang cấp hàng cho Trình Nhi nói họ không có chứng nhận VietGAP.
Vietgap để "đối phó tình huống xấu"
Vựa rau C.T ở chợ đầu mối Thủ Đức chuyên bán khổ qua, cà chua, dưa leo baby, bí ngòi, bầu... và cả lá trà xanh. Bà T. và nhân viên ở đây cho biết có thể cung cấp giấy chứng nhận VietGAP. "Mình phải có giấy tờ, nhưng để đối phó cho những tình huống xấu". Các vườn bà này đầu tư "VietGAP cũng có, nửa kia cũng có", dùng để đối phó.
Cũng như các tiểu thương khác, bà T. cho biết sở dĩ nhiều bên chọn nhập rau củ ở chợ vì rẻ, nếu đúng tiêu chuẩn VietGAP thì giá cao, không cạnh tranh nổi.
Gần 1h sáng 18-9, sau khi một người đàn ông trong vựa rau này chất đầy xe rau, chúng tôi di chuyển theo và đích đến giao hàng là cơ sở sơ chế rau Trình Nhi.
Tiểu thương chợ đầu mối: Dán tem VietGAP cho dễ bán
Không chỉ đổ hàng hóa theo từng đống, tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, nhiều tiểu thương còn đóng rau củ vào các khay nhỏ 300-500gram, để thu hút thêm khách từ các cửa hàng thực phẩm, siêu thị nhỏ ở chung cư...
Không chỉ đổ hàng hóa theo từng đống, tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM), nhiều tiểu thương còn đóng rau củ vào các khay nhỏ 300 - 500gram, để thu hút thêm khách từ các cửa hàng thực phẩm, siêu thị nhỏ ở chung cư...
Đứng bên cạnh các khay cà chua, dưa leo baby, cà rốt, ớt chuông, khổ qua, bí ngòi, bắp... đã được dán tem tròn có in chữ VietGAP, chị B. cho biết hàng chủ yếu nhập từ Đà Lạt, chỉ có khổ qua ở miền Tây.
Mặc dù nói có thể cung cấp giấy chứng nhận VietGAP, nhưng chị này thừa nhận: "Giấy như chị vậy thôi, hàng VietGAP thiệt thì không có đâu. Ở chợ này không có ai trồng hàng VietGAP thiệt hết trơn. Chỉ có trên giấy tờ thôi. Yêu cầu hàng VietGAP thiệt thì không thể cung cấp".
Người bán này cũng thừa nhận không nhập hàng VietGAP thật vì: "Nó đưa giá cao lắm, không bán giá chợ nổi. Hàng mình giá chợ lên xuống hằng ngày, hàng VietGAP cố định giá, hầu như bán chợ không nổi, bán lỗ chết". Cụ thể, hàng VietGAP có thể chênh lệch từ 4.000 - 5.000 đồng/kg trở lên nếu so với hàng thường.
Tiểu thương này giải thích thêm: đa số người ra chợ đầu mối mua hàng thường quan tâm về giá cả, còn VietGAP hay không không quan trọng. Hàng VietGAP ít khi nào xuống chợ vì không có đầu ra.
Không phải rau củ VietGAP, nhưng chị B. vẫn dán tem VietGAP vì "chủ yếu cho nó sạch sẽ, rau củ không bị héo, tươi lâu, dán tem cho dễ bán".
Tại một vựa khác, tiểu thương Th. giới thiệu nhiều loại rau củ khác nhau, trong đó có cả rau thủy canh. Bên cạnh một số ít khay có dán nhãn VietGAP, các khay rau củ bán tại đây chủ yếu dán tem tròn "Rau sạch Đà Lạt" và ghi số điện thoại của tiểu thương này.
Dù rau củ được đóng trong khay và dán tem đàng hoàng, nhưng ông Th. tiết lộ đây thực chất là "hàng xá" (hàng lộn xộn ở chợ), trích ra khay rồi đóng gói. Ngoài ra vẫn có một số hàng đã đóng sẵn từ Đà Lạt chuyển xuống.
Về nhãn mác, ông Th. cho biết: "Tem đâu có quan trọng. Tại nhiều người thích tem này. Bây giờ em muốn tem VietGAP, đặt tem VietGAP dán cũng được vậy, bình thường thôi...". Còn về hàng VietGAP thật, tiểu thương Th. chia sẻ: "Đây đâu ai xài cái vụ đó đâu"...
NHÓM PV
Nhếch nhác làm rau sạch
Công nhân sơ chế ớt cũ để đóng gói vào bao bì mới - Ảnh: BÔNG MAI
Dựa vào tem nhãn trên bao bì, chúng tôi lần vào các website có gắn liền với Công ty TNHH nông sản Trình Nhi, với phần giới thiệu đầy tự hào: "Tất cả các sản phẩm của công ty được kiểm soát chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào cũng như quá trình sản xuất được chế biến đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng".
Ngoài giấy sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Rau Đà Lạt", giấy chứng nhận Global Gap (áp dụng trên diện tích và cho một số rau củ nhất định), công ty cũng quảng cáo đã được cấp hệ thống quản lý chất lượng ISO 22000:2005, giấy chứng nhận VietGAP.
Bên cạnh đánh tráo nguồn gốc, biến rau chợ thành rau VietGAP, trong quá trình làm công nhân sơ chế, chúng tôi nhận thấy ngay tiêu chuẩn gọi là "sạch" trong sơ chế và bảo quản rau củ cũng có nhiều bất cập.
Trong quá trình sơ chế, toàn bộ rau củ được công nhân để trên nền nhà, công nhân đi dép lên nền nhà. Trong trường hợp rau củ dư, các công nhân sẽ cất lại để hôm sau đóng gói tiếp.
Trong khi đó, rau chuẩn VietGAP ngoài giống rõ ràng, trồng ở đất không bị ô nhiễm... thì sau khi thu hoạch phải được chuyển vào phòng sơ chế, phân loại, làm sạch, đóng gói, niêm phong và vận chuyển đến cửa hàng hoặc trực tiếp cho người sử dụng trong vòng hai giờ để đảm bảo điều kiện vệ sinh và an toàn.
Rau VietGAP được bảo quản tại cửa hàng ở nhiệt độ 20oC và thời gian lưu trữ không quá hai ngày. Trong đó rau an toàn có thể sử dụng ngay không cần phải ngâm nước muối hay các chất làm sạch khác.
Bên cạnh bất cập trên, có trường hợp thời gian đóng gói rau củ in trên tem nhãn lại... đến từ tương lai, tức hôm nay đóng gói nhưng ghi thời gian ngày mai.
Mặc dù mỗi đêm sơ chế từ 650kg rau củ trở lên, tương đương hơn 90kg rau củ/người, nhưng điều lạ là các công nhân thường tự mua dao, kéo. Cả một kho rau nhưng chỉ có 1 - 2 cây kéo, dao nên người này phải đợi người kia làm xong mới có dùng. Vì phải tự mua bao tay nên phần lớn công nhân đều dùng tay trần sơ chế rau củ, mủ rau củ dính đầy tay, chưa kể nếu ai đó đi vệ sinh ra thì không biết họ có rửa tay hay không.
"Tay bẩn bốc. Thơm (trái dứa - PV) gì cũng lấy tay bẩn cắt một miếng bỏ vô (...) mà thơm nó về cũng chẳng thèm rửa, nó cắt bỏ nấu canh luôn", một nam công nhân vừa nói vừa cười, bàn về chất lượng vệ sinh rau củ mọi người đang sơ chế.
Một người khác lập tức chen vào nói: "Dao cắt thơm có khi quẹt vào mông một cái cho sạch rồi cắt", sau đó cười lớn. Lưu ý, đối với thơm đã gọt sẵn, để vào khay và dán màn che chắn sẵn, không ít người dân mua về ăn liền chứ không rửa.
"Giám đốc lo hết rồi"
Trong quá trình tìm hiểu, nhiều lần chúng tôi đã đặt câu hỏi cho anh T. (quản lý kho rau củ, hơn một năm làm việc tại Trình Nhi Foods). Trong một buổi tối khi đang chờ hàng chuyển đến, T. cũng xác nhận: "Hàng này ngoài chợ, thay vì mình mua trực tiếp tại Đà Lạt thì mình mua ở chợ".
Đặt chất vấn vì sao hàng ngoài chợ mà tem nhãn dán trên các bịch rau củ lại có in logo đạt tiêu chuẩn VietGAP, quản lý kho tươi cười chia sẻ: "Kệ nó không sao, giám đốc lo hết rồi"